Tài chính tiền tệ
Tình hình xuất nhập khẩu hàng hoá tháng 1/2016
22/02/2016

 Tháng Một, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến chỉ tăng trưởng khoảng 2,8% và là mức tăng trưởng khá thấp của lĩnh vực này. Nguyên nhân là do xuất khẩu của nhóm điện thoại, linh kiện và máy tính, linh kiện điện tử có xu hướng tăng trưởng chậm lại.

Đây là thông tin do lãnh đạo Vụ Kế hoạch đưa ra tại buổi giao ban trực tuyến do Bộ Công Thương tổ chức sáng 1/2.

Làm rõ thêm, theo bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, trong tháng Một, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 13,8 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong đó, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước như gạo tăng 62,2%; thủy sản tăng 10,3%; giày dép tăng 7,5%; dệt may tăng 5,8%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 3,4%; điện thoại và linh kiện tăng 2,4%.

Xét về thị trường, trong tháng Một, Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ ước đạt 3,1 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2015. Tiếp đến là Liên minh châu Âu (EU) đạt 2,7 tỷ USD, tăng 1,8%; Trung Quốc đạt 1,7 tỷ USD, tăng 24,3%; ASEAN đạt 1,5 tỷ USD, giảm 12,4%... so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, theo báo cáo của Vụ Kế hoạch, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Một ước đạt 14 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước.

Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh bao gồm: Phương tiện vận tải khác và phụ tùng giảm 80,8%; xăng dầu giảm 17,6%; sắt thép giảm 16,3%; sợi dệt giảm 13,3%; xe máy và linh kiện, phụ tùng giảm 8,6%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 4,1%.

Nhóm hàng cần nhập khẩu tháng Một ước đạt 12,16 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu ước đạt 0,57 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng năm trước và nhóm hàng hạn chế nhập khẩu ước đạt 0,75 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, tháng Một, ước mức nhập siêu của cả nước đạt 200 triệu USD, tương đương 1,4% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Trong khi khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,8 tỷ USD thì ngược lại khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 1,6 tỷ USD.

Năm 2015, cả nước nhập siêu 3,5 tỷ USD, tương đương 2,2% kim ngạch xuất khẩu (thấp hơn rất nhiều so với kế hoạch mà Quốc hội giao là nhập siêu dưới 5% kim ngạch xuất khẩu). Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 8,1%, thấp hơn mục tiêu đề ra từ đầu năm là 10%.

Đánh giá về bức tranh chung của toàn ngành công thương, theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, việc sụt giảm xuất khẩu một phần là do giá của nhóm mặt hàng quặng và khoáng sản giảm mạnh, với mức giảm lên tới 69,8%.

Bên cạnh đó, xuất khẩu điện thoại và linh kiện năm nay chỉ tăng khoảng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái đã tác động đến bức tranh xuất khẩu chung của ngành.

Trước thực tế trên, để hoàn thành kế hoạch năm 2016 với mức tăng trưởng xuất khẩu 10% so với năm 2015 và nhập siêu dưới 5% kim ngạch xuất khẩu, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đã yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương phải xây dựng các giải pháp, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo đó, mục tiêu đầu tiên là hoàn thiện hơn nữa môi trường pháp lý theo hướng thực hiện tốt các cam kết quốc tế về hội nhập cũng như đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp có thể tiết giảm chi phí phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư mở rộng xuất khẩu.

“Điều đáng ngại là mức tăng trưởng thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo, do vậy cần có phương hướng điều hành chung nhằm hoàn thành kế hoạch năm," thứ trưởng lưu ý.

Ý kiến bạn đọc