Bộ Tài chính vừa ban hành thông tư số 43/2013/TT-BTC sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng thuộc nhóm 2710 tại Biểu thuế Nhập khẩu ưu đãi ban hành tại Thông tư số 193/2012/TT-BTC hướng dẫn thực hiện mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi. Theo đó, điều chỉnh mức thuế một số mặt hàng xăng, dầu đang áp dụng 12% lên thành 14%.
Cụ thể các mặt hàng đó là: Xăng động cơ (bao gồm cả xăng RON 97, RON 90, pha chì và không pha chì...); Tetrapropylen; Dung môi trắng (white spirit); Dung môi có hàm lượng cấu tử thơm thấp dưới 1% tính theo trọng lượng; Dung môi nhẹ khác; Naphtha, reformate và các chế phẩm khác để pha chế xăng động cơ; Alpha olefin khác.
Mức thuế mới này được áp dụng từ 18-4-2013.
Ngày 18-4, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản yêu cầu các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối giảm giá bán lẻ tối thiểu từ 87 đến 408 đồng/lít đối với từng chủng loại xăng dầu, đồng thời Nhà nước nước khôi phục một bước thuế suất thuế nhập khẩu xăng, dầu thêm 2%.
Bộ Tài chính cho biết, thời gian trước đây, mặc dù thuế suất thuế nhập khẩu của các mặt hàng xăng, dầu đều thấp hơn barem thuế quy định, cụ thể: xăng (12%) thấp hơn barem (20%) là 8%; dầu điêzen (8%) thấp hơn barem (15%) là 7%; dầu hỏa (10%) thấp hơn barem (20%) là 10%; dầu madut (10%) thấp hơn barem (15%) là 5%, song để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, bình ổn giá xăng dầu khi giá xăng dầu thế giới lên cao, có thời gian Nhà nước giữ mức thuế suất 0% đối với tất cả các chủng loại xăng, dầu (từ 7-3-2012 đến 9-5-2012). Mức thuế suất hiện hành được khôi phục dần và giữ ổn định suốt từ ngày 11-9-2012 đến nay.
Trong bối cảnh đó, việc yêu cầu các doanh nghiệp giảm giá đồng thời Nhà nước khôi phục một bước thuế suất thuế nhập khẩu xăng, dầu thêm 2% nhằm tiếp tục thực hiện điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo quy định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP, đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, trên cơ sở giá xăng dầu thành phẩm thế giới tiếp tục có xu hướng giảm.