Một số mặt hàng xuất khẩu chính trong 6 tháng đầu năm 2013 đều tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ gồm: Giày dép các loại đạt 142,2 triệu USD tăng 17,2%. Thủy sản đạt 51,3 triệu USD, tăng 76,2%. Điện thoại các loại linh kiện đạt 94,0 triệu USD, tăng 949,8%. Máy vi tính và sản phẩm điện tử đạt 45,4 triệu USD, tăng 80,4%. Hàng dệt may đạt 21,2 triệu USD, tăng 23,4%. Xơ sợi dệt các loại đạt 14,2 triệu USD, tăng 13,6 %. Phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 19,3 triệu USD tăng 6,6%. Sản phẩm từ sắt thép đạt 5,6 triệu USD, tăng 51,3 %. Máy móc thiết bị phụ tùng đạt 45,8 triệu USD, tăng 111,0%.
Một số sản phẩm như túi xách, vali, mũ, ô dù đạt giá trị xuất khẩu 5,2 triệu USD, giảm 36,5% so với cùng kỳ; cao su, sản phẩm từ cao su đạt 9,1 triệu USD, giảm 7,1 %. Nguyên nhân chính làm một số mặt hàng xuât khẩu giảm do các biện pháp phòng vệ và các cuộc điều tra dumpping xuất khẩu lốp môto và xe đạp của ta. Sản phẩm nói trên của ta phải cạnh tranh cao với hàng hóa nhập khẩu từ các nước châu Á khác với mẫu mã hấp dẫn, thị hiếu và giá cả phù hợp.
Một số mặt hàng nhập khẩu chính phục vụ sản xuất trong nước gồm thức ăn gia súc và nguyên liệu, đậu tương, ngô hạt, nguyên liệu thuốc lá, nguyên liệu da giày, dệt may, sắt thép các loại, máy móc phụ tùng, gỗ và sản phẩm từ gỗ, hóa chất, chất dẻo và nguyên liệu. Nguyên nhân chính làm kim ngạch nhập khẩu giảm 8% so với cùng kỳ do tác động của suy thoái kinh tế thế giới tới sức phát triển sản xuất và năng lực nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất bị ảnh hưởng.
Triển vọng thương mại Việt Nam với Braxin
Trong 10 năm qua, quy mô thương mại song phương Việt Nam- Braxin đã tăng nhanh hơn so với đa số các nước trong khu vực châu Á, nhưng hiện nay thị phần của ta ở nước sở tại chỉ chiếm 0,38%. Với nỗ lực XTTM, ước tính quy mô kim ngạch thương mại hai nước đạt mốc 2 tỷ USD trong năm 2013, trong đó giá trị xuất khẩu đạt khoảng 1 tỷ USD.
Kinh tế toàn cầu sẽ dần dần phục hồi. Môi trường kinh tế, thương mại, đầu tư cùng niềm tin của giới doanh nghiệp được cải thiện dần, nếu các biện pháp mở rộng thị trường được phát huy hiệu quả và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu được duy trì, triển vọng quy mô thương mại song phương sẽ đạt khoảng 5 tỷ USD trong khoảng 5 năm nữa. Vào những năm 2020 kim ngạch thương mại song phương có thể đạt khoảng 8 tỷ USD. Nếu chính sách thương mại của nước sở tại có sự đổi mới, làm tiền đề cho các hiệp định kinh tế, thương mại ưu đãi đầu tư song phương ra đời, quy mô kim ngạch 2 chiều có thể đạt trên 10 tỷ USD/ năm, kết quả đó sẽ phản ánh đầy đủ hơn tiềm năng thị trường và nhu cầu phát triển kinh tế hai nước.
Trước mắt, doanh nghiệp ta cần nhanh chóng nắm bắt, tận dụng một số cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang Braxin gồm:
- Thực tế trong quá trình phát triển quan hệ thương mại song phương 10 năm qua đã chứng minh một số yếu tố như khoảng cách địa lý, sự khác biệt ngôn ngữ, thiếu vắng hiệp định thương mại song phương, chính sách bảo vệ thị trường nước của sở tại không phải là phải là tác nhân chủ yếu, cơ bản ảnh hưởng kìm hãm đến tốc độ và quy mô thương mại 2 nước. Các biến số khách quan nói trên bị giảm bớt tác dụng ảnh hưởng , được bù đắp lại bằng các yếu tố XTTM, cơ hội của thị trường nếu được giới doanh nghiệp nắm bắt và khai thác triệt để.
- Thị trường Braxin rộng lớn, nhiều tiềm năng, dân số đông. Còn nhiều dư địa cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập. Sức mua của người tiêu dùng và nhu cầu nhập khẩu, thị hiếu chuộng hàng nhập ngoại tăng không ngừng. Do chi phí sản xuất đầu vào còn cao, giá thành sản phẩm trong nước đắt đỏ, khả năng cạnh tranh giảm sút càng kích thích nhập khẩu. Mặt khác, giá cả hàng hóa nhập khẩu từ một số nước láng giềng khu vực châu Á tăng cao do tăng chi phí đầu vào tăng cao hơn trước, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tìm tới hàng hóa Việt Nam đang có giá cạnh tranh hơn. Cuối cùng, yếu tố thị trường Braxin là thị trường gốc, nguồn cung hàng đầu thế giới về nguyên liệu như dầu khí, quặng sắt, bông, sợi dệt, nguyên liệu thuốc lá, da giày, đường, cồn, cà phê, đậu tương, thịt, ngô, hoa quả..v.v. Nay, khi giao dịch trực tiếp với đối tác Braxin, doanh nghiệp ta sẽ được chủ động về đối tác, giá cả, nguồn hàng, lợi ích mang lại cao hơn.
- Chỉ trong năm 2013, BP. Thương vụ ĐSQ đã tham gia tổ chức một số Hội thảo, gặp gỡ doanh nghiệp 2 nước để đẩy mạnh thông tin thị trường 2 phía, củng cố lòng tin cho giới doanh nghiệp. Mặt khác một số doanh nghiệp dệt may, giày dép, thực phẩm của ta đã tích cực XTTM, tham gia trưng bầy sản phẩm tại các hội chợ triển lãm quốc tế tại Sao Paulo, một trung tâm kinh tế lớn của Nam Mỹ, qua đó đã thâm nhập thị trường với hiệu quả tốt.
Các doanh nghiệp cần thông tin và nhu cầu giao dịch XNK có thể viết thư E-mail cho Thương vụ hoặc tự tra cứu Danh sách các doanh nghiệp XNK đối tác ngành hàng có uy tín, được đăng tải tại trang web song ngữ tiếng Việt và Bồ Đào Nha của Bộ phận Thương vụ www.ecoviet.com.br hoặc tra cứu tại các trang web thị trường nước ngoài của Bộ Công Thương.