Xuất khẩu tôm, cá tra vẫn đóng vai trò chủ đạo, chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Tuy nhiên, ngành sản xuất, chế biến các mặt hàng này vẫn đang gặp nhiều khó khăn về dịch bệnh, xây dựng vùng nguyên liệu…
CôngThương - Thiếu nguyên liệu
Mỗi ngày có hàng trăm tấn tôm nguyên liệu được thương lái Trung Quốc “núp bóng” thương lái địa phương thu mua bằng mọi giá mà không cần chất lượng. Điều đáng lo ngại là việc thu mua tôm với giá cao khiến nông dân khá hào hứng.
Ông Võ Hồng Ngoãn - người nuôi tôm ở TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu - cho rằng: “Việc thương lái Trung Quốc thu mua tôm với giá cao sẽ có lợi cho nông dân vì bán được giá và không bị “ép” như trước đây”.
Việc thu gom nguyên liệu tôm ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã làm cho phần lớn nhà máy chế biến tôm thiếu nguyên liệu sản xuất. Hiện tại, ở Cà Mau nhiều nhà máy chỉ hoạt động khoảng 40% công suất và kéo theo hàng ngàn công nhân thiếu việc làm.
Thách thức đối với xuất khẩu cá tra lại ở góc độ khác. Diện tích nuôi cá tra ở ĐBSCL liên tục giảm trong mấy năm qua do tình trạng thua lỗ kéo dài, nông dân không còn vốn để tái sản xuất.
Nếu như năm 2009, toàn vùng ĐBSCL thả nuôi 6.512 ha thì đến năm nay chỉ còn khoảng 5.700 ha.
Sau gần chục năm nuôi cá tra, gia đình ông Nguyễn Văn Tư ở khu vực Thới Thạnh Đông (phường Thới Long, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ) quyết định bán ao cá tra để trả nợ. Ông Tư cho biết: “Mấy năm liên tiếp nuôi cá tra thua lỗ do giá thấp nên số nợ ngân hàng đã lên đến 700 triệu đồng. Vì vậy tôi phải bán ao để trả nợ rồi giải nghệ luôn”.
Giải pháp nào?
Lâu nay cá tra Việt Nam mang tiếng độc quyền trên thị trường thế giới nhưng người nuôi vẫn thua lỗ, DN lao đao. Mặc dù thời gian qua có rất nhiều hội thảo, hội nghị bàn cách “cứu” cá tra, đặc biệt là giải pháp quy hoạch vùng nguyên liệu, vốn, liên kết sản xuất nhưng chưa thật sự mang lại hiệu quả. Tiến sĩ Võ Hùng Dũng -Giám đốc VCCI Cần Thơ -cho rằng, việc quy hoạch vùng nguyên liệu, giảm diện tích, sản lượng để nâng cao chất lượng là cần thiết nhưng cơ quan nào chịu trách nhiệm trong việc quản lý giảm diện tích tuân thủ theo quy hoạch…là việc cần bàn. Việc liên kết sản xuất để chia sẻ lợi nhuận giữa DN và người nuôi đang được xem là giải pháp tích cực. Hiện tại, ở ĐBSCL có rất nhiều nông dân liên kết với DN theo hình thức DN đầu tư thức ăn, nông dân đầu tư con giống thả nuôi sau đó bán cá lại cho DN. Khi đó nông dân được lợi nhuận từ 1.000 - 1.500 đồng/kg cá tra, DN cũng có nguồn nguyên liệu ổn định để sản xuất.
Theo ông Lý Văn Thuận, lâu nay việc phát triển ồ ạt các nhà máy chế biến đã dẫn đến thiếu nguyên liệu sản xuất. Trong khi đó các ngành công nghiệp phụ trợ trong chế biến tôm như: Gia vị, bột, phẩm màu… đều phải nhập khẩu. Ông Thuận đề xuất: “Để phát triển bền vững cần có sự quản lý vĩ mô của nhà nước, không nên cấp phép đầu tư xây dựng nhà máy chế biến ồ ạt như thời quan qua. Đồng thời khuyến khích đầu tư chế biến sâu để tăng giá trị xuất khẩu”.