Năng lượng, khoáng sản
Nhập khẩu than tăng mạnh do chênh lệch giá
27/10/2016
Tại tọa đàm "Nhập khẩu than và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 24/10, đại diện Bộ Công Thương cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến lượng than nhập khẩu vượt gấp 3 lần kế hoạch. Tuy nhiên, dự báo nhập khẩu từ nay đến cuối năm sẽ giảm.

“Vỡ kế hoạch”

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/9, tổng lượng nhập khẩu than đạt 10,1 triệu tấn (kim ngạch 629,5 triệu USD), “vỡ kế hoạch” 7 triệu tấn so với dự báo 3,1 triệu tấn do Bộ Công Thương đưa ra hồi đầu năm. Những thị trường cung ứng than lớn cho Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay gồm: Australia (3 triệu tấn), Nga (2,8 triệu tấn), Indonesia (1,8 triệu tấn) và Trung Quốc (1,4 triệu tấn).

Ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), lý giải con số 3,1 triệu tấn mà Bộ Công Thương tính toán đầu năm là chỉ tính than nhập cho các dự án điện mà không tính đến các dự án xi măng, hóa chất, phân bón, luyện kim… Nếu tính con số tồn kho than 8 tháng đầu năm 2016 cũng xấp xỉ con số nhập khẩu. Tức là nếu không nhập khẩu than thì ta sẽ tiêu thụ hết than sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, lý do khiến nhập khẩu than tăng mạnh, theo ông Thọ, là do giá than nhập khẩu rẻ hơn giá than khai thác trong nước. “Giá than trong nước cao hơn thế giới do kỹ thuật khai thác than. Đa số mỏ khai thác ở dưới sâu, thậm chí âm 300 m so với mặt đất, chi phí khai thác mỏ lộ thiên với hệ số bóc đất đã tăng gấp 3 lần làm tăng chi phí sản xuất, tăng giá thành”, ông Thọ phân tích.
Bên cạnh đó, giá than trong nước chịu tác động từ chính sách về thuế, đó là từ 1/7/2016, thuế tài nguyên môi trường tăng lên 10%, so với mức cũ là 7%. Trong khi đó, giá than thế giới rơi xuống mức đáy, thậm chí bán thấp hơn giá thành.

Cơ hội tái cơ cấu ngành than

Đại diện Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, 9 tháng đầu năm 2016 là giai đoạn khó khăn nhất trong vòng 10 năm qua của Tập đoàn khi lượng tồn kho cao, sản lượng xuất khẩu sụt giảm. Tồn kho than trong nước khoảng 12 triệu tấn, trong đó TKV tồn kho 11 triệu tấn. Nếu trừ đi lượng tồn kho bắt buộc khoảng 3 - 4 triệu tấn thì tồn kho hiện nay khoảng 8 triệu tấn.

Bộ Công Thương đã công bố điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030. Theo quy hoạch này, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho ngành than đến năm 2030 khoảng 269.000 tỷ đồng. Quy hoạch nêu rõ ưu tiên đáp ứng nhu cầu trong nước, giảm dần xuất khẩu và chỉ xuất khẩu các chủng loại than trong nước chưa có nhu cầu sử dụng.

Theo ông Nguyễn Khắc Thọ, gần đây giá than nhập khẩu đã tăng so với 6 tháng đầu năm và đã dần tiệm cận giá than sản xuất, thời gian tới có thể ngang giá than sản xuất. Do đó, đây là điều kiện giúp nhập khẩu than giảm và đẩy mạnh tiêu thụ than tồn kho trong nước của TKV.

Theo ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng Giám đốc TKV, nhiệm vụ được TKV xác định quan trọng nhất trong lúc này là đầu tư cho kỹ thuật, công nghệ để nâng cao công suất và giảm giá thành. Sau đó là tái cơ cấu nguồn nhân lực và lao động.

Trong thời điểm khó khăn vừa qua, Tập đoàn phải điều chỉnh giảm sản lượng 3 triệu tấn. Mặc dù vậy, TKV vẫn chủ động đầu tư các dự án để đón đầu xu hướng tăng sản lượng khai thác than ngay khi thị trường phục hồi.

 “TKV đã có những thay đổi trong điều hành sản xuất, kinh doanh để vừa đảm bảo phát triển ngành than, vừa sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, đảm bảo việc làm cho cán bộ và công nhân mỏ”, ông Biên cho hay.

Mặt khác, theo Tổng cục Năng lượng, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng, cùng với việc TKV giảm chi phí để cạnh tranh trên thị trường, vẫn cần tiếp tục nhập khẩu than cho các dự án nhiệt điện. Theo Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, nước ta sẽ phải nhập khẩu than với khối lượng lớn từ sau năm 2017 và tăng mạnh từ năm 2020, chủ yếu là than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện, bao gồm cả than antraxit và than nhiệt năng.

 Nguồn: Báo Tin tức - TTXVN
Ý kiến bạn đọc