Giá đường thế giới bắt đầu giảm ngay từ những tháng đầu năm 2013, tiếp tục xu hướng giảm kể từ năm 2011. Nguyên nhân giá đường giảm một phần là do việc mở rộng hoạt động sản xuất để bù đắp lượng dự trữ toàn cầu đang thiếu hụt, nhằm củng cố lại thị trường trong giai đoạn niên vụ 2008/09 và 2010/11.
Từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2013, giá đường trung bình ở mức 19,31 cent/pound, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên, kể từ tháng 7, điều kiện thời tiết không thuận lợi gây ảnh hưởng xấu tới thu hoạch mía tại khu vực Trung Nam của Brazil, nước sản xuất đường lớn nhất thế giới, đã khiến giá đường bắt đầu xu hướng tăng dần. Nhìn chung, từ tháng 7 đến tháng 10 năm nay, giá đường tăng khoảng 9%. Mặc dù ngay từ đầu vụ, vẫn có những lo ngại cho rằng sản lượng đường dư thừa là không thể xảy ra được, thậm chí theo một số dự báo, sản lượng đường năm 2013 còn thấp hơn so với dự báo hồi đầu năm và ít hơn so với hai năm trước. Nếu những đánh giá trên là đúng thì giá đường tiếp tục tăng là điều không thể tránh khỏi.
SẢN LƯỢNG
Theo số liệu ước tính mới nhất của tổ chức FAO, sản lượng đường thế giới niên vụ 2013/14 có thể đạt tới mức kỷ lục mới 180,2 triệu tấn, chỉ tăng nhẹ so với niên vụ 2012/13. Điều kiện thời tiết bất lợi tại một số quốc gia sản xuất đường chính đã hạn chế tiềm năng về thặng dư sản lượng, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới giá đường thế giới vào cuối niên vụ. Tuy nhiên, sản lượng giảm cũng có nghĩa sản lượng và tiêu dùng trong niên vụ này đã gần về mức cân bằng khi so sánh với hai năm trước, thời điểm mà sản lượng vượt xa rất nhiều so với tiêu thụ. Niên vụ 2013/14, phần lớn việc mở rộng sản xuất chủ yếu tập trung tại các nước đang phát triển, với mức dự báo về sản lượng tăng 1,4%, trong khi tại các nước phát triển thì sản lượng lại được dự báo giảm 3,4% so với niên vụ trước. Theo số liệu dự báo mới nhất, sản lượng đường thế giới niên vụ 2013/14 cao hơn so với sức tiêu thụ là 4,7 triệu tấn. Sự chênh lệch này thấp hơn nhiều so với thời gian trước, cụ thể là trong hai niên vụ 2012/13 và 2011/13 lần lượt là 7,5 triệu tấn và 6 triệu tấn.
Tại Nam Mỹ, sản lượng đường ước tính tăng không nhiều so với niên vụ trước, chỉ gần 1% do điều kiện thời tiết không thuận lợi, đặc biệt là tại Brazil. Thực tế, sản lượng đường Brazil niên vụ 2013/14 chỉ tương đương với niên vụ trước do lượng mưa quá nhiều đã ảnh hưởng đến hoạt động thu hoạch của người nông dân. Ngoài ra, năng suất đường trên mỗi tấn mía cũng thấp hơn nhiều so với năm ngoái. Vì thế, tổ chức FAO dự báo sản lượng đường của Brazil niên vụ năm nay chỉ đạt 39,7 triệu tấn, tăng 0,3% so với niên vụ 2012/13. Một yếu tố bất ổn nữa liên quan đến sản lượng đường là phần lớn mía thu hoạch được đều được dùng để sản xuất ethanol.
Sản lượng đường của Brazil phụ thuộc vào sự thay đổi về tỷ lệ giá ethanol/đường, yếu tố quyết định sản lượng đường và ethanol được sản xuất trong niên vụ đó. Tỷ lệ này càng cao, thì lượng cây mía được dùng để sản xuất ethanol càng lớn và dùng để sản xuất đường càng nhỏ. Chính phủ Brazil chính thức thông báo kể từ tháng 5 năm 2013, tỷ lệ ethanol pha vào xăng tăng từ 20% lên 25%, mức cao nhất theo quy định của một đạo luật bắt buộc pha nhiên liệu sinh học vào nhiên liệu hóa thạch hiện hành tại quốc gia Nam Mỹ này. Thông tin trên được các nhà sản xuất mía đường và ethanol vui mừng đón nhận vì trong bối cảnh giá đường giảm, các nhà sản xuất sẽ tăng sử dụng mía để điều chế ethanol nên sẽ thu lợi cao hơn.
Sản lượng đường dự kiến tiếp tục tăng tại Colombia, quốc gia sản xuất đường lớn thứ hai tại khu vực Nam Mỹ, và Argentia mặc dù điều kiện nuôi trồng không thuận lợi tại một số khu vực, đặc biệt là tại Tucuman.
Tại Trung Mỹ, ban đầu sản lượng đường niên vụ 2013/14 của Mexico được dự báo giảm do nguồn cung dư thừa từ niên vụ 2012/13, nên nhiều trang trại không còn hứng khởi với việc mở rộng sản xuất nữa. Tại Cuba, sản lượng đường được dự báo sẽ hồi phục do nhiều nguồn vốn được đầu tư vào việc nâng cao năng suất tại các trang trại và nhà máy, với mức dự báo tăng 16% so với sản lượng niên vụ 2012/13.
Tại châu Phi, sản lượng đường niên vụ 2013/14 được dự báo tăng bất chấp những bất ổn về điều kiện thời tiết.Nam Phi, Ai Cập, Swaziland và Sudan được dự báo là có vụ thu mùa bội thu, còn sản lượng mía đường củaKenya vẫn tiếp tục duy trì mức sản lượng niên vụ trước. Tại Zămbia, sản lượng mía đường đã tăng khoảng 90% kể từ năm 2006 nhờ việc đầu tư vào hoạt động thủy lợi và những biện pháp hỗ trợ giá theo Hiệp định đối tác kinh tế EU năm 2009. Sản lượng mía đường tại Nam Phi dự báo sẽ cải thiện nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi, diện tích thu hoạch và năng suất cây cao.
Tại châu Á, sản lượng mía đường dự báo tăng 1,3% so với niên vụ 2012/13, đặc biệt là tại Ấn Độ, Thái Lan và Pakistan. Tại Ấn Độ, lượng mưa nhiều đã khiến năng suất cây mía cao, nâng tổng mức sản lượng mía đường dự báo lên 25 triệu tấn, nhiều hơn 500.000 so với niên vụ trước. Số liệu mới nhất cho thấy sản lượng mía đường niên vụ 2013/14 của Thái Lan, nước xuất khẩu mía đường lớn thứ hai thế giới, tăng 11% nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi và diện tích trồng mía được mở rộng.
Tại châu Âu, số liệu mới nhất cho thấy sản lượng mía đường của khu vực EU giảm so với niên vụ trước do điều kiện thời tiết bất ổn, nhiều nhất tại Pháp và Đức. Dự kiến sản lượng đường của EU sẽ đạt 16 triệu tấn, giảm gần 600.000 tấn do diện tích trồng củ cải đường thu hẹp lại và năng suất cây trồng giảm. Sản lượng đường của Ngadự kiến sẽ đạt 4,4 triệu tấn, giảm 600.000 tấn do diện tích gieo trồng giảm mạnh khi giá đường trên thế giới giảm thấp. USDA dự báo, lượng đường nhập khẩu của Nga sẽ tăng gần gấp đôi lên mức 1,1 triệu tấn nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.