Trước năm 2000, thương mại điện tử còn là thuật ngữ pháp lý mới. Hệ thống pháp luật Việt Nam có quy định nhưng chưa thể hiện được bản chất và tầm quan trọng của thương mại điện tử. Luật Thương mại năm 1997 nhắc tới hình thức hợp đồng bằng phương tiện điện tử như fax, telex, thư điện tử và coi chúng làvăn bản (Điều 49). Quy định này chỉ mang tính hình thức và chưa cụ thể hoá các khía cạnh kỹ thuật đủ cho việc áp dụng một cách có hiệu quả. Một số vụ án kinh tế liên quan tới giá trị chứng cứ của thư điện tử, bản fax trong giao dịch hợp đồng, nhưng các quy định pháp lý chưa đủ để giải quyết.
Trong giai đoạn 2000-2003, một số văn bản pháp lý chuyên ngành đã có những quy định khá cụ thể về giao dịch điện tử, như Bộ luật Hình sự năm 2000, Luật Hải quan năm 2001, Pháp lệnh Quảng cáo năm 2001, những văn bản dưới luật trong lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên, do nhận thức chưa toàn diện về thương mại điện tử, các chế định pháp lý trên còn thiếu cơ sở cụ thể, vì vậy dẫn tới việc khó áp dụng trên thực tế.
Tháng 1-2002, Chính phủ đã giao Bộ Thương mại chủ trì xây dựng Pháp lệnh Thương mại điện tử nhằm hình thành cơ sở pháp lý toàn diện cho thương mại điện tử. Sau gần hai năm xây dựng, tới cuối năm 2003, Bộ Thương mại đã hoàn thành Dự thảo 6 của Pháp lệnh và chuẩn bị trình Chính phủ. Tuy nhiên, do tầm quan trọng của giao dịch điện tử đối với mọi mặt của kinh tế xã hội nên Quốc hội đã quyết định xây dựng Luật Giao dịch điện tử bao trùm nội dung của Pháp lệnh Thương mại điện tử nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các giao dịch điện tử trong lĩnh vực dân sự, thương mại và hành chính. Dự luật này đề cập một khía cạnh quan trọng trong pháp luật về thương mại điện tử, đó là thừa nhận giá trị pháp lý của hình thức giao dịch bằng thông điệp dữ liệu. Đồng thời, một số văn bản pháp lý chuyên ngành cũng lồng những quy định thừa nhận các giao dịch điện tử như Luật Kế toán với nội dung thừa nhận giá trị pháp lý của chứng từ điện tử, Luật Thương mại (sửa đổi) thừa nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu trong các hoạt động thương mại, Luật Dân sự (sửa đổi) có những quy định về hình thức hợp đồng điện tử trong các giao dịch dân sự. Hai văn bản quan trọng khác quy định cơ sở kỹ thuật giúp thừa nhận giá trị pháp lý của các giao dịch điện tử cũng đang được xây dựng là Nghị định về chữ ký số và dịch vụ chứng thực điện tử, và Nghị định về mật mã trong lĩnh vực dân sự, kinh tế.
Nhìn chung, những văn bản được coi là quan trọng nhất nhằm hình thành khung khổ pháp lý đầy đủ cho ứng dụng và phát triển thương mại điện tử đều được khởi động xây dựng trong năm 2004, dự kiến các văn bản này sẽ được ban hành trong năm 2005, tạo cơ sở hình thành các văn bản pháp lý chi tiết hơn về những vấn đề như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quyền sở hữu trí tuệ, thông tin cá nhân trong thương mại điện tử, cơ chế điều chỉnh các hình thức ứng dụng thương mại điện tử cụ thể, cơ chế xác định chứng cứ và giải quyết tranh chấp.