Tài chính tiền tệ
Siết tải trọng xe: Doanh nghiệp sản xuất container gặp khó
01/06/2013

Những bất cập của các văn bản quy phạm pháp luật trong việc quy định tải trọng xe, không chỉ gây khó đến các DN vận tải hàng hóa mà còn ảnh hưởng đến các DN sản xuất container trong nước.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty CP thương mại cơ khí Tân Thanh, ông Kiều Công Thanh cho biết : “Theo Công ước quốc tế về container, tiêu chuẩn ISO 668 : 1995 quy định kích thước và tải trọng của container. Trong đó container 40 feet có tổng tải trọng hàng hóa 30,48 tấn, container 20 feet có tổng tải trọng hàng hóa 24 tấn. Các nhà sản xuất phương tiện giao thông ở nước ngoài luôn để trọng lượng thiết kế đúng với công thức trên. Nhưng các nhà sản xuất trong nước phải dựa vào Quy chuẩn QCVN 11: 2011/BGTVT - Quy chuẩn quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật đối với rơmoóc và sơmi rơmoóc theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải VN.

“Thua” vì Quy chuẩn quốc gia

Chính vì lý do trên, Cục đăng kiểm VN chỉ ghi nhận trong sổ kiểm định cho phép tổ hợp sơmi rơmoóc kéo theo khối lượng hàng hóa có tải trọng từ 19 tấn (kiểm định năm 2007 đối với sơmi rơmoóc hiệu Chien You và hiệu Tân Thanh) đến tối đa 23 tấn (kiểm định năm 2008 đối với sơmi rơmoóc hiệu Chien You, hiệu Tân Thanh). Trong khi, Thông tư 03/2011/TT- BGTVT của Bộ GTVT cho phép xe tổ hợp đầu kéo kéo sơmi rơmoóc càng nhiều trục thì tổng trọng tải càng lớn.

Mặc dù sản phẩm của các Cty trong nước có cùng các thông số kỹ thuật với sản phẩm nước ngoài, nhưng tải trọng thiết kế ghi trong giấy chứng nhận sản xuất chỉ có 23 tấn, dẫn đến tải trọng tham gia giao thông bị yếu đi so với sản phẩm nhập khẩu. Điều này khiến cho sản phẩm của các Cty trong nước không thể cạnh tranh nổi với hàng nhập khẩu.

Ông Đinh Nam Dinh - Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP HCM cho biết : Hiện nay Cục đăng kiểm đang có sự phân biệt trong đăng kiểm sơmi rơmoóc nhập khẩu với sơmi rơmoóc sản xuất trong nước. Cụ thể là : cùng một chủng loại sơmi rơmoóc nhưng đối với các thiết bị nhập khẩu thì Cục đăng kiểm căn cứ vào hồ sơ nhập khẩu để công nhận thiết kế của nhà sản xuất, trong khi các thiết bị sản xuất trong nước thì lại căn cứ theo tiêu chuẩn ngành để ghi nhận tải trọng đăng kiểm (Theo tiêu chuẩn của ngành thì tải trọng luôn bị khống chế, không vượt quá 23 tấn). Do có sự khác nhau trong phương thức đăng kiểm nói trên nên các DN vận tải thường phải chọn mua và sử dụng container nhập khẩu. Điều này đã ảnh hưởng đến quyền lợi DN sản xuất và cả DN vận tải vì nếu sử dụng sơmi rơmoóc sản xuất trong nước, các DN vận tải tiết kiệm được chi phí đầu tư so với đầu tư sơmi rơmoóc nhập khẩu cùng chủng loại.

Minh chứng cho điều này, bà Ngọc Mai - Giám đốc Cty vận tải Ngọc Mai chia sẻ : “Chúng tôi rất muốn sử dụng container sản xuất trong nước, vừa giảm được 5% - 10% chi phí đầu tư, vừa góp phần hỗ trợ thúc đẩy DN trong nước phát triển sản xuất và thực hiện chủ trương Người VN ưu tiên dùng hàng VN do Bộ Chính trị phát động. Tuy nhiên, tải trọng thiết kế của container sản xuất trong nước quá thấp chỉ 23 tấn. Chở hàng đúng tải trọng trên thì không có lãi, nếu chở hàng nhiều hơn thì bị phạt vi phạm tải trọng…”.

Cần tuân theo tiêu chuẩn thế giới

Để hỗ trợ ngành sản xuất sơmi rơmoóc và container VN phát triển, cũng như tạo thuận lợi cho các DN xuất nhập khẩu và các DN vận tải giảm chi phí vận chuyển, giảm chi phí logistics… Tổng thư ký Hiệp hội vận tải hàng hóa TP HCM - Luật sư Thái Văn Chung kiến nghị : các ngành chức năng cần ghi nhận sức kéo của phương tiện, thiết bị trong sổ kiểm định sao cho xe tổ hợp đầu kéo chuyên dụng kéo sơmi rơmoóc chuyên dụng loại hai trục phải chở được một container loại 20 hoặc 40 có tải trọng tối đa 32,48 tấn (kể cả trường hợp chở 2 container trên moóc 40 cũng phải chấp hành tải trọng tối đa 32,48 tấn) theo tiêu chuẩn chung của thế giới. Điều này hoàn toàn phù hợp với tải trọng thiết kế của nhà sản xuất cả trong và ngoài nước đang phổ biến sản xuất loại sơmi rơmoóc hai trục (mỗi trục chịu tải 13 tấn ), cộng với khả năng chịu tải của “trục 1” thường được gọi là chốt kéo (Kingpin) gác lên mâm đỡ của đầu kéo là 10 tấn. Như vậy, căn cứ vào tiêu chuẩn thiết kế kỹ thuật của nhà sản xuất thì loại sơmi rơmoóc hai trục có khả năng chịu tải kéo theo được 36 tấn hàng (hiện nay Cục đăng kiểm VN chỉ giới hạn tải trọng từ 19 đến 26 tấn).

Bộ GTVT nên công nhận tải trọng tham gia giao thông đối với sơmi rơmoóc chở container theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Kiều Công Thanh cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải nên công nhận tải trọng tham gia giao thông đối với sơmi rơmoóc chở container, kể cả container hàng nhập khẩu và sản xuất trong nước phù hợp với logicstic khu vực và thế giới đúng với trọng lượng tiêu chuẩn quốc tế. Trong giấy chứng nhận chất lượng, ngành chức năng nên ghi tải trọng tham gia giao thông (không ghi tải trọng thiết kế) để thống nhất quản lý trong kiểm soát cầu đường, đăng kiểm, kiểm tra và thanh tra giao thông.

Về lâu dài, Chính phủ nên tăng cường đầu tư xây dựng cầu đường đảm bảo cho xe chở container lưu thông, các ngành chức năng nên nâng cấp các tuyến đường, cải tiến công nghệ, bảo vệ cầu yếu bằng cách điều tiết lưu lượng giao thông hợp lý đảm bảo tham gia giao thông được an toàn, đúng tải trọng chuyên chở theo tiêu chuẩn lưu thông hàng hóa quốc tế.

Theo các chuyên gia, tuân theo các tiêu chuẩn của thế giới trong vận chuyển thì hàng hóa nước ta mới có thể vận chuyển đi khắp các nước trên thế giới, vì vậy việc hạn chế tải trọng đăng kiểm sơmi rơmoóc không chỉ gây khó khăn cho các DN sản xuất container mà còn kéo giảm sự phát triển của ngành logistics nước ta.
Ý kiến bạn đọc