Chính sách
Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan: Nhiều nội dung mới
05/12/2013

 Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan sẽ có hiệu lực vào ngày 15/12/2013 tới đây. Nghị định này kế thừa những quy định tại Nghị định số 97/2007/NĐ-CP, đồng thời bổ sung một số nội dung mới.

Thời hiệu xử phạt VPHC với các vi phạm về thuế là 05 năm

Trên cơ sở các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Quản lý thuế sửa đổi, bổ sung, Nghị định số 127/2013/NĐ-CP (Nghị định 127) bổ sung quy định về thời hiệu xử phạt VPHC với các hành vi vi phạm về thuế.

Cụ thể, Điều 3 Nghị định 127 quy định thời hiệu xử phạt vi phạm pháp luật về thuế trong lĩnh vực hải quan (Đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp hoặc tăng số thuế được miễn, giảm, hoàn) thì thời hiệu xử phạt là 05 năm, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm.

Quá thời hiệu xử phạt thì người nộp thuế không bị xử phạt nhưng vẫn phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn cao hơn hoặc số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trong thời hạn mười năm trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thuế.

Thời hiệu xử phạt đối với các hành vi vi phạm khác ngoài các hành vi vi phạm pháp luật về thuế thì thực hiện theo quy định tại Điều 6 Luật Xử lý VPHC. Theo đó, thời hiệu xử phạt VPHC về xuất khẩu, nhập khẩu, thủ tục thuế là 02 năm; về xuất cảnh, nhập cảnh là 01 năm.

Thời hiệu xử phạt đối với các trường hợp do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến cũng được tính như trên (05 năm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về thuế; 02 năm đối với các hành vi vi phạm khác). Thời gian cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, xem xét được tính vào thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.

Mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức

Nghị định 127 bổ sung Điều 4 quy định rõ về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức.

Theo điều này, mức phạt tiền quy định tại Mục 2 Chương I Nghị định này là mức phạt đối với tổ chức; mức phạt đối với cá nhân bằng ½ mức phạt tiền đối với tổ chức; trừ các trường hợp sau:

+ Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định tại Điều 9 (vi phạm quy định về khai hải quan của người xuất cảnh, nhập cảnh đối với ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt, vàng), khoản 1 Điều 14 (hành vi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá trái với quy định về trao đổi hàng hoá của cư dân biên giới; hàng hoá của người xuất cảnh, nhập cảnh) là mức phạt tiền đối với cá nhân.

+ Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều 8 (vi phạm quy định về khai thuế) là mức phạt tiền đối với cá nhân và tổ chức theo quy định tại Điều 107 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế năm 2012.

Những trường hợp không xử phạt

Nghị định 127 về cơ bản vẫn giữ nguyên các trường hợp không xử phạt quy định tại Điều 7 Nghị định 97/2007/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 18/2009/NĐ-CP), tuy nhiên có sửa đổi cho rõ ràng và phù hợp hơn.

Cụ thể, khoản 1 Điều 5 quy định trường hợp hàng hoá, phương tiện vận tải được đưa vào lãnh thổ Việt Nam do sự kiện bất ngờ, sự kiện bất khả kháng thì phải thông báo với cơ quan hải quan hoặc cơ quan có thẩm quyền kháctheo quy định của pháp luật. Điều này khác với quy định tại Nghị định 97, yêu cầu “phải khai hải quan”, có thể dẫn tới nhầm lẫn với việc khai, làm thủ tục hải quan như hàng nhập khẩu thông thường.

Nghị định 127 cũng sửa quy định về các trường hợp được sửa chữa, khai bổ sung theo quy định của pháp luật theo hướng quy định khái quát, không quy định cụ thể như Nghị định 97, để tránh nhắc lại các quy định đã có tại các văn bản quy định về nội dung (Luật Hải quan, Luật Quản lý thuế) và đảm bảo phù hợp với các trường hợp khai bổ sung khác phát sinh sau này.

Ý kiến bạn đọc