Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các bộ, ngành liên quan và các hiệp hội để lấy ý kiến về việc điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu của một số mặt hàng.
Bộ Tài chính cho biết, việc điều chỉnh sẽ dựa trên nguyên tắc không ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; phù hợp với cam kết WTO 2014 và Khung thuế suất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó, sẽ tiến hành rà soát 3.425 dòng thuế, trong đó giữ nguyên thuế suất thuế nhập khẩu của 2.963 dòng thuế là nguyên liệu đầu vào trong nước chưa sản xuất được, chủ yếu là các mặt hàng nông-lâm-thủy sản, chế phẩm nông sản, thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm trong nước không nuôi trồng được hoặc nuôi trồng không đáp ứng đủ nhu cầu trong nước; khoáng sản tài nguyên thô cần khuyến khích nhập khẩu; các mặt hàng hóa chất cơ bản trong nước chưa sản xuất được; các mặt hàng máy móc thiết bị công nghệ kỹ thuật cao trong nước chưa sản xuất được...; Tăng thuế suất của 462 dòng thuế nhập khẩu, bao gồm các mặt hàng như: Cá thu; tôm hùm đá và các loại tôm biển khác; cua, ghẹ vỏ mềm; tôm thẻ chân trắng; mỡ và dầu động vật khác và các phần phân đoạn của chúng, đã hoặc chưa tinh chế nhưng không thay đổi về mặt hóa học...
Đặc biệt, các mặt hàng là nguyên liệu sản xuất, trong nước đã có sản xuất, Bộ Tài chính đề xuất tăng từ 2% đến 3% để khuyến khích sử dụng sản phẩm trong nước đã sản xuất được và góp phần hạn chế nhập siêu; các mặt hàng khoáng sản thuộc diện chịu thuế xuất khẩu nhưng vẫn có kim ngạch nhập khẩu thì điều chỉnh tăng từ 0% lên 3% để khuyến khích sử dụng tài nguyên khoáng sản trong nước, góp phần hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô giá rẻ.
Các mặt hàng đang có mức thuế suất thấp hơn cam kết WTO 2014 từ 0,5% đến 1% điều chỉnh tăng lên bằng mức trần; các mặt hàng thuộc Danh mục nhập khẩu theo hạn ngạch, điều chỉnh tăng 5-10% để hạn chế nhập khẩu, khuyến khích sử dụng hàng trong nước.
Bộ Tài chính cho biết, theo kế hoạch, việc thu thập ý kiến đóng góp của các đơn vị liên quan về phương án điều chỉnh các dòng thuế nhập khẩu sẽ được Bộ Tài chính hoàn tất trong tháng 10/2013.