Tài chính tiền tệ
Ngân hàng ngoại đổ bộ vào Việt Nam: Không lo bị cạnh tranh
18/08/2016

Ngân hàng ngoại theo chân các khách hàng truyền thống của họ sang Việt Nam chứ không nhằm mục đích cạnh tranh trực tiếp với ngân hàng nội.

Không sợ bị cạnh tranh

Ghi nhận hiện tượng các ngân hàng ngoại đang nỗ lực gia tăng hiện diện tại Việt Nam, tuy nhiên chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng điều này chỉ đúng với các ngân hàng châu Á, còn đối với ngân hàng của các nước phương Tây, Việt Nam chưa phải là thị trường hấp dẫn.

"Các nước châu Á khi làm ăn với Việt Nam, rất nhiều khách hàng của họ đến Việt Nam đầu tư kinh doanh. Do đó, mục đích chính của các ngân hàng ngoại khi đến Việt Nam không phải để cạnh tranh trực tiếp với ngân hàng nội mà theo chân khách hàng truyền thống của họ từ Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Singapore... Thị phần của các ngân hàng ngoại tại Việt Nam đến giờ còn rất nhỏ, họ ít tham gia vào các hoạt động tín dụng hay huy đgng động vốn. Đây có lẽ chưa phải là dấu hiệu của sự hội nhập", ông Hiếu cho biết.

Đồng quan điểm, PGS.TS Ngô Hướng, nguyên Hiệu trưởng Đại học Ngân hàng TP.HCM nhìn nhận, việc ngân hàng ngoại liên tiếp vào Việt Nam sẽ giúp đất nước có thêm vốn, tài nguyên để phát triển kinh tế, nhưng không hẳn các ngân hàng này cạnh tranh với ngân hàng Việt Nam. Theo ông, khi ngân hàng ngoại vào bao giờ cũng để mở đường cho các nhà đầu tư của nước họ, họ phục vụ cho doanh nghiệp nước ngoài là chủ yếu chứ không phải nhắm vào doanh nghiệp Việt. Dĩ nhiên, nếu doanh nghiệp Việt Nam hoạt động tốt, có đủ điều kiện, ngân hàng ngoại cũng sẵn sàng mở cửa.

"Thông thường, khi ngân hàng nước ngoài vào nhiều sẽ làm tăng các nhà đầu tư nước ngoài, đó là chỗ dựa cho họ vào làm ăn. Ngân hàng nội không sợ bị cạnh tranh vì ngân hàng nước ngoài không am hiểu nhiều về cách làm ăn của doanh nghiệpViệt mà họ nhắm  vào các doanh nghiệp ngoại truyền thống của họ", PGS.TS Ngô Hướng nhấn mạnh.

Cả hai vị chuyên gia về ngân hàng đều trấn an nỗi lo về việc kiểm soát dòng tiền ra nước ngoài cũng như sự chuyển dịch của dòng vốn trong nước khi ngân hàng ngoại đổ bộ vào Việt Nam.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, ngay từ khi ngân hàng ngoại chưa xuất hiện tại Việt Nam, việc kiểm soát dòng tiền ra nước ngoài vốn là khâu khó kiểm soát. Việt Nam chỉ có phép các cá nhân hay doanh nghiệp Việt Nam chuyển tiền ra nước ngoài với những quy định rất chặt chẽ. Chẳng hạn, với cá nhân, chuyển tiền cho con đi du học, chữa bệnh..., còn với doanh nghiệp, nếu họ trả tiền nhập khẩu hoặc có giấy phép đầu tư ra nước ngoài... thì có thể chuyển tiền ra nước ngoài.

"Nói chung, việc chuyển tiền ra nước ngoài rất hạn chế. Dĩ nhiên, nó vẫn có những con đường không chính thức và một trong những cách đó là rửa tiền", ông nói.

Ở chiều ngược lại, đối với dòng vốn trong nước, trước ý kiến lo ngại có sự chuyển dịch dòng tiền từ ngân hàng nội sang ngân hàng ngoại khi chất lượng dịch vụ của ngân hàng ngoại tốt hơn, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, ông không thấy sự chuyển dịch của vốn huy động từ các ngân hàng nội sang ngân hàng ngoại.

"Phần lớn ngân hàng ngoại làm ăn với các khách hàng truyền thống của họ và các khách hàng đó có thể có quan hệ với khách hàng ở Việt Nam, chính vì thế ngân hàng ngoại cũng có khách hàng ở Việt Nam nhưng họ không tham gia mạnh mẽ vào thị trường nội địa. Chính vì thế tôi không thấy sự chuyển dịch dòng vốn lớn từ ngân hàng nội sang ngân hàng ngoại tại Việt Nam".

PGS.TS Ngô Hướng thì cho rằng, cần thay đổi quan điểm khi cứ lo ngại ngân hàng nội mất thị phần vào tay ngân hàng ngoại, bởi nơi nào có lợi cho doanh nghiệp Việt hơn thì nên khuyến khích.

Doanh nghiệp Việt khó tiếp cận vốn từ ngân hàng ngoại

TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích, Việt Nam chưa cần lo ngại về việc lãi suất cho vay của ngân hàng ngoại cạnh tranh hơn so với ngân hàng nội dẫn đến doanh nghiệp Việt đổ sang ngân hàng ngoại vay vốn bởi các ngân hàng ngoại không mấy mặn mà với việc cho doanh nghiệp Việt vay tiền.

"Rủi ro của doanh nghiệp Việt lớn quá và ngân hàng ngoại cũng chưa nắm được thị trường của Việt Nam, vì thế họ sẽ cho doanh nghiệp nước ngoài vay nhiều. Tôi không sợ có sự cạnh tranh lớn giữa ngân hàng nội và ngân hàng ngoại trong việc cho vay mặc dù nguồn vốn huy động của ngân hàng nước ngoài rẻ và lãi suất cho vay thấp hơn".

Nói thêm về nỗi lo ngại của ngân hàng ngoại đối với doanh nghiệp nội, TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích: Nỗi lo đầu tiên của ngân hàng ngoại là tình hình sức khỏe của doanh nghiệp việt Nam. Thông thường, các ngân hàng ngoại căn cứ theo những chuẩn mực rất chặt chẽ khi đánh giá một khách hàng. Trong khi đó, đối với doanh nghiệp Việt Nam, ngay cả báo cáo tài chính cũng không có độ tin cậy cao.

Nỗi lo thứ hai là về tài sản thế chấp. Bản thân các ngân hàng trong nước cũng gặp khó khăn khi thanh lý tài sản đảm bảo, chưa nói gì đến các ngân hàng ngoại lấy tài sản thế chấp rồi thanh lý bởi còn vướng mắc rất nhiều. Chính vì thế, các ngân hàng nước ngoài chưa dám mạnh dạn vào thị trường nội địa và cho doanh nghiệp Việt Nam vay.

"Ở doanh nghiệp Việt Nam, các phương án kinh doanh và phương án trả nợ không có độ tin cậy cao. Khi phát sinh nợ xấu, ngay cả các ngân hàng trong nước cũng rất khó khăn để thanh lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, chứ đừng nói các ngân hàng nước ngoài. Theo Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi, người nước ngoài có thể mua tài sản ở Việt Nam nhưng với các ngân hàng ngoại khi phải thanh lý tài sản bảo đảm, vấn đề họ sở hữu một tài sản là bất động sản ở trong nước cũng là điều rất khó khăn.

Điêu đó cho thấy doanh nghiệp nội khó mà tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng ngoại dù lãi suất cho vay của ngân hàng ngoại có thể ưu đãi hơn", TS Hiếu chỉ rõ.

Vị chuyên gia nhấn mạnh, để cạnh tranh với ngân hàng ngoại trong tương lai, ngân hàng trong nước phải đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao chất lượng dịch vụ...

"Khách hàng của ngân hàng, từ người đi vay đến người gửi tiền, rất quan tâm đến uy tín của ngân hàng. Nếu họ thấy ngân hàng nước ngoài uy tín, làm ăn bài bản hơn, tuân thủ pháp luật hơn thì sẽ đánh giá cao và nếu họ có thể vay được của ngân hàng ngoại với lãi suất thấp, độ tin cậy cao thì ngân hàng Việt sẽ phải cạnh tranh rất lớn trong tương lai", ông Hiếu cảnh báo.

Nguồn Báo đất việt

Ý kiến bạn đọc