Chính sách
Việt Nam đánh thuế chống bán phá giá thép không gỉ
06/10/2014
 Một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước, vùng lãnh thổ sẽ bị đánh thuế, với mức cao nhất trên 37%.

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước, vùng lãnh thổ Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và Indonesia. Các sản phẩm này có mã: 7219.32.00; 7219.33.00; 7219.34.00; 7219.35.00; 7219.90.00; 7220.20.10; 7220.20.90; 7220.90.10; 7220.90.90

Theo Quyết định này, doanh nghiệp của Đài Loan bị đánh thuế cao nhất, mức thuế áp cho Yuan Long Stainless Steel Corp lên tới 37,29%. Đối với Trung Quốc, mức thuế chống bán phá giá dao động từ 4,64 đến 6,87%, Indonesia là 3,07% và Malaysia 10,71%. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 30 ngày kể từ 5/9.

Trước đó, Việt Nam lần đầu tiên tiến hành điều tra chống bán phá giá thép ngoại vào tháng 7/2013 sau khi Công ty TNHH Posco VST và Công ty Cổ phần Inox Hòa Bình gửi văn bản tới Bộ Công Thương yêu cầu áp thuế chống bán phá giá bình quân 20% đối với sản phẩm thép không gỉ nhập từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Đài Loan (Trung Quốc). Posco VST và Hòa Bình đang chiếm 80% thị phần inox trong nước.

Thép không gỉ là nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất đồ gia dụng như bồn rửa bát, xoong, nồi đồ nội thất dạng ống, hệ thống nước nóng, bồn tắm hoặc các bộ phận của xe hơi, vật liệu xây dựng... Hàng nhập từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Đài Loan hiện hưởng thuế suất 0% do có quan hệ AFTA nên mức thuế hiện là 0%.

Theo Posco VST và Inox Hòa Bình, giá thép không gỉ nhập khẩu từ 4 nước trên thấp hơn 25% sản phẩm trong nước, thậm chí thấp hơn giá thành tại chính thị trường của họ. Điều này đã tác động tiêu cực tới sản xuất trong nước như công suất giảm, tỷ lệ thua lỗ tăng cao, doanh thu giảm, giảm giá bán, lượng hàng tồn kho tăng...
Đến tháng 12/2013, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã công bố kết luận điều tra của mình trong giai đoạn điều tra theo đề nghị của 2 doanh nghiệp trên. Kết luận của cơ quan này là có hiện tượng chống bán phá giá, và đề nghị áp dụng mức thuế tạm trong thời gian 120 ngày, với mức thuế dao động từ 6,45% đến 30,73%.
Tiếp đến, ngày 13/8 vừa qua, Hội đồng xử lý vụ việc chống bán phá giá đã họp biểu quyết và nhất trí về các nội dung đã kết luận nên đồng tình với biện pháp áp thuế. Tuy nhiên, có thể thấy mức thuế áp dụng với mặt hàng này đã được điều chỉnh còn cao hơn so với mức thuế đề xuất tạm thời vào cuối năm ngoái.

Ý kiến bạn đọc