Tài chính tiền tệ
Việt Nam - Thụy Sỹ nâng cao năng lực xuất khẩu cho các Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
30/12/2013

Ngày 31/05/2013, tại trụ sở Bộ Công Thương, được sự ủy quyền của Chính phủ hai nước Thụy Sỹ và Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền liên bang Thụy Sỹ tại Việt Nam, ông Andrej Motyl đã tiến hành ký kết Hiệp định hợp tác giữa Chính phủ Thụy Sỹ và Việt Nam về chương trình “Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV) thông qua hệ thống xúc tiến thương mại địa phương”.

Chương trình “Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV) thông qua hệ thống xúc tiến thương mại địa phương” do Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ được thực hiện trong 04 năm với tổng kinh phí 3.890.570 đôla Mỹ. Cơ quan quản lý chương trình là Bộ Công Thương, Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) là đơn vị chủ trì thực hiện theo phương thức Quốc gia điều hành (NEX).

Chương trình được xây dựng trên cơ sở kết quả tiếp nối của Dự án VIE 61/94 ‘Hỗ trợ XTTM và Phát triển Xuất khẩu tại Việt Nam’ do Chính phủ Thụy Sỹ và Chính phủ Thụy Điển đồng tài trợ. Về phía Việt Nam, Cục XTTM là đơn vị chủ trì, phối hợp với Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) thuộc Liên hợp quốc triển khai thực hiện trong giai đoạn 2004-2010.

Mục tiêu chung của Chương trình lần này là nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu của DNNVV Việt Nam, qua đó thúc đẩy tăng kim ngạch xuất khẩu và phát triển các ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam thông qua hệ thống XTTM trên phạm vi toàn quốc. Mục tiêu này cũng là cụ thể hóa các chính sách của Chính phủ, Nhà nước Việt Nam trong giai đoạn hiện nay nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp giải phóng hàng tồn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, v.v... Ngoài ra, Chương trình còn hướng tới một số kết quả như sau:

1. Củng cố, nâng cao năng lực cho các Trung tâm XTTM địa phương và các tổ chức XTTM khác để hỗ trợ một cách hiệu quả cho các DNNVV;

2. Thành lập Hội đồng xuất khẩu quốc gia Việt Nam;

3. Tăng cường năng lực cho Cục XTTM (VIETRADE), cơ quan đầu mối của Chính phủ Việt Nam về các hoạt động XTTM trên phạm vi toàn quốc.

Chương trình sẽ được triển khai tầm quốc gia, tập trung vào một số tỉnh/thành phố được lựa chọn theo các tiêu chí như năng lực xúc tiến thương mại, tiềm năng phát triển xuất khẩu bền vững và nằm trong ba vùng kinh tế trọng điểm Bắc, Trung, Nam.

Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam, ông Andrej Motyl, đã ca ngợi việc hợp tác giữa hai Chính phủ về xúc tiến thương mại và nâng cao năng lực trong hơn một thập kỷ qua như một minh chứng cho cam kết kiên định và lâu dài giữa hai bên. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng và những thách thức của DNNVV Việt Nam “Bên cạnh nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thì các DNNVV đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, nếu thiếu lực lượng này nền kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính phủ nên dành nhiều sự quan tâm hơn nữa cho DNNVV. Thực tế, với đóng góp gần 50% vào GDP nhưng mức đóng góp vào giá trị xuất khẩu chỉ đạt khoảng 10% cho thấy nhiều tiềm năng của DNVVN chưa được khai thác”. Ngài Đại sứ chia sẻ “Các DNNVV Thụy Sỹ với sự linh hoạt và sáng tạo thường được coi là xương sống của nền kinh tế. DNNVV thường có sự thích ứng với hoàn cảnh nhanh, khả năng tự phục hồi mạnh mẽ trong những thời điểm khủng hoảng và là khu vực đảm bảo tỉ lệ có việc làm cao cho lực lượng lao động”. Ông khẳng định thêm “Nỗ lực nhằm hỗ trợ DNNVV của Việt Nam là hết sức cần thiết. Với Thụy Sỹ, Chính phủ và nhân dân Việt Nam sẽ luôn có những người bạn tin cậy, luôn sát cánh với các bạn cả những lúc thuận lợi và khó khăn. Chúng ta hãy cùng chung tay hợp tác. Chúng tôi tự hào là một phần của nỗ lực này.”

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi lễ ký kết “Việt Nam đang thực hiện bước ngoặt để tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung cấp toàn cầu với các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao cả về hàng hoá và dịch vụ, trong đó , cùng với các ngành kinh tế khác, vai trò của các DNNVV ngày càng khẳng định vị thế quan trọng của mình. Hy vọng những vấn đề do các DNNVV đặt ra trong quá trình tăng cường sự tham gia của họ vào phát triển xuất khẩu của đất nước sẽ được giải đáp thông qua chương trình do SECO tài trợ. Nó không chỉ tập trung vào các vấn đề liên quan đến xuất khẩu của DNNVV Việt Nam mà còn xem xét những khó khăn mà các doanh nghiệp địa phương đang gặp phải và sự phát triển của họ ở cả cấp quốc gia và địa phương.”

Cũng tại buổi lễ ký kết, ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục XTTM - đơn vị chủ trì thực hiện chương trình hợp tác lần này phát biểu “Từ trước đến nay, Cục XTTM đã và đang chủ trì, phối hợp với các tổ chức của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế... triển khai nhiều dự án hỗ trợ kỹ thuật về XTTM. Hiện nay, Cục XTTM đang triển khai thực hiện Dự án “Chương trình Sản xuất và Thương mại Xanh nhằm tăng thu nhập và tạo việc làm cho người nghèo nông thôn” tổng kinh phí trên bốn triệu đô la Mỹ, với sự phối hợp tham gia của các tổ chức Liên hợp quốc như Tổ chức Nông Lương (FAO), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức Liên hợp quốc về Phát triển công nghiệp (UNIDO), Tổ chức Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) và Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC). Đến thời điểm này, Dự án này đã sắp hoàn thành và được các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá là một trong Dự án thực hiện có hiệu quả nhất trong số những Dự án nằm trong khuôn khổ ‘ONE UN’ (Một Liên hợp quốc). Với kinh nghiệm về thiết kế, triển khai và tổ chức quản lý thành công các Dự án ODA trong những năm qua, Cục XTTM sẽ tiếp tục phát huy và cam kết thực hiện Chương trình “Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thông qua hệ thống XTTM địa phương’ thành công và hiệu quả, nhằm đáp ứng mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức XTTM trên phạm vi toàn quốc cũng như mong muốn của nhà tài trợ."

Thụy Sỹ, thông qua Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO), đã hỗ trợ phát triển bền vững kinh tế Việt Nam từ năm 1993. Trong khuôn khổ Chiến lược quốc gia mới cho Việt Nam giai đoạn 2013-2016, SECO đã tái khẳng định về một cam kết hỗ trợ lâu dài Việt Nam nhằm đạt được sự tăng trưởng toàn diện và bền vững. Kết quả sẽ được thể hiện thông qua mức sống và chất lượng cuộc sống cao hơn, đóng góp vào chương trình nghị sự về cải cách kinh tế.
Ý kiến bạn đọc