Tài chính tiền tệ
Thị trường gạo thế giới năm 2013 và dự báo 2014 - Phần 1
07/12/2013

Kể từ báo cáo thị trường gạo thế giới số ra tháng 7, tổ chức FAO đã dự báo triển vọng sản lượng lúa gạo niên vụ 2013 không còn mấy sáng sủa. Báo cáo cho biết sản lượng gạo tháng 7 giảm khoảng 5 triệu tấn, xuống còn 741,4 triệu tấn (trong đó gạo đã xay xát là 494,2 triệu tấn), tuy nhiên vẫn tăng 1,1% (tương đương 7,8 triệu tấn) so với năm 2012. Điều kiện gieo trồng bất lợi đã gây những ảnh hưởng xấu tới sản lượng lúa gạo tại Madagascar, Mali và Seneg. Tổ chức FAO cũng điều chỉnh giảm mức dự báo sản lượng gạo tại Ai Cập và Myanmar năm 2013 so với số liệu báo cáo tháng trước. Trong vài tháng trở lại đây, những cơn bão nhiệt đới bất thường đã làm giảm triển vọng về sản lượng lúa gạo ở Trung Quốc, Pakistan và Phi-líp-pin. Tuy nhiên, dự báo sản lượng gạo sẽ tăng ở một số nước, đặc biệt là Indonesia, Thái Lan và Hoa Kỳ cũng phần nào bù đắp sự sụt giảm sản lượng gạo thế giới.

 

Mặc dù được dự báo là một trong những khu vực có sản lượng lúa gạo suy giảm nhưng Châu Á vẫn có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng sản lượng lúa gạo trong niên vụ 2013. Theo số liệu dự báo mới nhất, sản lượng gạo tại khu vực này đạt 672,7 triệu tấn, trong đó gạo đã xay xát là 448,6 triệu tấn, tăng 1,2 triệu tấn so với niên vụ 2012. Đứng đầu trong khu vực là các nước Ấn Độ, In-đô-nê-si-a, Thái Lan, Myanmar và Bangladesh. Ngược lại, hạn hán ở các tỉnh miền Trung và phía đông của Trung Quốc đã gây ra thiệt hại nặng nề vào giữa và cuối vụ mùa làm sản lượng lúa gạo giảm mạnh từ năm 2003. Nhật Bản, Malaysia và Phi-líp-pin cũng có thể phải đối mặt với những khó khăn tương tự. Tại Phi-líp-pin, siêu bão Haiyan ảnh hưởng không đáng kể lên vụ mùa chính do lúa gạo đã được thu hoạch gần xong trước đó. Tuy nhiên, những tác động đối với cây trồng chỉ là thứ yếu, điều quan trọng là nó đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trong tới cuộc sống của người dân, tới các hoạt động nông nghiệp, phá hủy máy móc công nghiệp, cơ sở hạ tầng tại những khu vực mà cơn bão đi qua, trực tiếp ảnh hưởng đến các vụ mùa sau. Triển vọng về sản lượng lúa gạo ở Châu Phi cũng đã xấu đi kể từ tháng Bảy, với sản lượng trong khu vực không thay đổi so với mức 26,8 triệu tấn (17,5 triệu tấn, đã xay) của niên vụ 2012. Tuy nhiên, đằng sau sự ổn định này là các xu hướng khác nhau trong khu vực, cụ thể là sản lượng tăng ở Bắc Phi (Ai Cập), Tây Phi (Guinea, Mali và Nigeria), Đông Phi (Tanzania, Uganda) và Trung Phi (Cameroon); trong khi lại sụt giảm (18%) tại Nam Phi.

 

Ở khu vực châu Mỹ Latinh và khu vực Caribê, sản lượng lúa gạo niên vụ 2013 đã tăng nhẹ lên mức 28 triệu tấn (18,7 triệu tấn, xay), tăng 1,9% so với niên vụ 2012, nhưng vẫn thấp hơn so với  niên vụ 2011. Ở Trung Mỹ và vùng Caribê, hầu hết các nhà sản xuất dự kiến ​​sẽ có vụ mùa bội thu, đặc biệt là Cộng hòa Dominica và Mexico; trong khi ở Nam Mỹ, sản lượng thu hoạch khác nhau theo từng nước, cụ thể tăng đáng kể tại Brazil, Guyana, Paraguay và Venezuel nhưng lại giảm tại Bolivia và Chile. Ở Bắc Mỹ, mặc dù triển vọng được cải thiện đáng kể nhưng Hoa Kỳ dự kiến ​​sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm khoảng 5% sản lượng lúa gạo trong năm nay. Sản lượng gạo tại các nước thuộc EU và Liên bang Nga thay đổi không đáng kể, trong đó sản lượng gạo tại các nước thuộc EU sẽ giảm mạnh còn tại Liên bang Nga có thể đạt mức kỷ lục mới. Tại châu Đại Dương, Australia đã gần như đạt mức sản lượng của cả năm ngay từ những tháng đầu năm 2013 và đạt được mức sản lượng cao nhất trong mười năm qua.

 

Các quốc gia ở vị trí dọc đường xích đạo và nam xích đạo cũng đã bắt đầu gieo vụ chính của năm 2014, với những dấu hiệu khả quan về kết quả thu được. Ví dụ, lượng nước dồi dào thuận lợi cho hoạt động tưới tiêu sẽ là yếu tố gia tăng sản lượng gieo trồng tại Argentina, Chile and Uruguay bất chấp những lo ngại về chi phí leo thang và giá cả suy giảm.. Các cuộc khảo sát cho thấy mặc dù diện tích gieo trồng ở Brazil thay đổi không đáng kể, nhưng theo các quan chức trong ngành, dự báo sản lượng sẽ tăng từ 2 đến 5%. Ở châu Á, Việt Nam đã công bố chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ gạo sang giống cây trồng khác, trong khi Indonesia đã đặt mục tiêu sản lượng lúa gạo tăng 6%. Ngược lại, sản lượng lúa gạo tại Australia được dự báo giảm khoảng 22% do điều kiện thời tiết khô hanh.

 

Dự báo của tổ chức FAO về thương mại gạo thế giới năm 2013 không có thay đổi đáng kể kể từ tháng 7, duy trì ở mức 37,5 triệu tấn (chủ yếu là gạo đã xay xát), thấp hơn khoảng 2% so với mức kỷ lục năm 2012. Nhu cầu nhập khẩu gạo tại một số quốc gia như ở vùng Viễn Đông (Indonesia, Philippines) và khu vực Tây Phi (Nigeria, Senegal) sụt giảm do hai nguyên nhân sau: thứ nhất là do sản lượng bội thu tại hầu hết các nước này; thứ hai là do các chính sách hạn chế nhập khẩu nằm trong chương trình tự cung tự cấp của một số nước. Tại một số nước trong khu vực Châu Âu, Mỹ Latinh và vùng Caribbê (Brazil, Colombia) và Bắc Mỹ (Hoa Kỳ), nhập khẩu gạo tăng cao do sản lượng trong nước thiếu hụt không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nội địa.

Trong số các nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất do nhu cầu nhập khẩu gạo thế giới giảm mạnh. Ngoài ra, những khó khăn về nguồn cung và giá cao cũng là những yếu tố gây tác động tiêu cực tới xuất khẩu của  Argentina, Brazil, và Uruguay. Do sản lượng lúa gạo không cao nên năm 2013, Thái Lan cũng không đẩy mạnh xuất khẩu thêm lúa gạo so với năm 2012. Bên cạnh sự suy giảm về xuất khẩu gạo tại một số nước, thì Ấn Độ có thể lập lại mức kỷ lục như năm 2012; các nước Úc, Campuchia, Trung Quốc, Ai Cập, Pakistan, Paraguay và Hoa Kỳ cũng được dự báo là kim ngạch sẽ tăng mạnh.

Ý kiến bạn đọc