Tài chính tiền tệ
Sở hữu chéo: “Mảng tối” khó gỡ
21/06/2013

 Theo các chuyên gia kinh tế, sở hữu chéo hay đầu tư chéo là điều bình thường trong hệ thống tài chính.

Tuy nhiên, tại Việt Nam , hoạt động này đang hiện hữu nhiều “mảng tối” và tiềm ẩn những rủi ro đòi hỏi cần nghiên cứu nhằm minh bạch hóa thị trường. Và việc tháo gỡ “mớ bòng bong” này như thế nào vẫn đang là bài toán chưa có lời giải thỏa đáng. 

Sở hữu chéo có thể hiểu một cách đơn giản là hiện tượng doanh nghiệp này nắm giữ cổ phần tại doanh nghiệp khác. Mối quan hệ này sẽ trở nên không kiểm soát được khi mỗi doanh nghiệp lại đầu tư tiếp vào các doanh nghiệp con khác. 

Theo TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, việc sở hữu chéo hiện nay cũng theo thông lệ bình thường trên thế giới khi mà các công ty, các cá nhân có thể sở hữu lẫn nhau, đặc biệt là liên quan đến các tổ chức tài chính. 

Vì vậy, Việt Nam cũng như các nước trên thế giới có những quy định rất chặt chẽ về tỷ lệ sở hữu tại các tổ chức tài chính cũng như việc kiểm soát các tỷ lệ sở hữu đó để làm sao không gây ra những hậu quả liên quan đến sở hữu quá mức. 

Tuy nhiên, những sở hữu như vậy đang gây ra rủi ro không chỉ liên quan đến các tổ chức tài chính hay ngân hàng thương mại (NHTM) mà còn gây ra rủi ro cho cả hệ thống tài chính. Bởi hiện nay việc đầu tư đan xen với nhau, đặc biệt việc đầu tư đó vượt ra ngoài tầm kiểm soát đã gây ra những nguy cơ và rủi ro cao. 

Cụ thể hơn, ông Bùi Huy Thọ, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng (TCTD), Ngân hàng Nhà nước phân tích, các cổ đông tại một hoặc nhiều TCTD khác nhau có thể thực hiện các giao dịch sở hữu chéo, đầu tư chéo phục vụ lợi ích nhóm tạo ra vốn ảo, lợi nhuận ảo làm cơ quan quản lý, nhà đầu tư khó có thể xác định được thực chất vốn và tài chính của TCTD. 

Sở hữu chéo hình thành những khoản vốn khổng lồ nhưng chỉ có trên giấy tờ, sổ sách mà không được đưa ra thị trường, không phục vụ cho nền kinh tế, tạo ra tình trạng tăng vốn ảo trong các ngân hàng. Kết quả này kéo theo hệ lụy làm sai lệch về quản trị TCTD cũng như việc đánh giá rủi ro, trích lập dự phòng hay giám sát đối với hoạt động tài chính nói chung. 

Trong hội thảo rủi ro sở hữu chéo và đầu tư chéo do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tổ chức mới đây, câu hỏi về tháo gỡ sở hữu chéo như thế nào, bằng các biện pháp gì đã được bàn luận sôi nổi nhưng dường như vẫn chưa có câu trả lời như giới chuyên gia kỳ vọng. 

TS.Vũ Viết Ngoạn, Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia khuyến nghị: cần hoàn thiện khung pháp lý để quản lý vấn đề này trong thời gian tới. Khi giảm thiểu được rủi ro thì quản lý tốt việc sở hữu chéo theo khuôn khổ pháp luật. 

Tại một số nước áp dụng các quy định cho phép truy vấn nguồn tiền khi nguồn tiền cá nhân, tổ chức đầu tư vào một công ty. Việc làm này vừa tăng cường hiệu quả chống rửa tiền vừa giảm rủi ro đầu tư chéo. 

Ông Bùi Huy Thọ cũng khẳng định: Để khắc phục khó khăn trong quản lý sở hữu, đầu tư chéo, NHNN đang nghiên cứu hoàn hiện quy định hiện hành nhằm xác định rõ về “người liên quan”, bổ sung quy định về “người sở hữu cuối cùng” và trao cho Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng quyền xác định “người sở hữu cuối cùng” dựa trên nguyên tắc theo luật định. 

NHNN cũng kiểm soát chặt vấn đề “vốn ảo” trong hệ thống, tăng cường thanh tra kiểm tra sở hữu chéo, đầu tư chéo giữa các TCTD, công ty con. 

Trả lời phóng viên TTXVN mới đây, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, trong chương trình cơ cấu lại NHTM cũng như hệ thống tài chính hiện nay, vấn đề xử lý để làm sao kiểm soát và ngăn chặn những hậu quả tiêu cực của sở hữu chéo là trọng tâm. 

Việc đầu tiên là kiểm soát lại vấn đề sở hữu chéo để ngăn chặn việc sử dụng sở hữu chéo như là công cụ để vượt qua những quy định về kiểm soát rủi ro. 

Đặc biệt, cần kiểm soát chặt chẽ quá trình đầu tư của các cá nhân vào các doanh nghiệp. Bởi việc đầu tư chéo này có thể tạo ra một sự luân chuyển dòng tiền nhưng không tạo ra một hiệu quả kinh tế nào cả. 

“Chúng ta đã có quy định về tỉ lệ của một cá nhân hay những người có liên quan tới tỉ lệ sở hữu tại một NHTM hay tại một TCTD. Chúng ta cũng có quy định rất rõ ràng liên quan đến vấn đề một tổ chức có thể được sở hữu bao nhiêu trong một TCTD hay NHTM. 

Tuy nhiên thời gian qua chúng ta chưa kiểm soát được vấn đề này nên rõ ràng phải có kiểm soát để làm sao đảm bảo đúng các quy định về an toàn rủi ro trong vấn đề liên quan đến sở hữu tại các TCTD cũng như là NHTM”, TS Vũ Đình Ánh khẳng định. 

Trong đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của Chính phủ có một nội dung quan trọng: Tái cấu trúc đồng thời phải giảm thiểu và đi tới loại bỏ sở hữu chéo không đúng quy định của pháp luật đối với hệ thống tài chính. 

Nhưng theo các chuyên gia kinh tế, thực tế hiện trạng các ngân hàng yếu kém phải tái cấu trúc đã có sở hữu chéo rất phức tạp. Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng hiện nay, để khắc phục khó khăn phải mời thêm các nhà đầu tư mới, song cũng nảy sinh một số vấn đề. 

Trường hợp tích cực, các nhà đầu tư mới có vốn thật, góp được tiền thật, tăng được vốn cho ngân hàng, nhưng việc "loại bỏ” các cổ đông cũ rất khó khăn do quan hệ sở hữu chéo. Do đó, kết quả là ngân hàng mới có thể tiếp nhận được vốn mới, có thể khắc phục tình trạng yếu kém, nhưng tình hình phức tạp hơn bởi các nhà đầu tư cũ vẫn còn đó./. 

Ý kiến bạn đọc