Tài chính tiền tệ
Chỉ số giá xuất nhập khẩu quý I/2016
28/03/2016
 Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa quý I năm 2016 giảm 1,8% so với quý trước và giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá quý I giảm 2,87% so với quý trước và giảm 8,85% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân do giá của các mặt hàng trọng yếu trên thị trường thế giới như dầu thô, sắt thép… giảm giá sâu. Cụ thể, dầu thô giảm 19,44%, xăng dầu các loại giảm 16,92%, sắt thép giảm 12,36% và các sản phẩm từ sắt thép giảm 10,46%.

Chỉ số giá xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I cũng giảm 2,26% so với quý trước và giảm 7,98% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu trong quý I đều giảm, chỉ có 3 nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng so với quý trước gồm hạt điều, gạo, nhóm bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc.

Trong đó, nhóm tôm, cá tra, cá basa, nghêu xuất khẩu giảm do hiện tượng xâm nhập mặn khiến chất lượng các sản phẩm thủy sản chủ lực bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Giá chè xuất khẩu giảm do chịu nhiều bất lợi tại các thị trường xuất khẩu chính, giá xuất khẩu chè sang Ai Cập giảm 10%, sang thị trường Anh giảm trên 8%, sang thị trường Hoa Kỳ cũng giảm gần 2% so với cùng kỳ năm trước.

Giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nhiều khi các nước xuất khẩu cà phê lớn của thế giới như Brazil, Colombia đưa ra thị trường thế giới một lượng lớn cà phê giá thấp.

Các mặt hàng nông sản của Việt Nam như gạo, hạt điều tăng trở lại nhờ các đơn hàng đã ký với các đối tác mới. Giá hạt điều xuất khẩu của Việt Nam tăng cả về giá và lượng xuất khẩu, trong quý lượng điều xuất khẩu của Việt Nam chiếm 50% lượng giao dịch toàn cầu.

Với nhóm hàng nhiên liệu, chỉ số giá xuất khẩu giảm 18,33% so với quý trước. nhóm các mặt hàng nhiên liệu tiếp tục có sự sụt giảm mạnh về giá ở hầu hết các mặt hàng, trong đó giảm mạnh nhất là các mặt hàng có nguồn gốc từ dầu mỏ.

Giá than xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục giảm do nhiên liệu than trên thị trường thế giới vẫn trong giai đoạn thừa cung trong suốt những năm qua. Thời gian qua, Nam Phi cũng bán một lượng lớn than giá rẻ cho Ấn Độ khiến giá than xuất khẩu của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.

Riêng nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo xuất khẩu lại cho thấy sự tăng giảm khác nhau, tính chung nhóm hàng hóa này thì chỉ số giá xuất khẩu giảm 2,68%. Trong đó nhóm hàng sắt thép giảm mạnh 12,36%, cao su giảm 7,74%.

Trong khi đó, nhóm hàng chất dẻo nguyên liệu lại tăng 6,64%, máy vi tính, sản phẩm điện tử, điện thoại và linh kiện tăng 4,11% so với quý trước. Giá xuất khẩu các mặt hàng máy tính,  sản phẩm điện tử, điện thoại những tháng đầu năm sang thị trường EU, các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Hoa Kỳ đã tăng đáng kể cả về giá và lượng xuất khẩu.

Chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá quý I giảm 2,87% so với quý trước và giảm 8,85% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá nhập khẩu của một số mặt hàng tăng/giảm so với các kỳ tương ứng như sau: Khí đốt hóa lỏng giảm 0,95% và giảm 23,35%; xăng dầu giảm 17,5% và giảm 40,8%; phân bón giảm 2,36% và giảm 0,21%; cao su giảm 8,66% và giảm 20,35%; sắt thép giảm 9,88% và giảm 26,76%.

Tỷ giá thương mại hàng hóa quý I năm nay tăng 1,1% so với quý trước và tăng 4,45% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tỷ giá thương mại của xăng dầu tăng 0,7% và tăng 1,54%; cao su tăng 1,01% và tăng 0,9%; máy vi tính, sản phẩm điện tử, điện thoại và linh kiện tăng 4,09% và tăng 2,35%; dây điện và dây cáp điện tăng 4,23% và tăng 2,79%.
Ý kiến bạn đọc