Chính sách
Chiến lược phát triển Công nghệ thông tin và truyền thông
08/08/2013


Mặc dù đường lối cơ bản về công nghệ thông tin đã hình thành trong giai đoạn 2000 - 2002, nhưng Việt Nam vẫn cần một chiến lược phát triển dài hạn cụ thể hoá đường lối đã vạch ra. Ngay sau khi được thành lập và được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về công nghệ thông tin, từ năm 2003 Bộ Bưu chính Viễn thông đã tập trung xây dựng Chiến lược phát triển Công nghệ thông tin và truyền thông tới năm 2010. Theo Chiến lược này, công nghệ thông tin và truyền thông được xác định là nòng cốt để Việt Nam chuyển đổi nhanh cơ cấu kinh tế - xã hội, trở thành nước có trình độ tiên tiến về phát triển xã hội thông tin trong khu vực ASEAN.

Với tầm nhìn trên, Chiến lược đề ra quan điểm phát triển, thể hiện trên bốn khía cạnh gồm:

- Coi công nghệ thông tin và truyền thông là công cụ quan trọng hàng đầu để thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ, từng bước hình thành xã hội thông tin - cơ sở để rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước;

- Coi công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông là ngành kinh tế mũi nhọn, được nhà nước ưu tiên hỗ trợ và khuyến khích phát triển;

- Ưu tiên phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông, tạo cơ sở cho các ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong mọi lĩnh vực của toàn xã hội;

- Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, đồng bộ, chuyển dịch nhanh về cơ cấu theo hướng tăng nhanh tỷ lệ nguồn nhân lực có tri thức, phát triển mạnh mẽ năng lực công nghệ quốc gia.

Chiến lược xác định bốn trụ cột phát triển là xã hội điện tử, chính phủ điện tử, kinh doanh điện tử và thương mại điện tử. Các tiêu chí phát triển khá cụ thể, bao gồm:

- 1 triệu máy tính cá nhân giá rẻ cho cộng đồng;

- Xóa mù tin học cho 20 triệu người dân;

- Đào tạo, bồi dưỡng 1.000 cán bộ lãnh đạo phụ trách công nghệ thông tin và truyền thông;

- Chứng minh thư điện tử cho toàn dân;

- Thúc đẩy 50% doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông để nâng cao năng lực cạnh tranh;

- 100% trường trung học sử dụng Internet;

- Điện tử hóa 50% văn bản nhà nước;

- 1 triệu trang thông tin điện tử phục vụ công ích;

- 50% dịch vụ hành chính công cơ bản trực tuyến;

- 30.000 chuyên gia công nghệ thông tin và truyền thông
Ý kiến bạn đọc