Tài chính tiền tệ
Tỉ giá khó biến động mạnh, nắm giữ tiền đồng vẫn có lợi
22/11/2016

Dòng ngoài tệ vào Việt Nam chủ yếu từ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nên biến động tỉ giá USD quốc tế khó ảnh hưởng đến Việt Nam. Đồng thời, với lượng ngoại hối đã tích trữ, NHNN đủ khả năng can thiệp vào thị trường tiền tệ khi cần thiết.

Đây là nhận định của nhiều chuyên gia, lãnh đạo một số ngân hàng về tình hình tỉ giá vừa qua, dự báo những biến động trong thời gian tới.

So sánh về hiệu quả việc nắm giữ các đồng tiền, chuyên gia ngân hàng Cấn Văn Lực phân tích, hiện tại nếu gửi tiền đồng (VND) với kỳ hạn là 12 tháng thì vẫn được 6%/năm, trong khi đó USD là 0%/năm. Rõ ràng, nếu nắm giữ VND thì người gửi tiền vẫn là người “thắng”, trong tình huống lạm phát là 5%/năm. Ông Cấn Văn Lực cho hay, từ nay đến cuối năm, thậm chí sang cả đầu năm 2017, dù những biến động từ kinh tế thế giới vẫn đang tiếp diễn, nhưng nhiều phân tích cho rằng tỉ giá vẫn sẽ tiếp tục xu thế ổn định và thích ứng ngày càng tốt hơn với các cú sốc từ bên ngoài.

Dưới góc độ ngân hàng, ông Phạm Thanh Hà - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, theo quan sát, hoạt động mua bán ngoại tệ của khách hàng trong thời gian gần đây, kể cả trong 2-3 ngày qua là lúc tỉ giá có điều chỉnh tăng thì vẫn diễn ra bình thường, không có hiện tượng mua trước ngoại tệ, găm giữ hay đầu cơ như trước đây. Điều đó cho thấy, thị trường đã tự xử lý, điều tiết. Người nắm giữ VND vẫn đang có lợi hơn so với việc giữ ngoại tệ.

Ông Tiết Văn Thành, Tổng Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank) cho rằng, trong những ngày vừa qua, tỉ giá tăng nhẹ cũng chủ yếu do yếu tố tâm lý. Với cách thức điều hành tỉ giá mới linh hoạt như hiện nay, tác động của yếu tố tâm lý sẽ được giảm thiểu.

Tổng Giám đốc Agribank cho biết, thực tế thanh khoản thị trường vẫn tốt, cung cầu ngoại tệ bình thường, không có nhu cầu đột biến.

Về hành lang pháp lý, việc NHNN ban hành các quy định mới, trong đó cho phép gia hạn các đối tượng được vay vốn bằng ngoại tệ tại Thông tư 24/2015/TT-NHNN và Thông tư 07/2016/TT-NHNN đến hết năm 2017 cũng là yếu tố thuận lợi cho sự ổn định của thị trường và tỉ giá.

“Theo tôi, NHNN đã mua được lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối, do đó, cơ quan này có thể can thiệp vào thị trường tiền tệ khi cần thiết“, lãnh đạo Agribank khẳng định.

Nhận định tình hình trong thời gian tới, ông Tiết Văn Thành, Tổng Giám đốc Agribank cho biết, từ nay đến cuối năm, cung cầu ngoại tệ về cơ bản vẫn thuận lợi do các dòng vốn đầu tư nước ngoài, kiều hối tiếp tục là nguồn cung quan trọng cho thị trường. Ngay cả trong trong trường hợp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017 thì cũng có thể không tác động lớn đối với thị trường Việt Nam.

Lý do là dòng vốn vào Việt Nam chủ yếu là dòng vốn FDI, khó có thể đảo chiều trong ngắn hạn, còn dòng vốn đầu tư gián tiếp có quy mô nhỏ nên khó tác động được đến thị trường ngoại tệ trong nước.

Có cùng quan điểm, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienvietPostBank) cho rằng, nguyên nhân đợt biến động tỉ giá những ngày qua do yếu tố tâm lý trong đợt điều chỉnh này. Hơn nữa, cuối năm nhu cầu về thanh toán tăng nên các doanh nghiệp, cá nhân nghĩ đến dự trữ ngoại tệ, nhưng chỉ là tức thời.

Trong khi đó, các yếu tố nội tại trong nước có thể tác động đến sự điều chỉnh tỉ giá lại đang khá tích cực. Thậm chí nguồn cung về ngoại tệ đang khá dồi dào như thặng dư thương mại của Việt Nam 10 tháng xuất siêu 3,2 tỷ USD, giải ngân vốn FDI cũng đạt khá với mức 12,7 tỷ USD.

Ông Nguyễn Đức Hưởng phân tích, với lượng dự trữ ngoại tệ hiện nay vào khoảng 41 tỷ USD, tức là đã gấp 6-7 lần so với 10 năm trước, có thể thấy rằng nguồn lực này khá dồi dào và luôn sẵn sàng. Hơn nữa, cách điều hành tỉ giá trung tâm của Việt Nam đang rất khoa học, xoay quanh 1 rổ các đồng tiền khác, chứ không chỉ USD, thích ứng nhanh và nhạy. Do đó, dù nguồn kiều hối được dự báo tăng khá, dự kiến đạt 14 tỷ USD, nhưng NHNN cũng vẫn chưa cần đến nguồn lực này.

Trước tình hình biến động tỉ giá, NHNN trước đó cũng đã đưa khẳng định, đến cuối năm, cung cầu ngoại tệ tiếp tục có diễn biến thuận lợi như cung ngoại tệ được hỗ trợ bởi các nguồn như giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, dòng vốn vào do hoạt động mua bán, sáp nhập, kiều hối chuyển về dịp cuối năm… Cầu ngoại tệ chưa có áp lực tăng cao do tín dụng tiếp tục được NHNN kiểm soát ở mức hợp lý.

Việc NHNN ban hành Thông tư 15/2015/TT-NHNN vào tháng 10/2015 đã hạn chế việc các tổ chức, cá nhân mua ngoại tệ giao ngay trước khi đến hạn thanh toán cho các nhu cầu thanh toán ra nước ngoài, do đó không tạo áp lực tăng cầu ngoại tệ trên thị trường.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế để có các biện pháp và công cụ điều hành phù hợp, bảo đảm đạt được mục tiêu của chính sách tiền tệ đã đề ra, góp phần ổn định các cân đối vĩ mô của nền kinh tế.

Nguồn chinhphu.vn

Ý kiến bạn đọc