Tài chính tiền tệ
Hàng Việt Nam tại Campuchia: Sức ép cạnh tranh ngày càng lớn
12/04/2014

Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Campuchia ngày càng đa dạng, phong phú về chủng loại, mẫu mã.

Độ phủ của hàng Việt không ngừng được mở rộng. Tuy vậy, bước sang năm 2014 mức độ cạnh tranh giữa hàng Việt với các sản phẩm cùng loại của các nước tại Campuchia trở nên gay gắt.

Trở lại xu hướng hàng giá rẻ

Hội chợ Triển lãm Thương mại dịch vụ du lịch Việt Nam - Campuchia 2014 (Ho Chi Minh City Expo 2014) tổ chức tại Vương quốc Campuchia từ ngày 7-4 đến 11-4 đã và đang thu hút đông đảo người tiêu dùng đến tham quan, mua sắm. Chỉ sau khai mạc một ngày, nhiều sản phẩm đã bán gần hết, đang chờ hàng đưa từ Việt Nam hoặc từ phía các nhà phân phối tại Campuchia để cung ứng thêm.

Tại nhiều gian hàng người dân được nếm thử trước khi mua các sản phẩm như xúc xích, chả giò, trái cây sấy, bánh phồng tôm. Các mặt hàng được chọn mua nhiều nhất tại hội chợ vẫn là hàng gia dụng, thực phẩm chế biến và thực phẩm công nghệ vì sản phẩm ngon, hợp khẩu vị, giá cả phù hợp.

Tuy nhiên, theo phản ảnh của các DN thị trường Campuchia đã có sự thay đổi, người dân có xu hướng chọn hàng giá rẻ. Biểu hiện rõ nhất, nếu năm 2013, các DN Việt Nam chủ yếu giới thiệu những mặt hàng cao cấp và được người tiêu dùng chọn mua nhiều hơn so với sản phẩm thông thường thì năm nay những mặt hàng giá rẻ, phẩm cấp trung bình được ưa chuộng hơn. Đồng thời, sức mua chung trên thị trường Campuchia có dấu hiệu chựng lại đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc đầu tư, phát triển tại đây.

Ông Phạm Quốc Hùng, Phó Văn phòng đại diện tại TPHCM Công ty cổ phần Thực phẩm Bích Chi cho biết, công ty hiện đã tìm được đối tác phân phối 13 mặt hàng tại Campuchia. Riêng tại hội chợ lần này, Bích Chi không giới thiệu những sản phẩm mới. So với năm ngoái, sức mua tại hội chợ năm nay không tăng. Đặc biệt trong những tháng đầu năm doanh số bán hàng tại Campuchia bị giảm nhẹ vì nhiều nguyên nhân.

Tạo điều kiện cho DN Việt

Tại hội thảo Xúc tiến Đầu tư và thương mại Việt Nam - Campuchia do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức ngày 8-4 tại Campuchia, nhiều DN cho rằng, mức độ cạnh tranh giữa hàng Việt với các sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực tại Campuchia ngày càng gay gắt.

Đại diện Công ty cổ phần Cầu Tre phản ánh, đã và đang có sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các mặt hàng cùng loại tại thị trường này do việc quản lý thuế của nước bạn còn lỏng lẻo. Hiện các DN Việt Nam chủ yếu xuất khẩu chính ngạch và phải chịu mức thuế rất cao, trong khi một số nước chỉ xuất khẩu qua đường tiểu ngạch, dẫn đến giá thành sản phẩm có sự chênh lệch rất lớn. Tương tự, một DN sản xuất thực phẩm của TPHCM cũng cho rằng, với mức thuế suất lên tới 35%, hàng Việt Nam rất khó phát triển tại thị trường này.

Trong lĩnh vực đầu tư, ông Kao Siêu Lực, Giám đốc Công ty Bánh kẹo ABC thừa nhận, ABC đang gặp khó khăn trong việc phát triển chuỗi cửa hàng tại đây vì giá điện cao gấp 3 - 4 lần so với Việt Nam. Sản xuất bánh kẹo đòi hỏi phải có nguyên liệu đạt chuẩn thì DN lại không được nhập khẩu trực tiếp mà phải qua DN trung gian. Cách làm này vừa gây lãng phí thời gian, vừa làm tăng chi phí sản xuất của DN.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng, năm 2014, TPHCM xác định Campuchia là một trong những thị trường xuất khẩu của TP. Do vậy, phía Campuchia cần quan tâm hơn đến những khó khăn, vướng mắc của DN để tạo thuận lợi hơn cho các DN Việt Nam khi thâm nhập thị trường này.

Điều quan trọng, hầu hết hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu vào Campuchia đều là hàng chất lượng cao, nếu phía bạn quan tâm đến môi trường đầu tư của các DN Việt Nam sẽ giúp người dân có nhiều cơ hội lựa chọn mua hàng hóa với giá cả phù hợp.

Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho hay, người dân Campuchia đang rất dè sẻn trong chi tiêu, do vậy các DN Việt Nam càng phải năng động và kiên trì hơn trong việc tìm hiểu nhu cầu tiêu dùng, tìm kiếm đối tác để phát triển thị trường. Theo đó, DN Việt Nam cũng cần tận dụng mọi cơ hội để quảng bá hàng hóa, theo dõi và tìm hiểu các chính sách mới để có biện pháp kinh doanh phù hợp.

Ông Lâm Sóc Kha, Quản lý bán hàng khu vực Campuchia của nhãn hàng Diana cho biết, Campuchia ngày nay đã khác trước, nếu muốn thành công thì trước tiên cần thay đổi và loại bỏ ngay suy nghĩ đây là thị trường dễ tính, có thể bán hàng gì sang đây cũng được là thua! Cách làm ăn chụp giựt, thiếu bài bản không còn phù hợp với thời điểm này.

Nhìn nhận về vị thế hàng Việt tại Campuchia, một quan chức của Bộ Thương mại Vương quốc Campuchia cho rằng, Campuchia là một thị trường mở.

Hàng hóa vào Campuchia khá dễ dàng nhưng lại có tính cạnh tranh cao. Hiện tại nhiều nhóm hàng ngành của VN đã tìm được vị thế tại thị trường này nhưng để đạt được tốc độ phát triển bền vững và cạnh tranh tốt với hàng của các nước, bên cạnh chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh thì DN Việt Nam cần có sự đầu tư bài bản để liên tục làm mới bao bì, mẫu mã đồng thời tổ chức các chương trình quảng bá thương hiệu ngày càng tốt hơn.

Ý kiến bạn đọc