Chính sách
Toyota Việt Nam đòi chính phủ giảm thuế xe sang
06/10/2014
 Bán chênh chục ngàn USD vẫn kêu lỗ

Hiếm khi, hãng ô tô chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam này lại bị “thua” trước nước cờ “giá tính thuế tối thiểu” để phòng rủi ro gian lận thuế của cơ quan hải quan Việt Nam.Trong đơn khiếu nại lần thứ 7 của Công ty ô tô Toyota Việt Nam gửi Tổng Cục hải quan mới đây, hãng này cho biết, hiện nay, hai mẫu xe Lexus RX 350 và ES 350 nhập khẩu đang kinh doanh hết sức khó khăn.

Trên thị trường, giá bán lẻ của RX 350 là 138.000 USD/xe, ES 350 là 121.000 USD/xe. Ước tính, theo kế hoạch kinh doanh, tổng chi phí và lợi nhuận, bao gồm cả tiền thưởng cho đại lý, chiến dịch hỗ trợ bán hàng, chi phí PR & quảng cáo, chi phí bảo hiểm, chi phí dịch vụ bảo dưỡng miễn phí, lợi nhuận gộp của công ty đối với  hai nhãn hiệu xe này chỉ khoảng 10% của giá bán lẻ. Trong đó, đối với xe ES 350, tổng chi phí và lợi nhuận là 12.394 USD, bằng 10% giá bán lẻ. Đối với xe RX, con số trên là 11.805 USD, bằng 9% giá bán lẻ.
Toyota Việt Nam cho rằng, khoản lợi nhuận có được trong kế hoạch kinh doanh như vậy là rất khiêm tốn. Thế nhưng, suốt 4 tháng nay, các mẫu xe trên nhập về Việt Nam đã bị áp thuế rất cao.

Cụ thể, xe Lexus RX350 mới 100% xuất xứ Nhật Bản được hãng nhập về Việt Nam  chỉ có giá là 40.020,88 USD/xe nhưng hải quan TP. HCM lại áp giá tính thuế là 41.580 USD/xe, cao hơn 1.559,12 USD/xe. Hải quan TP. Hải Phòng áp mức giá tính thuế thấp hơn một chút là 41.000 USD/xe, cao hơn 979,12 USD/xe.

Xe Lexus ES350 chỉ có giá nhập là 33.050 USD/xe nhưng cơ quan hải quan đã áp mức giá tính thuế là 41.000 USD/xe. Đây là nhãn xe chịu chênh lệch giá tính thuế cao nhất, tăng tới 7.950 USD/xe.

Một mẫu xe khác cũng gặp cảnh ngộ tương tự là xe ô tô khách Toyota Hiace Commuter 16 chỗ của Nhật. Chiếc xe này bị hải quan Tp HCM ghi giá tính thuế là 27.000 USD/xe, trong khi, Toyota Việt Nam chỉ nhập giá 21.493 USD/xe. Mức phát sinh chênh lên cũng rất lớn, tới 5.507 USD/xe.
Kể từ tháng 9 đến hết năm 2013, Toyota đã nhận tới 17 quyết định ấn định thuế cho các lô xe trên.Điều này đã dẫn tới, chi phí nhập khẩu của xe Lexus ES 350 đã tăng từ mức 90.315 USD/xe lên thành 103.987 USD/xe. Trong đó, thuế tiêu thụ đặc biệt “phụ trội” lên 8.108 USD/xe, thuế nhập khẩu tăng thêm 5.564 USD/xe.
Đối với xe Lexus RX 350, toàn bộ chi phí trên cũng bị tăng từ 105,431 USD/xe lên thành mức 107,963 USD/xe. Thuế nhập khẩu cho xe này phát sinh thêm 998 USD/xe và thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp thêm là 1.534 USD/xe.Gặp “phốt’ về thuế, Toyota Việt Nam than thở, đang mất đi lợi nhuận lên tới 13.672 USD/xe đối với xe ES 350 và  thiệt hại tới 2.532 USD/xe đối với xe RX 350 so với kế hoạch kinh doanh ban đầu.
Thậm chí đối với xe ES 350, hãng này khẳng định còn phải chịu khoản lỗ là 1.278 USD/xe do chi phí nhập khẩu cao hơn giá bán buôn nên hiện nay, hãng phải tạm ngừng việc nhập khẩu.Tuy nhiên, giữa chi phí nhập khẩu và bán lẻ có một khoảng cách rất lớn đến hơn 30 ngàn USD. Những chi phí gì khiến giá một chiếc xe bán trên thị trường đội lên hơn 600 triệu. Chí phí đó có hợp lý và người ta có quyền nghi ngờ liệu Toyota có lỗ thực như kêu ca?.

Không chấp nhận giá tính thuế Việt Nam
Sự vụ trên là vố đau cho Toyota Việt Nam khi mà nhiều năm nay, đại gia xe hơi Nhật Bản này thường xuyên là nhà tư vấn chính sách, chiến lược cho ngành ô tô Việt Nam, trong đó, có cả chính sách thuế.Thế nhưng, vì “va vấp” trên, lần đầu tiên, vị quân sư này lại lên tiếng phủ nhận tính hợp lý của biểu giá tính thuế tối thiểu của cơ quan hải quan.

Trong khi phía Cục hải quan Tp HCM và cục Hải quan Hải Phòng kết luận rằng, các lô xe của hãng không đủ điều kiện để được chấp thuận giá trị khai báo, công ty không cung cấp chứng từ, chứng minh thiếu thuyết phục thì ngược lại, công ty này ra sức khẳng định, mình đã làm đúng.
Toyota Việt Nam  phản bác hai cơ quan hải quan trên không chỉ rõ nguyên nhân và căn cứ pháp luật cụ thể khi bác bỏ trị giá khai báo của công ty cho từng mẫu xe. Việc giá giao dịch của công ty thấp hơn trị giá tính thuế tại danh mục quản lỷ rủi ro của Tổng cục hải quan được Toyota Việt Nam hiểu rằng không phải là căn cứ cho phép bác bỏ trị giá khai báo của doanh nghiệp. Thậm chí, hãng này còn cho rằng, hải quan đã tham khảo giá mặt hàng tương tự chưa chuẩn xác.
Chẳng hạn như, đối với mẫu xe khách Toyota Hiace Commuter, hồi tháng 5/2012, hãng có nhập về một chiếc với giá 26.602,44 USD/chiếc. Tuy nhiên, khi đó, chiếc xe này chỉ là xe mẫu, bán theo đơn đặt hàng của Toyota Việt Nam, sản xuất duy nhất 1 chiếc nên mới có giá cao. Các xe Hiace Commuter nhập về sau này là đã sản xuất hàng loạt nên giá thấp hơn. Vì vậy, nếu hải quan tham khảo mức giá trước kia để áp giá 27.000 USD/xe, cao hơn tới 5.507 USD/xe so với giá nhập thực thì sẽ không hợp lý.
Đối với các mẫu xe Lexus trên, Toyota Việt Nam cho hay, do công ty mua từ Công ty ô tô Toyota Châu Á Thái Bình Dương (TMAP) có trụ sở tại Singapore, đối tác này lại mua trực tiếp từ nhà sản xuất nên giá thấp hơn.
Trong khi đó, trị giá tính thuế tối thiểu của hải quan Việt Nam được xây dựng trên cơ sở tham khảo các nguồn thông tin, giá cả khác nhau, cấp độ thương mại khác nhau, yếu tố thị trường, thị hiếu khách hàng khác nhau nên có thể cao hơn. Thêm nữa, giá tính thuế của hải quan lại không theo model, code và option, thông số kỹ thuật của xe trong khi, mỗi loại xe có các thông số trên khác nhau thì trị giá xe và chi phí nhập khẩu khác nhau.
Bằng rất nhiều lý lẽ như vậy, Toyota Việt Nam đang khiếu nại tới Tổng Cục hải quan, đòi bác bỏ các quyết định của các Cục hải quan, chấp nhận giá trị khai báo của công ty.
Tuy nhiên, những thông tin có được cho biết, cơ quan hải quan rất tự 
tin vào cách áp giá tính thuế của mình và đại gia ôtô không phải là trường hợp đầu tiên kêu ca về giá tính thuế cho các mặt hàng được cho là xa xỉ và nhiều rủi ro. Nhưng đến nay, tất cả mọi khiếu nại rốt cuộc đều phải quy thuận và im tiếng.

Ý kiến bạn đọc