Tài chính tiền tệ
Doanh nghiệp gỗ quay về nội địa không dễ
29/06/2013

Mong muốn quay về nội địa nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ chưa tìm ra cách để chiếm lĩnh thị trường.

Xu hướng đổ bộ vào Việt Nam của hàng ngoại đang khiến các doanh nghiệp gỗ lo lắng. Bà Ngô Thị Hồng Thu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF), nhận định, hiện nay thị trường đồ gỗ Việt Nam chia làm 3 cấp là thấp, trung và cao. Trong đó, phân khúc cao cấp có tới 60-80% là hàng ngoại nhập; phân khúc trung cấp có 40% còn thấp cấp là 20%. Theo bà ước tính, đồ gỗ trong nước chỉ chiếm khoảng 40% toàn thị trường với một số thương hiệu như Nhà Xinh, Trường Thành, Đức Thành (GDT), Hoàng Anh Gia Lai (HAG), Phố Xinh...

Khó nuốt

Trong 500 doanh nghiệp sản xuất gỗ lớn của cả nước, hầu hết đều chú trọng xuất khẩu, ông Nguyễn Bá Tuấn, Giám đốc Công ty Thủ công mỹ nghệ Gỗ Liên Minh (TP.HCM), cho biết.

Về nhận định trên, ông Trần Văn Trí, Tổng Giám đốc Công ty Hợp tác Kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex (SAV), giải thích, thị trường đồ gỗ bán lẻ trong nước không thu hút doanh nghiệp do lợi nhuận không cao, thu hồi vốn lâu, giá lại cao nên khó cạnh tranh với sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc. Doanh số hằng năm của Savimex tại thị trường trong nước chỉ chiếm 10% tổng doanh số Công ty.

Bên cạnh đó, theo bà Thu, Công ty Trường Thành, quy mô của thị trường còn nhỏ và mức tăng trưởng hằng năm chỉ khoảng 15%. Do đó, nếu doanh nghiệp quay về thị trường nội địa quá nhiều sẽ dẫn đến cạnh tranh gia tăng. Cũng theo bà, các doanh nghiệp nên tập trung 50-70% cho xuất khẩu và 30-50% cho nội địa để đề phòng một số rủi ro. Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp không thể cạnh tranh tại thị trường trong nước thì tăng cường xuất khẩu và ngược lại.

Nhưng nếu muốn trở lại sân nội, các doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn về sản xuất, mẫu mã, kênh phân phối...

Đầu tiên là mẫu mã. Các sản phẩm tiêu thụ trong nước có đòi hỏi cao hơn so với sản phẩm xuất khẩu. Cùng một mẫu mã, có thể xuất khẩu thành nhiều đợt nhưng nếu đem bán ở trong nước, chỉ có thể ra sản phẩm 1 lần với số lượng ít. Nguyên nhân là đối với hàng xuất khẩu, chỉ cần nhà nhập khẩu đồng ý thì có thể xuất nhiều lần với số lượng lớn, nhu cầu tiêu thụ lại nhiều. Còn đối với thị trường trong nước, do quy mô nhỏ nên mỗi năm phải có ít nhất 50 mẫu mới để khách hàng chọn, nếu không họ sẽ tưởng là sản phẩm cũ.

Sản xuất cũng là vấn đề nan giải. Doanh nghiệp lớn thường sản xuất với công suất lớn nên khi dùng dây chuyền đó để sản xuất trong nước với số lượng ít thì phải ngừng nhiều máy. Thị trường nội địa phù hợp hơn với doanh nghiệp có xưởng nhỏ, có thể sản xuất thủ công hoặc máy móc công suất nhỏ.

Khó khăn tiếp theo là địa điểm trưng bày và bán hàng. Mặt bằng lớn thì chỉ có ở những vùng ngoại thành, rất khó đầu tư. Một số mặt bằng trung bình ở đô thị lại có giá quá cao.

Giải pháp để trở về

Có thể nói, Trường Thành là một ví dụ cho thành công tại thị trường nội địa với việc xuất hiện từ năm 2005 và sở hữu 18 điểm bán hàng trên toàn quốc. Điểm cơ bản khiến Trường Thành thành công, theo bà Thu, đại điện Công ty, là hệ thống phân phối. Trường Thành có 3 loại cửa hàng gồm tự doanh, đại lý và liên kết. Đặc biệt, ở loại cửa hàng thứ 3, hiện Trường Thành liên kết với Gạch Đồng Tâm (các phòng trưng bày tại TP.HCM), Mê Linh Plaza (trung tâm thương mại vật liệu xây dựng và trang thiết bị nội thất, Hà Nội) và siêu thị điện máy Thiên Hòa (TP.HCM) để trưng bày và bán sản phẩm. Thời gian tới, Công ty sẽ phát triển thêm 7 cửa hàng mới theo 3 loại trên.

Vấn đề mẫu mã cũng có giải pháp riêng. Doanh nghiệp phải chấp nhận có một đội ngũ thiết kế với chi phí cao dành riêng cho thị trường nội địa. vì mẫu mã ở đây đòi hỏi phải đổi mới liên tục, đồng thời phải thường xuyên theo dõi thị hiếu của khách hàng.

Mẫu mã còn là yếu tố làm nên giá. Người miền Bắc thích sản phẩm gỗ thịt màu cánh gián, trong khi người miền Nam lại thích kiểu dáng hiện đại, gọn, nhẹ, giá vừa phải và không mấy quan tâm đến chất liệu. Thị hiếu của người miền Trung lại pha lẫn giữa 2 miền Nam Bắc, vì vậy rất cần mẫu mã riêng cho từng vùng.

Tiếp đến là việc lựa chọn kênh quảng bá phù hợp. Trường Thành đã dùng cách giảm giá trực tiếp trên sản phẩm vào những buổi khai trương, ngày lễ tết, phát tờ rơi tại các điểm bán hàng và đăng những tin nhỏ về thời điểm khuyến mãi trên báo. Đây là một cách rất hiệu quả. Bà Thu cho biết, trong buổi khai trương cửa hàng mới tại quận Bình Thạnh hồi đầu năm, Công ty đã bán được 1 tỉ đồng.

Hậu mãi là vấn đề cuối cùng nhưng phải luôn được ưu tiên, như vậy mới tạo được niềm tin nơi khách hàng.

Ngoài ra, theo khảo sát của Trường Thành, làm nội thất cho các công trình xây dựng đang là cách mang lại lợi nhuận rất cao, vì vậy nhiều doanh nghiệp gỗ trong nước đang hướng tới cách làm này như một mới khi quay trở về thị trường nội địa.
Ý kiến bạn đọc