Tài chính tiền tệ
Một số vấn đề xã hội 6 tháng đầu năm
10/07/2013

1. Lao động, việc làm

Lực lượng lao động cả nước ước tính tại thời điểm 01/7/2014 là 53,7 triệu người, tăng 0,2 triệu người so với cùng thời điểm năm 2013, trong đó lao động nam chiếm 51,4%; lao động nữ chiếm 48,6%. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động ước tính 47,3 triệu người, giảm 10,2 nghìn người so với cùng thời điểm năm trước. Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế 6 tháng đầu năm ước tính 52,7 triệu người, tăng 0,3 triệu người so với cùng kỳ năm 2013, trong đó lao động trong khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 47,2%, lao động trong khu vực công nghiệp chiếm 20,7% và lao động trong khu vực dịch vụ chiếm 32,1% (Tỷ lệ tương ứng trong các khu vực của cùng kỳ năm trước là: 47,1%; 20,9% và 32,0%). Trong 6 tháng đầu năm, số người có việc làm quý I là 52,5 triệu người, tăng 616,1 nghìn người so với cùng kỳ năm 2013; quý II là 52,7 triệu người, tăng 282,6 nghìn người.

Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi 6 tháng đầu năm là 2,14% (Quý I là 2,21%; quý II là 2,07%), trong đó tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị là 3,62% (Quý I là 3,72%; quý II là 3,52%), cao hơn mức 3,19% của quý IV năm 2013; tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực nông thôn là 1,47%. Tỷ lệ thiếu việc làm 6 tháng là 2,63% (Quý I là 2,78%; quý II là 2,47%), trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 1,33%; khu vực nông thôn là 3,20%, thấp hơn mức 3,37% của quý I và 3,23% của quý IV năm 2013. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15 - 24 tuổi) 6 tháng là 6,32%, trong đó khu vực thành thị là 11,87%; khu vực nông thôn là 4,54%. Tỷ lệ thất nghiệp của người lớn (từ 25 tuổi trở lên) 6 tháng là 1,18%, trong đó khu vực thành thị là 2,23%; khu vực nông thôn là 0,71%.

2. Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội

Trong tháng 6/2014, cả nước có 23 nghìn hộ thiếu đói, giảm 36,1% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 97 nghìn nhân khẩu thiếu đói, giảm 36,6%. Tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước có 271,2  nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 16,1% so với cùng kỳ năm 2013, tương ứng với 1152 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 14,7%. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm các cấp, các ngành, các tổ chức từ trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 19 nghìn tấn lương thực và 19,7 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước năm 2013 là 9,8%, giảm 1,3 điểm phần trăm so với năm 2012.

Công tác an sinh xã hội tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương. Theo báo cáo sơ bộ, tổng kinh phí dành cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo trong 6 tháng đầu năm nay khoảng 2915 tỷ đồng, bao gồm: 1649 tỷ đồng quà thăm hỏi và hỗ trợ các đối tượng chính sách; 882 tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo và 384 tỷ đồng cứu đói, cứu trợ xã hội khác.

3. Giáo dục, đào tạo

Tại thời điểm đầu năm học 2013 - 2014, cả nước có 13841 trường mẫu giáo, tăng 293 trường so với năm học trước; 204,9 nghìn giáo viên mẫu giáo, tăng 2,9% và 3614,1 nghìn học sinh mẫu giáo, tăng 0,4%. Cũng trong năm học này, cả nước có 15337 trường tiểu học, giảm 24 trường so với năm học trước; có 10290 trường trung học cơ sở, không biến động so với năm học 2012 - 2013; 2404 trường trung học phổ thông, tăng 43 trường; có 592 trường phổ thông cơ sở, tăng 35 trường và 354 trường trung học, tăng 7 trường. Số giáo viên phổ thông trực tiếp giảng dạy trong năm học là 855,2 nghìn người, tăng 0,9% so với năm học trước, bao gồm: 386,9 nghìn giáo viên tiểu học, tăng 1,4%; 315,6 nghìn giáo viên trung học cơ sở, tăng 0,1% và 152,7 nghìn giáo viên trung học phổ thông, tăng 1,2%. Số học sinh phổ thông là 14,9 triệu học sinh, tăng 1% so với năm học 2012 - 2013, bao gồm: 7,5 triệu học sinh tiểu học, tăng 3,2%; 4,9 triệu học sinh trung học cơ sở, tăng 1,3% và 2,5 triệu học sinh trung học phổ thông, giảm 5,3%.

Theo báo cáo sơ bộ, cả nước có 910,8 nghìn thí sinh tham dự thi kỳ thi tốt nghiệp phổ thông năm học 2013 - 2014. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 99,02% (tăng 1,04 điểm phần trăm so với năm học trước); tỷ lệ tốt nghiệp hệ bổ túc trung học đạt 89,01% (tăng 10,93 điểm phần trăm).

Năm học 2013-2014, cả nước có 427 trường đại học và cao đẳng, tăng 6 trường so với năm học trước, bao gồm: 343 trường công lập và 84 trường ngoài công lập. Số giáo viên đại học và cao đẳng là 90,6 nghìn người, tăng 4%, trong đó giáo viên công lập là 74 nghìn người, tăng 7,1% và chiếm 81,7% tổng số giáo viên. Số sinh viên đại học, cao đẳng của cả nước là 2,1 triệu sinh viên, giảm 5,5% so với năm học trước, đạt 230 sinh viên trên một vạn dân. Số sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng của cả nước là 405,9 nghìn người, giảm 4,5% so với năm học 2012-2013.

Đào tạo trung cấp chuyên nghiệp năm nay tập trung chủ yếu vào việc nâng cao chất lượng đào tạo và hạn chế tuyển sinh hệ trung cấp trong các trường cao đẳng, đại học nên quy mô đào tạo giảm so với năm học trước. Số học sinh trung cấp chuyên nghiệp là 421,7 nghìn học sinh, giảm 25%, bao gồm 304,6 nghìn học sinh hệ công lập, giảm 29,3% và 117,1 nghìn học sinh ngoài công lập, giảm 11,1%. Số học sinh tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp trong năm học 2013 - 2014 là 179,6 nghìn học sinh, tăng 1,9% so với năm học 2012 - 2013.

Công tác đào tạo nghề tiếp tục được triển khai tại các địa phương trên cả nước. Tính đến thời điểm 31/5/2014, cả nước có 1340 cơ sở dạy nghề, bao gồm 165 trường cao đẳng nghề; 301 trường trung cấp nghề; 874 trung tâm dạy nghề. Tổng số học sinh học nghề được tuyển mới từ đầu năm là 440,3 nghìn lượt người, đạt 25% kế hoạch, bao gồm: Cao đẳng nghề và trung cấp nghề 31,4 nghìn lượt người, đạt 11%; sơ cấp nghề 408,9 nghìn lượt người, đạt 27%.

4. Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm

Tình hình dịch bệnh 6 tháng đầu năm diễn biến phức tạp với sự bùng phát và lây lan của các dịch bệnh, đặc biệt là bệnh sởi. Tính đến thời điểm 18/6/2014, cả nước đã ghi nhận 31,3 nghìn trường hợp sốt phát ban nghi sởi với 5,5 nghìn ca dương tính với sởi, trong đó 145 ca tử vong liên quan đến sởi. Trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 31,1 nghìn trường hợp mắc bệnh chân tay miệng; 11,1 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (7 trường hợp tử vong); 319 trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút (4 trường hợp tử vong); 156 trường hợp mắc thương hàn; 13 trường hợp mắc viêm màng não do não mô cầu (3 trường hợp tử vong); 2 trường hợp mắc và tử vong do cúm A (H5N1); 3 trường hợp mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân tại huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi.

Trong tháng 6/2014 trên địa bàn cả nước đã phát hiện thêm 1561 trường hợp nhiễm HIV, nâng tổng số người nhiễm HIV hiện còn sống của cả nước tính đến thời điểm 17/6/2014 lên 219,1 nghìn người, trong đó 68,8 nghìn trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Số người tử vong do AIDS cả nước tính đến thời điểm trên là 71,4 nghìn người.

Tính từ đầu năm, trên địa bàn cả nước đã  xảy ra 56 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng làm 1874 người bị ngộ độc, trong đó 16 trường hợp tử vong. Riêng trong tháng Sáu, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 20 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm 810 người bị ngộ độc, trong đó 6 trường hợp tử vong.

5. Hoạt động văn hóa, thể thao

Hoạt động văn hóa thông tin 6 tháng đầu năm diễn ra sôi nổi trên khắp cả nước, trọng tâm là các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, các lễ hội truyền thống. Nhiều sự kiện văn hóa lớn được tổ chức như “Tuần Văn hóa Du lịch Điện Biên 2014” chào mừng kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng lần thứ 17 với chủ đề “Quê hương - con người khu vực đồng bằng sông Hồng”; Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; Lễ vinh danh nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; “Ngày hội Gia đình Việt Nam - năm 2014”Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2014

Đáng chú ý là trong hai tháng qua nhiều hoạt động văn hóa hướng về chủ đề biển đảo quê hương, biên giới, chủ quyền đất nước được tổ chức rộng khắp trên cả nước. Các hoạt động văn hóa mang đầy ý nghĩa đã khơi dậy tình yêu quê hương đất nước của toàn dân, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; đồng thời góp phần tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội tại các địa phương tiếp tục được tăng cường. Trong 6 tháng đầu năm, ngành Văn hóa đã tiến hành 30 đợt thanh tra, kiểm tra, lập biên bản 30 trường hợp vi phạm.

Hoạt động thể dục thể thao quần chúng 6 tháng đầu năm diễn ra sôi nổi với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thu hút hàng nghìn người tham gia. Tại các giải thể thao quần chúng quốc tế được tổ chức ở ngoài nước, vận động viên Việt Nam giành được 62 huy chương vàng, 78 huy chương bạc và 79 huy chương đồng.

Trong thể thao thành tích cao, vận động viên Việt Nam cũng đạt được những thành tích rất đáng tự hào. Tổng số huy chương đoàn Việt Nam giành được tại các giải thể thao quốc tế được tổ chức trong 6 tháng qua là 70 huy chương vàng; 55 huy chương bạc và 52 huy chương đồng, trong đó đáng chú ý là 13 huy chương vàng thế giới; 4 huy chương vàng châu Á và 50  huy chương vàng Đông Nam Á. Ngoài ra, có 13 vận động viên đã giành suất chính thức tham dự Đại hội Olympic trẻ lần thứ 2 tại Nam Kinh, Trung Quốc được tổ chức vào tháng 8/2014.

6. Tai nạn giao thông

Trong tháng Sáu (từ 16/05/2014 đến 15/06/2014), trên địa bàn cả nước đã xảy ra 879 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên, làm 761 người chết và 254 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 3,8%, số người chết giảm 1,8%, số người bị thương giảm 57,3%. Ngoài ra, trong tháng đã xảy ra 1176 vụ va chạm giao thông, giảm 22,4% so với cùng kỳ năm trước, làm 1453 người bị thương nhẹ, giảm 21,6%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2014, cả nước đã xảy ra 5347 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên, làm 4689 người chết và 3147 người bị thương. Số vụ va chạm giao thông trong 6 tháng là 7480 vụ, làm 9116 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm 2013, số vụ tai nạn giao thông giảm 3,2%, số vụ va chạm giao thông giảm 19,6%, số người chết giảm 4,6%, số người bị thương giảm 9,2% và số người bị thương nhẹ giảm 21%. Bình quân 01 ngày trong 6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn cả nước xảy ra 30 vụ tai nạn giao thông và 41 vụ va chạm giao thông, làm 26 người chết, 17 người bị thương và 51 người bị thương nhẹ.

7. Thiệt hại do thiên tai 

Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, trong 6 tháng đầu năm, thiên tai đã làm 44 người chết và mất tích; 92 người bị thương; gần 400 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; 25 nghìn ngôi nhà bị ngập nước, hư hỏng; 158 ha lúa và 2,3 nghìn ha hoa màu bị mất trắng; trên 22 nghìn ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hỏng. Các địa phương bị thiệt hại nhiều do thiên tai: Cao Bằng 5 người chết và mất tích; 8,7 nghìn ngôi nhà bị sạt lở, tốc mái, ngập nước; 2 nghìn ha lúa và hoa màu bị hư hỏng; Thanh Hóa hơn 500 ngôi nhà bị sạt lở, tốc mái, ngập nước và 7,7 nghìn ha lúa và hoa màu bị hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong 6 tháng ước tính khoảng 368 tỷ đồng, trong đó Thanh Hóa thiệt hại 53 tỷ đồng; Cao Bằng 48 tỷ đồng. Theo báo cáo sơ bộ, tổng số tiền mặt cứu trợ các địa phương bị ảnh hưởng thiên tai từ đầu năm đến nay là gần 2,2 tỷ đồng.

8. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ  

Trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 3 nghìn vụ vi phạm quy định về vệ sinh môi trường tại 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó 1,8 nghìn vụ bị xử lý với tổng số tiền phạt hơn 460,9 tỷ đồng. Riêng trong tháng Sáu, cả nước đã phát hiện 596 vụ vi phạm về vệ sinh môi trường, trong đó 402 vụ  bị xử lý với tổng số tiền phạt là hơn 314 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 1429 vụ cháy, nổ nghiêm trọng, làm 68 người chết và 105 người bị thương. Thiệt hại do cháy nổ trong 6 tháng ước tính trên 317 tỷ đồng.

 

Khái quát lại, kinh tế - xã hội nước ta 6 tháng đầu năm nay tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng một số ngành, lĩnh vực đã có chuyển biến theo hướng tích cực. Thể hiện rõ nhất là lạm phát được kiềm chế ở mức thấp; kinh tế vĩ mô ổn định; sản xuất công nghiệp chế biến có dấu hiệu phục hồi dần; xuất khẩu hàng hóa tiếp tục đạt mức tăng khá. Tuy nhiên, trong thời gian qua, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, bất cập chưa được giải quyết triệt để; thời gian tới, những thách thức mới xuất hiện sẽ gây không ít áp lực cho sản xuất, kinh doanh trong nước và ảnh hưởng đến đời sống dân cư. Để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2014, trong những tháng cuối năm cần tập trung thực hiện tốt những giải pháp chủ yếu mang tính cấp bách và cần thiết sau đây:

Một là, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để tiếp tục duy trì mức lạm phát hợp lý nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu đầu tư của Chính phủ từ nguồn vốn trái phiếu trên cơ sở tăng cường quản lý đầu tư công. Song song với việc tập trung đẩy mạnh xử lý và thu hồi nợ, cần phát triển tín dụng trong sự kiểm soát chất lượng để ngăn nợ xấu. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp chính sách để tháo gỡ những nút thắt quan trọng như xử lý nợ xấu, tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường, tiêu thụ sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp, giải quyết dứt điểm nợ đọng của ngân sách.

Hai là, để nâng cao hiệu quả đầu tư, cần tập trung vốn cho các công trình mang tính cấp bách, thiết thực hơn cho những đối tượng được hưởng lợi. Các ngành, các địa phương cần tránh việc xây dựng mang tính tự phát, chồng chéo, không theo kế hoạch cụ thể. Chú trọng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ cơ sở và người lao động để có đủ năng lực sử dụng nguồn vốn đúng mục tiêu, mục đích. Bảo đảm tính công khai, dân chủ, minh bạch về tài chính trong hoạt động đầu tư.

Ba là, tiếp tục tập trung phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đáp ứng nguyên liệu đầu vào, từ đó giảm nhập khẩu; đồng thời tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, cung ứng sản phẩm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần lựa chọn phương thức phù hợp trong đổi mới công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý; tăng tính chủ động trong nâng cao năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh cũng như năng lực tiếp cận và mở rộng thị trường; đồng thời phải có chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình mới, có phương án sản xuất khả thi cho từng mặt hàng.

Bốn là, mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa theo hướng đa dạng, gồm cả thị trường lớn, thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng để giảm dần sự lệ thuộc vào một đối tác. Kết hợp vừa xuất khẩu những mặt hàng có công nghệ trung bình và công nghệ cao phù hợp với xu hướng tiêu thụ của thị trường thế giới, vừa xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế về điều kiện tự nhiên và nguồn lao động sẵn có trong nước. Tích cực tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại và khai thác cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn. Đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm qua chế biến, giảm dần tỷ trọng các mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng thấp để hội nhập quốc tế sâu hơn.

Năm là, tập trung phát triển công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày một đa dạng của người tiêu dùng, đặc biệt đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu. Từng bước xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam để nâng cao vị thế của nông sản nước ta trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, cần tập trung phát triển có kế hoạch, quy hoạch cụ thể và hợp lý trong ngắn hạn cũng như dài hạn; đồng thời tăng cường đầu tư theo chiều sâu cho nguồn nhân lực để tiến tới xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại và bền vững.

Ý kiến bạn đọc