Tài chính tiền tệ
Phải sớm có ủy ban quốc gia về thuận lợi thương mại
03/06/2016

Nếu doanh nghiệp thuận lợi khi thực hiện các hoạt động xuất khẩu thì một sản phẩm không chỉ giảm được giá nhờ thuế mà còn giảm rất nhiều chi phí khác để gia tăng lợi thế cạnh tranh. Với Việt Nam, việc cần làm ngay để giúp các doanh nghiệp có thể tận dụng được các hiệp định đang và chuẩn bị vận hành là phải sớm thành lập ủy ban quốc gia về thuận lợi hóa thương mại để điều phối các bên liên quan.

Tại hội nghị bàn tròn với chủ đề phương pháp tiếp cận toàn diện đối với hoạt động tạo thuận lợi thương mại và nâng cao năng lực do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hôm nay, 31-5, ông Nestor Schebey, chuyên gia tư vấn cao cấp của Liên minh Tạo thuận lợi thương mại (VTFA) TPHCM, tính toán rằng với một sản phẩm xuất khẩu giá 10 đô la Mỹ, nếu thuận lợi khi xuất nhập khẩu thì không chỉ giảm được 1,2 đô la Mỹ nhờ giảm thuế mà có thể giảm được tới 4,38 đô la Mỹ các chi phí khác.

Các hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp hiện tại liên quan đến rất nhiều cơ quan khác nhau, không chỉ là hải quan. Do vậy, nếu thành lập và vận hành được ủy ban tạo thuận lợi thương mại quốc gia thì sẽ tiếp cận và giải quyết các vấn đề về xuất nhập khẩu một cách toàn diện. Đây là sẽ cơ quan điều phối các bên liên quan.

Ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Hiệp hội thương mại Mỹ (AmCham Vietnam) tại TPHCM, cho biết số lượng giấy tờ, thủ tục mà doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam phải thực hiện cao hơn rất nhiều nước, thời gian thông quan hàng hóa vì thế cũng kéo dài. Hiện tại, hàng từ cảng Cái Mép đến Mỹ mất 15-16 ngày. Khi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực thì thời gian thông quan chỉ còn là 2 ngày.

Thành lập được ủy ban quốc gia về tạo thuận lợi thương mại sẽ tạo được điểm liên lạc cho các bên thực hiện, để những người cung ứng dịch vụ công (là Nhà nước) và người sử dụng (doanh nghiệp) có thể hợp tác chặt chẽ, đạt được mục tiêu.

“Ở Việt Nam, chúng tôi chỉ mới biết được thông tin rằng, Ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa sẽ kiêm luôn vai trò của ủy ban thuận lợi thương mại”, ông Herb Cochran chia sẻ.

Ông Herb Cochran cho rằng, Việt Nam cần phải ưu tiên thành lập ủy ban quốc gia về tạo thuận lợi thương mại bởi không có cơ chế, không thể triển khai quyết định, ý tưởng nào thành hiện thực. Bên cạnh đó, trong rất nhiều vấn đề ngổn ngang của hoạt động xuất nhập khẩu tại Việt Nam hiện nay thì không thể giải quyết cùng lúc mà phải chọn cái gì quan trọng nhất để thực hiện trước.

Ông Đinh Ngọc Thắng, Phó cục trưởng Cục Hải quan TPHCM, nêu quan điểm, hoạt động xuất nhập khẩu như một chiếc kiềng bốn chân gồm doanh nghiệp, hải quan, các cơ quan kiểm tra chuyên ngành và đơn vị cung cấp dịch vụ cảng. Nếu không đồng thuận thay đổi khi áp lực đã ngay sau lưng thì sẽ như lên đường cao tốc mà chỉ đi được vận tốc 50km/giờ. Và muốn các cơ quan có thể chịu trách nhiệm, sòng phẳng với nhau thì phải có cơ quan cao nhất làm trọng tài, phải có cơ chế giám sát.

Theo ông Thắng, ngay như cơ chế Một cửa quốc gia mà Việt Nam đã vận hành, sự tham gia của các bộ ngành vẫn còn hạn chế, doanh nghiệp chưa chủ động dù đã có những chỉ đạo từ Chính phủ.

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch thường trực Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), nhận xét rằng ai cũng hiểu thuận lợi hóa liên quan đến nhiều ngành và sẽ giảm chi phí, tăng lợi thế cạnh tranh. Trong thời gian vừa qua, một số cơ quan, chẳng hạn như hải quan đã có nhiều nỗ lực. Tuy nhiên, tất cả lại chưa đồng bộ về nhận thức. Có người mở ra có người lại thắt vào, có người đẩy nhanh, có người lại cố tình kéo lại nên mọi thứ cứ nhùng nhằng.

Tất nhiên, không thể kỳ vọng mọi thứ sẽ thay đổi trong 1-2 ngày mà cần có quá trình. "Nhưng vấn đề là, với Việt Nam, khi các FTA thế hệ mới đã vận hành, các cơ quan như hải quan, thuế vụ không ba chân bốn cẳng để chạy thì Chính phủ sẽ nhổ chân mấy ông. Có nước trên thế giới đã mướn hải quan nước ngoài làm rồi", ông Hạnh nói. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần phải hiểu và thực hiện đúng bởi đã qua thời buổi chộp giật.

Ông Hoàng Lâm, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3), thẳng thắn: mục tiêu giảm thời gian thông quan từ vài chục ngày như hiện nay xuống 48 giờ trong TPP không hề đơn giản trong bối cảnh Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, đã tham gia cuộc chơi thì phải chấp nhận luật chơi.

Do vậy, tất cả các bên liên quan phải cùng thay đổi, cùng nhau làm. Nhà nước giúp doanh nghiệp hiểu để thực hiện tốt ngay từ đầu để giảm các rủi ro đầu ra, đầu vô.

Nguồn thesaigontimes.vn

Ý kiến bạn đọc