Hai tháng đầu năm 2016 chứng kiến sự đảo chiều khá thú vị trong quan hệ thương mại khi Việt Nam đã xuất siêu, trái ngược với việc nhập siêu trong cả năm 2015. Tuy nhiên, xuất siêu chủ yếu do nhập khẩu giảm và sẽ nhanh chóng chấm dứt.
Cần nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, lại càng không nên chủ quan vì hoạt động xuất khẩu trong điều kiện hội nhập sẽ là áp lực rất lớn với các doanh nghiệp. Tính chung, xuất siêu chủ yếu là do nhập khẩu giảm (giảm 6,6%) chứ không hẳn do xuất khẩu tăng cao, vì thực tế kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng hơn 2,9% so với cùng kỳ - cũng là mức tăng rất thấp so với yêu cầu tăng trung bình 10% theo chỉ tiêu năm nay. Phân tích sâu hơn còn thấy, nếu tình trạng nhập khẩu nhiều loại nguyên, vật liệu tiếp tục giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, từ đó tác động tiêu cực đối với nền kinh tế nói chung.
Thực tế, mức độ xuất siêu đã giảm theo thời gian. Cụ thể, tháng 1 xuất siêu 765 triệu USD, nhưng tháng 2 mức xuất siêu chỉ còn 100 triệu USD. Vì vậy, có thể xuất hiện xu hướng sự xuất siêu sẽ nhanh chóng chấm dứt và thay vào đó là tình trạng nhập siêu, bởi phần lớn các doanh nghiệp đang trên đà lấy lại mức sản xuất sau Tết, dẫn đến nhu cầu nguyên liệu vật tư cũng vì thế tăng mạnh.
Theo ông Mạc Quốc Anh, một khi sản xuất phục hồi và đi vào ổn định, nhất là khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam nhanh hơn thì nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị để hình thành dây chuyền sản xuất cũng như nguyên vật liệu đầu vào của các dự án mới được cấp phép sẽ tăng cao. Đó sẽ là thực tế thúc đẩy nhập khẩu diễn ra mạnh mẽ hơn và có thể giá trị nhập khẩu sẽ tăng cao hơn xuất khẩu. Điều đó sẽ tạo ra sự thay đổi về cán cân xuất nhập khẩu.
Thực tế, trong khi nền sản xuất vẫn còn đang phụ thuộc rất nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu như hiện nay, nhập siêu có thể lại được coi là tín hiệu mừng cho thấy sự hồi phục của các ngành sản xuất. Nhưng về lâu dài, vấn đề nhập siêu cần phải giải quyết triệt để bằng cách thay thế các mặt hàng nguyên vật liệu nhập khẩu bằng sản phẩm trong nước.
Sau tháng Tết, các doanh nghiệp đang đồng loạt trở lại sản xuất nên nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào phục vụ cho quá trình sản xuất, gia công, lắp ráp sẽ tăng vì nền kinh tế nước ta vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Với nhận định viễn cảnh kinh tế khá tốt trong thời gian tới, làn sóng đón đầu TPP của giới đầu tư quốc tế vào Việt Nam của doanh nghiệp nước ngoài để sản xuất hàng xuất khẩu làm cho mức nhập khẩu từng bước tăng dần và rất có khả năng xảy ra đảo chiều từ xuất siêu sang nhập siêu ngay trong tháng tới.