Chính sách
Thông tư hành doanh nghiệp!
20/11/2013

Theo Thông tư số 128/2013/TT-BTC, các loại hàng hóa nhập khẩu phải đưa về địa điểm kiểm tra của cơ quan kiểm tra chuyên ngành. Sau khi kiểm tra, được cấp các loại giấy chứng nhận chất lượng, đăng kiểm... thì hàng hóa mới được làm thủ tục hải quan. Thông tư 128 đã đảo ngược quy trình so với Thông tư 194/2010/TT-BTC khiến doanh nghiệp (DN) bị thiệt hại lớn.

Thiệt hại trước hết và dễ thấy nhất là chi phí lưu kho, bãi của hàng hóa. Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn muối miền Nam - cho biết: “Công ty thuê tàu hàng Zeusi chở 24.000 tấn muối nhập từ Ấn Độ cập cảng Nhà Rồng- Khánh Hội đã 1 tuần nhưng chưa được thông quan. Hiện mỗi ngày công ty mất hàng trăm triệu đồng, trong đó, riêng phí lưu tàu đã mất 5.000 USD/ngày. Hàng hóa không được thông quan dẫn tới chậm giao hàng cho đối tác, bị phạt vi phạm hợp đồng. Chưa kể muối là một mặt hàng dễ bị hao tổn khi phơi ngoài trời, chậm đưa vào kho bảo quản sẽ hao hụt nhiều”.

Ông Trần Dũng- Giám đốc Công ty Long Hải- cho biết: "6.000 tấn phân bón của công ty nhập từ Thụy Sĩ bị nằm “chết” trên tàu phơi nắng, phơi sương. Để có được giấy kiểm tra chuyên ngành mất gần 10 ngày, chưa kể chi phí lưu tàu tại cảng”...

Đó mới là thiệt hại đo đếm được tại cửa khẩu. Các DN còn phải gồng mình “chịu trận” với “phí bôi trơn”

cao hơn để nhanh chóng có được giấy kiểm tra chuyên ngành và tiền phạt của khách hàng do không giao hàng đúng thời hạn.

Cơ quan quản lý không xử lý được những khó khăn phát sinh ngay lập tức. Chẳng hạn như không có một cơ quan kiểm tra chuyên ngành nào có đủ hệ thống kho bãi để chứa hàng hóa. Cơ quan kiểm tra chuyên ngành cũng bất lực vì không có đủ lực lượng để cùng một lúc kiểm tra chất lượng đối với nhiều lô hàng nhập khẩu. Do đó tiêu cực đã phát sinh.

Ngày 7/11/2013, Bộ Tài chính gửi Công văn hỏa tốc số 15269/BTC-TCHQ tới cục hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo: Một số nhóm hàng cụ thể cho phép tiếp tục đưa về kho của DN để chờ kiểm tra. Với những nhóm hàng khác thì hải quan địa phương căn cứ thực tế để cân nhắc có cho phép đưa hàng hóa về kho của DN hay không. Dù để “chữa cháy” song cũng rất hoan nghênh sự “phản ứng nhanh” của Bộ Tài chính, nếu không sẽ có hàng loạt DN “chết” vì Thông tư 128! Song, các DN vẫn có quyền đặt ra những câu hỏi và cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm giải đáp.

Trước hết, những thiệt hại vô lý của rất nhiều DN phát sinh do sự “đảo chiều” của Thông tư 128, ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Nhiều ý kiến cho rằng, sẽ không có ai chịu trách nhiệm ngoài... DN. Nếu đúng như thế thì còn đâu môi trường kinh doanh lành mạnh, thông thoáng?

DN có thể khiếu kiện đòi bồi thường được không? Thực tế đã xảy ra trường hợp một DN khởi kiện một Bộ trưởng về một thông tư gây thiệt hại cho DN, song tòa án đã trả lại hồ sơ, không thụ lý vì các thông tư là văn bản quy phạm pháp luật, DN và công dân không được khởi kiện văn bản quy phạm pháp luật. Quy định của pháp luật phải đành chấp nhận. Song, một thông tư chỉ trở thành “văn bản quy phạm pháp luật” khi có một người có đủ thẩm quyền ký và đóng dấu cơ quan ban hành. Vậy, trách nhiệm của người ký những “văn bản... hành DN” tương tự như Thông tư 128 như thế nào? Không thể cứ vô tư ký ban hành văn bản, còn thiệt hại do văn bản đó gây ra thì đã có... DN chịu!

Ý kiến bạn đọc