Logictic, phân phối
Hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt vẫn chưa được xử lý triệt để
30/10/2016

Nhiều mặt hàng của Trung Quốc chất lượng kém, không rõ nguồn gốc đội lốt sản phẩm cùng loại có uy tín của Việt Nam.

Hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt vẫn chưa được xử lý triệt để là một trong những vấn đề được phát hiện tại buổi kiểm tra việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dung hàng Việt Nam” tại TP HCM sáng nay (29/10).

Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM cho biết, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang gặp khó khăn do xuất hiện nhiều mặt hàng của Trung Quốc chất lượng kém, không rõ nguồn gốc đội lốt sản phẩm cùng loại có uy tín của Việt Nam.

Chẳng hạn như khoai tây Trung Quốc được bôi đất để làm giả khoai tây Đà Lạt khiến người trồng lao đao vì mất niềm tin của người tiêu dùng. Hàng kém chất lượng của Trung Quốc với lợi thế giá rẻ được đưa về tiêu thụ nhiều ở các vùng nông thôn mà chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.

Doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa mạnh dạn đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, thường xuyên thay đổi mẫu mã nên chưa đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của người dùng. Cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu vẫn chưa đạt yêu cầu làm cản trở hiệu quả của Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Tính đến tháng 10/2016, TP HCM đã có hệ thống phân phối hàng Việt rộng khắp với 40 trung tâm thương mại, gần 190 siêu thị, 240 chợ truyền thống, hơn 880 cửa hàng tiện lợi. Thành phố cũng triển khai được hơn 10.300 điểm bán hàng bình ổn. Công tác tuyên truyền, vận động từng bước đi vào đời sống người dân theo hướng ưu tiên lựa chọn hàng sản xuất trong nước.

Chuyên gia Phạm Chi Lan: Hoa quả Trung Quốc với thuế 0% có thể làm phức tạp thị trường Việt Nam!

Theo bà, việc mở cửa cho hàng loạt hàng Trung Quốc vào Việt Nam chắc chắn sẽ gây sức ép lớn cho ngành nông nghiệp nước nhà.

Trên thực tế, nông sản của Việt Nam từ lâu đã phải cạnh tranh gay gắt với nông sản ngoại, đặc biệt là của Thái Lan. Người Việt chuộng hàng Thái, hoa quả Thái, thậm chí ngay gạo là mặt hàng mạnh của Việt Nam cũng phải cạnh tranh với hàng Thái Lan ngay trên sân nhà. Do đó, việc nông sản Trung Quốc chuẩn bị ồ ạt vào với giá rẻ đã dấy lên lo ngại về một thị trường “phức tạp”.

“Người tiêu dùng vẫn có nhu cầu đa dạng hoá sản phẩm, chưa kể các hoa quả này có giá rẻ hơn hẳn thì có thể đẩy họ đến chỗ chọn lựa chúng!”, bà nói.

Điểm thứ hai làm cho thị trường trở nên phức tạp hơn, theo bà Chi Lan là hàng Trung Quốc giá rẻ nhưng không đi kèm với công cụ về hàng rào kỹ thuật cần thiết chứng minh được chất lượng an toàn.

“Nhiều chuyện đã xảy ra rồi, khi hàng Trung Quốc không đảm bảo vào nước ta nhưng các cơ quan kiểm định lại không phát hiện, khiến cho người tiêu dùng an tâm sử dụng. Trong khi đó, đối với những sản phẩm trong nước thì dù có một vấn đề rất nhỏ nhưng lại bị phê phán mạnh mẽ”, bà Lan bức xúc vì sự bất cập “con nuôi” hơn con đẻ.

Bà cho rằng người làm nông sản Việt Nam đang chịu nhiều tiếng oan. Bởi dù rằng có thực phẩm "bẩn" thật nhưng điều này không có nghĩa là người ta có thể đánh đồng tất cả những sản phẩm trên thị trường đều là "bẩn".

“ Vì nhà nước chưa có công cụ thông tin hợp lý để người tiêu dùng hiểu thực phẩm bẩn đấy ở đâu, do ai làm để tẩy chay mỗi chỗ đấy thôi chứ không phải là toàn bộ”, bà Chi Lan cho hay.

Và khi nghĩ về vụ việc nước mắm có arsen gần đây, bà không khỏi bức xúc khi cho rằng nếu thông tin mà vẫn như bây giờ thì hẳn nhiên sẽ có nhiều kẻ lợi dụng thao túng thị trường, bảo vệ cho những nhà cung cấp nhất định và đánh lại các nhà sản xuất trong nước.

“Doanh nghiệp nước ngoài nhiều tiền của lắm, họ có nhiều cách để đưa ra những kết luận điều tra kiểu Vinastas, tạo ưu thế cho bản thân...” bà cho biết.

Dù nhiều rủi ro nhưng vì là cam kết nên Việt Nam vẫn phải thực thi. Tuy nhiên, bà Chi Lan cho rằng “đừng thực hiện theo kiểu một chiều, đừng có mở cửa cho bên ngoài mà không có sự kiểm soát, còn đối với trong nước thì cứ ép không tạo điều kiện cho các nhà sản xuất trong nước vượt lên”.

Ngoài ra, bà Chi Lan còn mong mỏi việc cụ thể, minh bạch hơn nữa thông tin, như những thông tin hướng dẫn cho nông dân, người tiêu dùng về thị trường, kỹ thuật sản phẩm.

“Ví dụ như thực phẩm bẩn, thì thế nào là bẩn, thế nào là sạch?”, vị chuyên gia này đặt ra câu hỏi. “Mặt khác, cũng cần phải đảm bảo mỗi lô hàng được nhập khẩu và kiểm soát bởi ai, như thế nào, những cái đó là rất cần, chứ không phải chỉ có mỗi hàng rào không thô.”, bà nói.

Vì theo bà, “hàng rào” dù có dựng lên mà “người canh giữ” nhắm mắt làm ngơ thì không hiệu quả.

“Hàng rào chính ra là ở con người, trách nhiệm ở lương tâm của những người được giao giữ hàng rào đó. Nếu chỉ chống người mình không thôi thì vô hiệu. Thực tế thời gian vừa qua cho thấy là chúng ta quá chiều chuộng làm ngơ với nhà đầu tư nước ngoài, những hàng hoá ngoại nhập không có lợi hoặc họ có vi phạm vẫn bỏ qua trong khi đó lại rất dễ bắt lỗi, bắt nạt chính dân mình.”, bà Phạm Chi Lan bức xúc kết luận.

Theo Trí thức trẻ

Ý kiến bạn đọc