Chính sách
Đề xuất tăng thuế nhập khẩu phân bón
12/10/2014
 TT - Bộ Tài chính đang xem xét đề xuất tăng thuế nhập khẩu một số loại phân bón của Tập đoàn Hóa chất VN (Vinachem) và nếu được chấp thuận, hàng triệu nông dân sẽ bị ảnh hưởng do phải mua giá cao.

Điều đáng nói là đề xuất của Vinachem chỉ nhằm tháo gỡ khó khăn cho một số đơn vị sản xuất thành viên của chính tập đoàn này.

Tăng thuế để cứu Đạm Ninh Bình?

Giải thích việc đề xuất tăng thuế, Vinachem cho rằng lượng phân bón nhập khẩu suốt cuối năm 2013 đến nay tăng mạnh, trong khi sản lượng urê của bốn nhà máy trong nước đã dư khoảng 300.000 tấn/năm so với nhu cầu tiêu thụ khiến sản phẩm của các nhà sản xuất trong nước bị tồn đọng. Cụ thể, lượng tồn kho lên đến 685.000 tấn, trong đó urê tồn 138.000 tấn, tăng gần 900%, NPK tồn 274.000 tấn, tăng 19%. Trong bốn tháng đầu năm nay, giá trị sản xuất kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật của Vinachem giảm 5,8%, doanh thu giảm 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đặc biệt, nhà máy sản xuất phân đạm urê của Vinachem tại Ninh Bình (Đạm Ninh Bình) có công suất 560.000 tấn/năm mới đi vào hoạt động từ cuối năm 2012 nên các chi phí khấu hao, lãi vay chiếm tỉ trọng rất lớn trong giá thành sản phẩm. Chính vì vậy, Vinachem kiến nghị tăng thuế nhập khẩu phân bón đối với urê từ mức 0-5% (tùy loại) lên mức chung là 7%, NPK từ mức 0-6% lên mức chung 8%, DAP từ mức 0-5% lên mức chung 8%.

Trước đề xuất của Vinachem, Bộ Tài chính cho biết đang lấy ý kiến của các bộ ngành liên quan trước khi điều chỉnh thuế. Đối với mặt hàng phân urê, thuế nhập khẩu urê đã tăng từ 0% lên 3%, áp dụng từ đầu năm nay để khuyến khích sản xuất trong nước. Mặt hàng phân urê trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu nên Bộ Tài chính dự kiến tăng thuế nhập khẩu từ 3% lên 6%, bằng với mức trần cam kết khi đàm phán tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đối với mặt hàng phân NPK, mức kiến nghị điều chỉnh tăng thuế suất lên 8% là không phù hợp với cam kết WTO. Riêng mặt hàng phân DAP, thuế suất cũng vừa tăng từ 0% lên 3% từ đầu tháng 1 năm nay nhằm khuyến khích sản xuất.

Không đồng tình với đề xuất tăng thuế như nêu trên, đại diện một nhà sản xuất phân bón lớn ở miền Bắc cho biết hầu hết lượng phân urê, NPK và DAP được nhập khẩu về để sản xuất phân NPK hàm lượng cao trong nước. Chính việc tăng thuế nhập khẩu như đề xuất của Vinachem chỉ nhằm giải cứu Công ty TNHH Đạm Ninh Bình mà tập đoàn này là chủ đầu tư. “Giá urê của Đạm Ninh Bình không thể cạnh tranh nổi với hàng nhập từ Trung Quốc. Dự báo giá urê Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới nên dù Bộ Tài chính có tăng thuế nhập khẩu thêm 3% thì chưa chắc các công ty sản xuất trong nước đã nhập hàng của Đạm Ninh Bình” - giám đốc một công ty kinh doanh phân bón khuyến cáo.

Ông Trần Ngọc Thiềm, chủ một doanh nghiệp kinh doanh phân bón tại Hà Nội, cho biết đề nghị tăng thuế nhập khẩu phân bón của Vinachem với lý do sản xuất phân bón trong nước lỗ, tồn kho nhiều là không chính xác vì hiện nay phân đạm Phú Mỹ bán ở miền Bắc đang không đủ đáp ứng thị trường. Chỉ có Đạm Ninh Bình và Đạm Đình Vũ là hai doanh nghiệp thuộc Vinachem khó khăn, còn các nhà máy khác như Lân Lâm Thao, Đạm Hà Bắc, Đạm Phú Mỹ đều lãi.

Nông dân là người chịu thiệt

Theo ông Vũ Duy Hải - tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinacam (TP.HCM), giá phân bón nhập khẩu về VN hiện ở mức 6.700 đồng/kg đã bao gồm thuế, phí. Nếu tăng thuế lên nữa, giá về VN ở mức khoảng 7.000 đồng/kg, trong khi giá bán lẻ trong nước hiện ở mức trên 7.000 đồng/kg. Do đó, nếu Bộ Tài chính tăng thuế thì chưa chắc đã hạn chế được phân bón nhập khẩu, mà chỉ làm hàng chục triệu nông dân phải trả thêm một khoản tiền rất lớn để mua phân bón. “Trong bối cảnh giá nông sản giảm sút, thu nhập của nông dân khó khăn mà giá phân bón chiếm đến 40-50% giá thành sản xuất nông nghiệp thì cần hết sức cân nhắc đừng đánh thuế ngay thời điểm này” - ông Hải đề nghị.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón tại VN, các chủ doanh nghiệp đều cho hay đây là một đề xuất vô lý và mang nặng tính chất lợi ích nhóm. Ông Nguyễn Duy Lượng, phó chủ tịch Hội Nông dân VN, cho biết Hội Nông dân VN phản đối đề xuất này của Vinachem, vì tăng thuế thực chất là hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất phân bón mà quay lưng lại với nông dân. “Chắc chắn tăng thuế nhập khẩu phân bón thì giá mặt hàng này bán đến tay nông dân sẽ tăng lên. Người nông dân luôn bị thiệt thòi, bị tổn thương nhất khi chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp luôn tăng, còn giá bán ra bấp bênh, không có lợi nhuận. Do vậy, Bộ Tài chính nên thận trọng cân nhắc với đề xuất này” - ông Lượng nhấn mạnh.

Ý kiến bạn đọc