Trong những năm qua, hoạt động đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư đã đạt nhiều kết quả quan trọng, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, nâng cao trình độ khoa học công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, tạo ra năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư thời gian qua hiệu quả chưa cao, chưa tạo được động lực cần thiết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô; trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do một số rào cản xuất phát từ thể chế kinh tế, tổ chức hệ thống và quản lý kinh tế, các yếu tố đầu vào của sản xuất và tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về đầu tư đã làm ảnh hưởng đến việc nâng cao hiệu quả đầu tư.
Tập trung rà soát loại bỏ những thủ tục, quy định đang làm phức tạp, khó khăn, cản trở đối với yêu cầu và đòi hỏi của việc tăng cường thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế là nhiệm vụ đang đặt ra đối với nước ta hiện nay. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, theo chức năng nhiệm vụ được giao, một mặt tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp liên quan đến lĩnh vực đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư, mặt khác phải chủ động rà soát loại bỏ những quy định không còn phù hợp hoặc đang cản trở đến việc thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư của đất nước; đồng thời tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương:
a) Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, Khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đề xuất các giải pháp tăng cường thể chế kinh tế thị trường trong điều kiện hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, trình Chính phủ trong quý IV năm 2013.
b) Đối với các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, chương trình mục tiêu quốc gia:
- Thực hiện nghiêm túc, triệt để Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ và các cơ chế, chính sách, quy định liên quan trong quá trình phân bổ, sử dụng vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, chương trình mục tiêu quốc gia cho các Bộ, cơ quan, địa phương trong kế hoạch hàng năm và kế hoạch đầu tư trung hạn.
- Rà soát danh mục các dự án cơ sở hạ tầng quốc gia; trên cơ sở đó xây dựng danh mục và thứ tự ưu tiên đối với các dự án cơ sở hạ tầng quốc gia trọng điểm, cần hoàn thành sớm, bao gồm các tuyến đường bộ kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, các tuyến đường trục, sân bay, bến cảng, đường sắt có ý nghĩa quan trọng đối với hội nhập kinh tế quốc tế; trình Chính phủ trong quý II năm 2013.
- Ưu tiên bố trí vốn ngân sách trung ương tập trung để đầu tư các dự án có ý nghĩa chiến lược quốc gia và vùng kinh tế, chậm thu hồi vốn, không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận thấp.
- Xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư nhà nước làm cơ sở tiến hành đánh giá hàng năm về kết quả triển khai và hiệu quả đầu tư nhà nước trên mỗi địa phương, vùng lãnh thổ, trình Chính phủ trong quý II năm 2013.
- Áp dụng nghiêm ngặt các chế tài trong giám sát thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán công trình nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc thi công không đúng thiết kế, không đảm bảo chất lượng vật liệu theo quy định, không đảm bảo khối lượng xây lắp theo thiết kế được duyệt.
- Xây dựng hệ thống thông tin quốc gia với cơ sở dữ liệu điện tử và nối mạng thông tin toàn quốc về các dự án đầu tư nhà nước.
c) Phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 1617/CT-TTg ngày 19 tháng 9 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện và chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới; đồng thời chú trọng thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương rà soát để loại bỏ rào cản đối với đầu tư nước ngoài trong một số ngành dịch vụ mà Việt Nam đang có nhu cầu lớn; xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với thông lệ quốc tế để hạn chế các dự án không khuyến khích đầu tư.
- Nghiên cứu xây dựng chế độ ưu đãi đầu tư đủ sức hấp dẫn, có tính cạnh tranh nhằm thu hút các dự án đóng góp lớn đối với kinh tế - xã hội, có tính lan tỏa cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty đa quốc gia ở trình độ cao hơn, tạo điều kiện cho việc hình thành và phát triển các cụm liên kết ngành.
d) Nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan nhằm khắc phục những bất cập trong việc phân cấp quản lý hoạt động đầu tư trên cơ sở nguyên tắc phát huy quyền chủ động của địa phương, gắn quyền hạn với trách nhiệm của chính quyền địa phương; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan Trung ương, tránh việc phân cấp một cách dàn trải, đảm bảo tập trung thống nhất, hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước.
đ) Hoàn thiện tiêu chuẩn, tiêu chí đối với một số sản phẩm (như các loại khoáng sản); điều kiện về máy móc, thiết bị và môi trường trong một số ngành, lĩnh vực (khoáng sản, chế biến thực phẩm, xi măng, sắt thép,...); suất đầu tư trên diện tích đất sử dụng đối với một số dự án sử dụng nhiều đất (như khu đô thị, khu vui chơi giải trí, sân golf,...) để làm cơ sở cho việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
e) Khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ Nghị định về Danh mục lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư áp dụng chung cho các đối tượng thuộc diện được hưởng ưu đãi đầu tư.
g) Đẩy mạnh triển khai thực hiện thí điểm phương thức hợp tác công - tư (PPP) theo tinh thần Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư; thí điểm cơ chế tài chính hóa các nguồn lực đất đai; xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng phí sử dụng cơ sở hạ tầng theo hướng đảm bảo khả năng thu hồi chi phí đầu tư để khuyến khích đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng.
h) Rà soát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị định số 113/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư, đề xuất giải pháp, chính sách tăng cường kỷ cương thanh tra, giám sát, chế tài đối với các dự án đầu tư, đặc biệt các dự án chậm hoặc không triển khai đúng tiến độ.
i) Thực hiện các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng xây dựng và bảo đảm chế tài thực hiện các quy hoạch, trước hết là quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị; thực hiện kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy hoạch đã được phê duyệt, giảm thiểu tình trạng phải điều chỉnh các quy hoạch đã được duyệt, nhất là quy hoạch đô thị.
2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các Bộ, cơ quan, địa phương:
a) Tổng kết, đánh giá, kiến nghị giải pháp phù hợp đối với chính sách động viên, huy động, sử dụng các nguồn thu từ đất đai, tài nguyên, công sản, đặc biệt là đất đai; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2013.
b) Tăng cường kiểm tra, giám sát tình trạng tài chính của các doanh nghiệp, bảo đảm kỷ luật tài chính, lành mạnh hóa hệ thống tài chính doanh nghiệp.
3. Ngân hàng Nhà nước Việt
a) Đẩy mạnh tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 105/2007/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng chính sách tài chính nhà ở quốc gia đến năm 2020 theo hướng hiện thực hóa hệ thống thế chấp thứ cấp.
b) Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng đối với dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó tập trung xây dựng tiêu chí, cơ chế kiểm tra, giám sát tổng mức vay trong nước và vay nước ngoài của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong tương quan với tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp.
4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Quyết định số 1601/QĐ-TTg ngày 29 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
5. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương rà soát, sửa đổi bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung cơ chế quản lý đầu tư xây dựng theo hướng bảo đảm thuận lợi, kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tế phát sinh; rà soát các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, đánh giá, phân loại và đề xuất giải pháp xử lý phù hợp, trong đó quy định rõ tiêu chí, danh mục các dự án được tiếp tục triển khai, các dự án tạm dừng triển khai; trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2013.
6. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, cơ quan, địa phương tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện, rà soát cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao; trên cơ sở đó xây dựng Đề án ưu tiên phát triển các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao giai đoạn 2013 - 2020, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2013.
7. Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương tổng kết, đánh giá tình hình hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng Chương trình hành động tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2013 - 2020, trình Chính phủ trong năm 2013.
8. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương:
a) Rà soát, cập nhật quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp theo hướng sử dụng hiệu quả nguồn đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo các mục tiêu đã đề ra, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý III năm 2013.
b) Tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, đặc biệt là thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi và góp phần tăng cường thu hút, nâng cao hiệu quả đầu tư.
c) Rà soát việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư đã được giao đất, kiên quyết kiến nghị thu hồi đất đối với những dự án đầu tư không triển khai hoặc triển khai chậm so với quy định của pháp luật.
9. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện, kiến nghị sửa đổi bổ sung Nghị quyết số 08/2004/NQ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan, bảo đảm sự quản lý thống nhất của Chính phủ và nâng cao sự chủ động, trách nhiệm của chính quyền địa phương phù hợp với khả năng, điều kiện của địa phương gắn với tăng cường trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hiện của các cơ quan trung ương, trình Chính phủ trong quý IV năm 2013.
10. Các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội giai đoạn 2011 - 2015 để góp phần tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả đầu tư.
11. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động rà soát, xóa bỏ theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xóabỏ các rào cản đối với nâng cao hiệu quả đầu tư để tạo điều kiện và môi trường thuận lợi thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn và cả nước; tăng cường phối hợp với các Bộ, cơ quan chức năng trong việc rà soát, xóa bỏ các rào cản đối với nâng cao hiệu quả đầu tư theo tinh thần Chỉ thị này và các văn bản, quy định khác liên quan.
12. Tổ chức thực hiện
a) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị này; định kỳ hàng quý báo cáo tình hình triển khai thực hiện và các vướng mắc phát sinh, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 20 tháng cuối quý.
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, theo dõi tình hình và kết quả triển khai Chỉ thị của các Bộ, cơ quan, địa phương; định kỳ hàng quý báo cáo Thủ tướng Chính phủ./