Theo lộ trình ra nhập AFTA, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực Asean về Việt Nam năm 2014 sẽ giảm xuống còn 50%, năm 2015 còn 35%, năm 2016 còn 20%, năm 2017 còn 10% và năm 2018 còn 0%.
Để phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam từ nay đến 2020, Bộ Công thương cùng các DN sản xuất ô tô đã xây dựng một lộ trình giảm thuế khác. Theo đó, đề nghị Bộ Tài chính giữ nhịp cao đến năm 2017. Cụ thể năm 2014 giảm còn 50%, năm 2015 giữ 50%, năm 2016 giảm còn 40%, năm 2017 giảm còn 30% và năm 2018 giảm về 0%.
Theo tin tức từ các DN ô tô Việt Nam, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giảm về mức 50% sẽ khiến cho giá một sô mẫu xe nhập khẩu bằng giá của xe lắp ráp trong nước.
Những mẫu xe có sản lượng thấp, chỉ bán dưới 1.000 xe/năm có chi phí cao sẽ không có lợi thế cạnh tranh với xe cùng loại nhập khẩu nguyên chiếc. Bên cạnh đó, ngay cả với những mẫu xe có sản lượng lớn, vẫn có lợi thếcạnh tranh cũng bị gây sức ép.
Điều này sẽ tạo ra áp lực khiến cho xe lắp ráp sản xuất trong nước phải tìm cách giảm giá thấp hơn để cạnh tranh hoặc nhận thấy sản xuất không có hiệu quả sẽ phải ngừng và chuyển sang nhập khẩu.
Dự báo các mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc có dung tích xi lanh dưới 2.0L sẽ còn tiếp tục giảm giá mạnh trong những năm sau.
Kể cả sang năm 2015 mặc cho thuế suất thuế nhập khẩu vẫn giữ nguyên mức 50% thì với các phương án ưu đãi cho sản xuất ô tô trong nước do Bộ Công thương đề xuất thành hiện thực, được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt từ 30-50%, giảm lệ phí trước bạ 50% thì các mẫu xe nhập khẩu có dung tích xi lanh dưới 2.0L cũng được hưởng các ưu đãi này.
Giá có giảm?
Những điều chỉnh về thuế đã góp phần giảm giá bán ô tô, kích cầu mua sắm của người dân, giúp thị trường ô tô ngay từ những ngày đầu năm 2014 đã khá sôi động. Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính cho biết, lượng xe ô tô nguyên chiếc NK tháng 1-2014 tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, đối với xe dưới 10 chỗ thì lượng lại giảm so với cùng kỳ nhưng trị giá lại tăng, điều này cho thấy người tiêu dùng chuyển hướng sang những loại xe có giá trị cao hơn.
Có thể nói, việc nghiên cứu và đưa ra lộ trình, thuế suất thuế NK ô tô từ thị trường ASEAN về Việt Nam là hợp lý cho cả thị trường, DN, cơ quan quản lý và người tiêu dùng. Những tín hiệu vui của thị trường và người tiêu dùng khi đón nhận các chính sách thuế, phí đã cho thấy tiềm năng, cơ hội; đồng thời khẳng định, sự thay đổi chính sách thuế, phí là điều kiện cần và rất quan trọng trong chính sách, chiến lược phát triển công nghiệp ô tô.
Khởi sắc là thế, song, ở một phương diện khác, các chính sách thuế, nhất là giảm thuế NK, không hẳn là tin vui đối với cả cơ quan quản lý Nhà nước, ngành Thuế và các DN sản xuất ô tô nội địa khi ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cho đến nay vẫn được cho là khá non trẻ. Khi thuế suất thuế NK ô tô nguyên chiếc đang dần tiến về mốc số 0% và thời gian để tăng tốc xây dựng và phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đủ sức cạnh tranh với sản phẩm 100% ngoại nhập chỉ còn chưa đầy 4 năm nữa, không ít các chuyên gia đã nhận định rằng, cánh cửa cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam coi như đã đóng lại.
Thuế giảm, xe nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam, lấn át thị phần của xe lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng chưa hề được hưởng lợi từ những mức thuế thấp hơn được áp dụng.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, so với cùng kỳ năm ngoái, quý I/2014, lượng bán xe trong nước chỉ đạt tỷ lệ tăng trưởng 24%, trong khi đó, lượng xe nhập khẩu tăng đến 98%.
Nhiều hãng xe đang có mặt tại thị trường Việt Nam, nhất là các hãng xe hạng sang kỳ vọng doanh số bán hàng tăng từ vài chục đến vài trăm phần trăm trong năm nay.