Luật Giao dịch Điện tử: Luật này là văn bản nền tảng cho mọi hoạt động giao dịch điện tử nói chung và thương mại điện tử nói riêng. Luật đã được Quốc hội thông qua ngày 29.11.2005 và có hiệu lực từ ngày 1.3.2006.
Nghị định về Thương mại điện tử: Quy định về việc sử dụng thông điệp dữ liệu trong hoạt động thương mại (gọi là “chứng từ điện tử”) được Chính phủ ban hành ngày 9.6.2006.
Nghị định về Chữ ký số và chứng thực điện tử: Quy định về việc sử dụng chữ ký số và dịch vụ chứng thực điện tử.
Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực ngân hàng: Quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng.
Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính: Quy định về giao dịch điện tử trong ngành tài chính.
Nghị định về Mật mã dân sự: Quy định về việc nghiên cứu, sản xuất, áp dụng các biện pháp mã hóa phục vụ mục đích dân sự, kinh tế.
Luật Công nghệ thông tin,
Kế hoạch tổng thể phát triển Thương mại điện tử giai đoạn 2006 - 2010.
Với sự công nhận giá trị pháp lý của chứng từ điện tử, pháp luật Việt Nam đã tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có nền tảng cơ sở để phát triển.
Hệ thống luật giao dịch điện tử tại Việt Nam hiện nay được hình thành dựa vào hai luật chính là Luật Giao dịch điện tử 2005 và Luật Công nghệ thông tin 2006. Luật giao dịch điện tử thừa nhận giá trị pháp lý của dữ liệu điện tử, quy định về chữ ký điện tử, điều chỉnh giao dịch điện tử trong các hoạt động kinh tế, xã hội. Luật công nghệ thông tin quy định chung về hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin cùng các biện pháp đảm bảo hạ tầng công nghệ.
Các Nghị định về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính, ngân hàng ban hành năm 2007 đã tạo điều kiện cho các hoạt động ngân hàng điện tử bắt đầu phát triển mạnh mẽ trong năm 2008 - 2009.
Thông tư số 9 của Bộ Công thương ban hành vào tháng 7/2008 hướng dẫn thi hành Nghị định thương mại điện tử về cung cấp thông tin và giao kết hợp đồng trên website đã tạo môi trường pháp lý cho các hoạt động của các website thương mại điện tử B2C. Thông tư này đưa ra một khung quy định chung về các thông tin cần được cung cấp và quy trình giao kết hợp đồng trên các website thương mại điện tử, phân định phạm vi trách nhiệm của mỗi bên trong các giao dịch, bảo vệ lợi ích tối thiểu cho khách hàng.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành rất nhiều văn bản khác liên quan đến ứng dụng thương mại điện tử trong các lĩnh vực khác nhau: hoạt động của các cơ quan Nhà nước, lĩnh vực hải quan, ngân hàng, thương mại. Các quy định về giải quyết tranh chấp trong thương mại điện tử cũng được nói đến trong các văn bản, bao gồm cả Bộ luật hình sự, Luật cạnh tranh, Luật bản quyền…
Theo ý kiến của một số doanh nghiệp trong ngành, pháp luật Việt Nam đã dần gỡ bỏ các rào cản cho thương mại điện tử phát triển, hoạt động của doanh nghiệp dễ dàng hơn, thông suốt hơn và doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng không còn lo ngại xảy ra vướng mắc. Đa phần cũng nhận định rằng, việc đẩy mạnh và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động thương mại điện tử kết hợp với việc các chủ thể tham gia thương mại điện tử làm quen và tuân theo những quy tắc quốc tế sẽ thúc đẩy thương mại điện tử tại Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh và sôi động hơn trong thời gian tiếp theo, hội nhập dần với thương mại điện tử quốc tế.