Tài chính tiền tệ
Thận trọng với cho vay bằng ngoại tệ
24/07/2013

“Nếu không có biến động lớn từ nay đến cuối năm, thì nhu cầu vốn vay bằng USD của DN xuất, nhập khẩu vẫn cao hơn so với vay bằng VND”.

Theo số liệu của Cục Thống kê TP.HCM, dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ của các ngân hàng thương mại trên địa bàn Thành phố đạt 172.500 tỷ đồng, chiếm 28,2% tổng dư nợ, tăng tới 44,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi dư nợ tín dụng bằng VND chỉ tăng 20,5%.

Ông Nguyễn Hữu Đặng, quyền Tổng giám đốc HDBank nhận định, DN xuất khẩu vay USD với lãi suất 5% - 5,5%/năm (thời hạn 3 – 6 tháng) và DN nhập khẩu vay USD ở mức từ 5,5% đến 6,5%/năm là khá hấp dẫn, nếu so với lãi suất thỏa thuận bằng VND phổ biến ở mức từ 13% đến 14%/năm hiện nay.

“Nếu không có biến động lớn từ nay đến cuối năm, thì nhu cầu vốn vay bằng USD của DN xuất, nhập khẩu vẫn cao hơn so với vay bằng VND”, ông Đặng dự báo.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế – tài chính, vào thời điểm này, các ngân hàng thương mại cũng cần thận trọng trong việc đẩy mạnh phát triển tín dụng ngoại tệ. Nhất là trong bối cảnh số dư nợ ngoại tệ của toàn hệ thống ngân hàng vượt tổng huy động ngoại tệ khoảng 40.000 tỷ đồng (tính đến thời điểm hiện nay). 

Vì thế, việc tăng mạnh lãi suất huy động tiền gửi bằng ngoại tệ của ngân hàng gần đây cũng nhằm mục đích cân đối lại cung - cầu, nhất là ở những ngân hàng đã đẩy mạnh cho vay bằng USD trong suốt 7 tháng qua.

Mặt khác, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, các DN có nhu cầu vay ngoại tệ sử dụng cho mục đích thanh toán cũng phải tính kỹ hơn so với trước; tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng ở mức cao trong 7 tháng qua cũng là vấn đề cần được quan tâm. Lý do là khả năng cầu ngoại tệ để trả nợ ngân hàng (khi các hợp đồng đáo hạn tăng lên) sẽ ảnh hưởng đến cung ngoại tệ, gây áp lực lên tỷ giá là điều khó tránh khỏi.

Do đó, tốt nhất là DN có nguồn thu bằng ngoại tệ thì mới nên tính đến việc sử dụng vốn vay bằng USD. Hơn nữa, ngân hàng cũng cần chọn lọc khách hàng để cho vay vốn, nhất là với đối tượng là DN nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng hóa bán ra ở thị trường nội địa và không có nguồn thu bằng ngoại tệ. Bên cạnh đó, các DN vay ngoại tệ nên sử dụng biện pháp bảo hiểm rủi ro biến động tỷ giá.

TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia cho biết, sau đợt tăng tỷ giá liên ngân hàng mới đây, chắc chắn, các DN nhập khẩu không có nguồn thu bằng ngoại tệ sẽ phải chuyển sang vay bằng VND. Cụ thể, so với trước ngày 30/8, tỷ giá niêm yết sát trần của nhiều ngân hàng thương mại hiện đã cao hơn 300 – 400 VND/USD (đạt 19.500 VND/USD – bán ra).

Trên thực tế, nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu vẫn tiếp tục chọn vay ngoại tệ, thay vì chuyển sang VND như một số dự báo được đưa ra. Vì thế, các ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất tiền gửi ngoại tệ, hút vốn để đáp ứng nhu cầu của DN.

Mới đây nhất, Southern Bank đã tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm USD, với mức tăng thêm từ 0,4% đến 0,7%/năm. Trước đó, Eximbank tăng lãi suất huy động USD lên mức cao nhất là 4,45%/năm, trong khi ACB cũng tăng thêm 0,15 – 0,20%/năm đối với lãi suất huy động bằng USD. Lãi suất tiết kiệm bằng USD còn được điều chỉnh tăng cao hơn ở các ngân hàng có quy mô nhỏ.

Ý kiến bạn đọc