Tổ chức FAO đã hạ mức dự báo về thương mại gạo thế giới năm 2013 và 2014 lần lượt xuống 200.000 tấn và 500.000 tấn. Theo số liệu mới nhất của tổ chức này, thương mại gạo năm 2013 được dự báo giảm 2% so với năm 2012 xuống còn 37,6 triệu tấn, và tăng 0,5 lên 37,4 triệu tấn trong năm 2014, vẫn còn khá xa mức kỷ lục năm 2012 (38,4 triệu tấn).
Sự suy giảm về thương mại gạo thế giới năm 2013 một phần là do sức mua giảm (8%) tại khu vực Viễn Đông xuống còn 9,6 triệu tấn. Cụ thể, Ấn Độ và Philippines dự kiến sẽ giảm nhập khẩu do nguồn cung trong nước dồi dào, phản ánh sự thành công của hoạt động thúc đẩy sản xuất trong khuôn khổ các chương trình tự cung tự cấp của hai nước này. Hàn Quốc là quốc gia duy nhất được dự báo vẫn duy trì sản lượng gạo nhập khẩu để bù đắp sự thiếu hụt trong năm 2012. Trong số các nước nhập khẩu lớn, Trung Quốc, Malaysia và Nepal vẫn giữ được mức nhập khẩu của năm 2012. Bangladesh duy trì nhập khẩu gạo ở mức tối thiểu do các chương trình phân phối công chỉ tập trung vào gạo sản xuất trong nước. Nhập khẩu gạo tại một số nước châu Phi dự báo giảm 5% xuống còn 12,9 triệu tấn; đặc biệt giảm mạnh tại Ai Cập, Nigeria và Senegal. Ngược lại, các nước cận Đông Á lại tăng 6% lượng gạo nhập khẩu, trong đó tập trung ở Iran, Jordan, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Các đơn hàng từ châu Mỹ Latinh và vùng Caribê được dự báo sẽ tăng 4%, chủ yếu tập trung tại Brazil, Colombiavà Mexico trong khi lại sụt giảm ở Cuba, Ecuador, Honduras, Peru và Venezuela.
Xuất gạo thế giới năm 2013 giảm chủ yếu là do xuất khẩu gạo một số nước như Brazil, Ấn Độ, Myanmar và Việt Nam giảm mạnh. Chỉ có một số nước như Ai Cập, Thái Lan, Pakistan, Paraguay và Hoa Kỳ triển vọng xuất khẩu gạo có thể phục hồi nhẹ. Tuy xuất khẩu giảm, nhưng Ấn Độ dự kiến vẫn sẽ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới trong năm 2013. Tổ chức FAO cho biết, nước này dự kiến sẽ xuất khẩu khoảng 10,2 triệu tấn gạo; tiếp theo là Thái Lan và Việt Nam với tổng lượng gạo xuất khẩu là 7 triệu tấn.
Xét trong bối cảnh chung, triển vọng thương mại gạo thế giới năm 2014 vẫn còn nhiều khó khăn. Điều này phần nào phản ảnh sự suy giảm (2%) nhập khẩu tại một số quốc gia châu Á xuống còn 17,3 triệu tấn, chủ yếu là tạiIn-đô-nê-xi-a và Philippines. Bên cạnh đó, Hàn Quốc và Iran đều được dự báo sẽ giảm nhập khẩu do nguồn cung trong nước khá dồi dào. Ngoài ra, triển vọng sản lượng thấp tại Trung Quốc, nhập khẩu gạo có thể tăng nhưng sẽ phụ thuộc khá nhiều vào mối tương quan giữa giá gạo trong nước và giá gạo nhập khẩu. Tháng 9 năm nay, chính phủ Trung Quốc đã cố định hạn ngạch nhập khẩu gạo năm 2014 của nước này là 5,32 triệu tấn, không thay đổi kế từ năm 2004 khi Trung Quốc đồng ý thiết lập hạn ngạch thuế suất (TRQ) đối với các mặt hàng nông sản thuộc tổ chức thương mại thế giới (WTO). Việc phân bổ hạn ngạch thuế nhập khẩu gạo hiện đang phân chia 50% (khoảng 2,15 triệu tấn) cho doanh nghiệp tư nhân và 50% cho với doanh nghiệp nhà nước. Thuế suất nhập khẩu trong TRQ là 1% trong khi ngoài TRQ là 65%.
Dự báo xuất khẩu gạo sang các nước châu Phi sẽ duy trì ở mức 13 triệu tấn, tăng mạnh tại các nước Tây Phi như Mali và Nigeria trong khi lạ giảm ở các nước Nam Phi như Madagascar.
Tại châu Mỹ Latinh và vùng Caribê, nhập khẩu gạo năm 2014 được dự báo giảm 2% xuống còn 3,8 triệu tấn, chủ yếu giảm tại Brazil và Venezuela. Trong khi đó, do sản lượng gạo năm 2013 giảm cũng là yếu tố khiến nhập khẩu gạo của EU và Hoa Kỳ năm 2014 được dự báo tăng lần lượt 11% và 4%.
Thương mại gạo thế giới năm 2014 giảm cũng khiến lượng gạo xuất khẩu gạo của Ấn Độ giảm mạnh, dự báo chỉ đạt 9 triệu tấn, giảm 1,2 triệu tấn so với số liệu dự báo của năm 2013. Mặc dù lượng gạo dự trữ khá lớn, nhưng xuất khẩu gạo của nước này trong thời gian tới có xu hướng giảm do giá gạo thế giới giảm và nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng sau khi Luật an ninh lương thực quốc gia được ban hành. Giá gạo toàn cầu giảm cũng khiến xuất khẩu gạo tại một số nước như Pakistan, Hoa Kỳ, Uruguay và Việt Nam giảm. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo của Thái Lan có thể phục hồi trong năm 2012-2013 và 2013-2014 do sự suy giảm trong giá xuất khẩu.
FAO cũng đã hạ dự báo sản lượng gạo thế giới 2013-2014 xuống khoảng 494 triệu tấn, vẫn tăng khoảng 1% so với 2012-2013 do triển vọng vụ mùa xấu đi ở Trung Quốc và Ấn Độ. Dự báo tiêu thụ gạo toàn cầu 2013-2014 sẽ đạt 489 triệu tấn, tăng khoảng 2,6% hoặc 12 triệu tấn so với năm trước.