Logictic, phân phối
Xu hướng hàng nhập khẩu thay thế hàng trong nước chưa rõ nét nhưng cần cẩn trọng!
25/04/2016

Nhập khẩu hàng tiêu dùng hiện vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhưng xu hướng này nhiều khả năng sẽ mạnh lên trong thời gian tới khi hàng nhập khẩu tràn vào Việt Nam nhờ hàng rào thuế quan giảm và hệ thống phân phối dần rơi vào tay các ông chủ ngoại.

Tín dụng lĩnh vực thương mại tăng trưởng khá

Trong cơ cấu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố vào cuối tháng 11-2015 (số liệu cập nhật nhất trên trang web của NHNN tính đến thời điểm hiện tại), tín dụng dành cho lĩnh vực thương mại đạt 805.000 tỉ đồng (chiếm tỷ trọng 17,5% trong tổng quy mô tín dụng của nền kinh tế, giảm so với mức 18,5% vào thời điểm tháng 1-2015 và tăng 8,29% so với cuối năm 2014. Cho vay lĩnh vực thương mại ở đây chủ yếu là hoạt động cho vay bán buôn, bán lẻ (bao gồm cả vay để mua bán hàng trong nước cũng như hàng xuất nhập khẩu).

Xem xét số liệu tại một số ngân hàng lớn thuộc khối gốc quốc doanh và cổ phần thì thấy tỷ trọng cho vay lĩnh vực này so với tổng quy mô tín dụng của các ngân hàng trong năm 2015 không có nhiều thay đổi nhưng tốc độ tăng trưởng lại đạt mức khá cao. Cụ thể, đến cuối năm 2015, tại VCB, tín dụng lĩnh vực thương mại- dịch vụ chiếm 27,4%, tăng trưởng 11,6% so với cuối năm 2014. Tại CTG, cho vay bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô đạt 152.000 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 28,2% và tăng trưởng 20,6%. Tại BIDV, con số trên là 139.000 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 23,2% và tăng trưởng 35%. Tại MBB, tín dụng lĩnh vực bán buôn, bán lẻ cũng đạt tỷ trọng 27% với mức tăng trưởng 21,3% trong năm 2015.

Ở một góc nhìn khác, trong cơ cấu hàng nhập khẩu năm 2015, nhóm hàng tiêu dùng ước đạt 14,4 tỉ đô la Mỹ, tăng 10,4% và chiếm tỷ trọng 8,7%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với năm 2014. Trong khi đó, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 151,2 tỉ đô la Mỹ, tăng 12,3% và chiếm tới 91,3% tổng kim ngạch, tăng 0,2 điểm phần trăm so với năm 2014.

Mặc dù xu hướng này chưa diễn ra một cách rõ nét và mới chỉ xuất hiện tại phân khúc hàng tiêu dùng (chiếm tỷ trọng dưới 10% tổng kim ngạch nhập khẩu) nhưng không nên vì thế mà xem nhẹ rủi ro này vì nó có liên quan trực tiếp đến khả năng tồn tại của các doanh nghiệp Việt.

Từ số liệu trên có thể thấy hoạt động nhập hàng thành phẩm về tiêu thụ trong nước trong năm 2015 vẫn chưa diễn ra mạnh mẽ như lo ngại của một số người khi cho rằng hàng rào thuế quan hạ xuống sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển sang nhập khẩu hàng hóa hoàn toàn thay vì nhập tư liệu về để tự mình sản xuất. Do vậy, nhiều khả năng tăng trưởng cho vay lĩnh vực thương mại của các ngân hàng trong năm 2015 chủ yếu vẫn nhằm đáp ứng nhu cầu làm hàng xuất khẩu và mua bán hàng sản xuất trong nước (chứ không phải tăng trưởng do vay để nhập khẩu hàng thành phẩm về bán).

Nhưng vẫn cần cẩn trọng với rủi ro thua ngay trên sân nhà

Mặc dù xu thế nhập khẩu hàng tiêu dùng thay thế cho hàng sản xuất tại Việt Nam chưa diễn ra trong năm qua nhưng không có nghĩa là rủi ro này sẽ không xuất hiện trong các năm sắp tới, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập AEC, các FTA và TPP sẽ khiến chênh lệch giá cả giữa hàng nhập khẩu với hàng “made in Vietnam” không còn nhiều và các kênh phân phối hàng hóa trong nước đang dần rơi vào tay các ông chủ ngoại.

Thực tế trên thị trường đã ghi nhận sau khi một số hệ thống bán buôn, bán lẻ của các doanh nghiệp đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc thi nhau mọc lên thì hàng hóa đến từ các nước này cũng nhanh chóng đổ bộ vào Việt Nam, cạnh tranh gay gắt với hàng Việt. Hàng hóa đến từ các nước này tập trung phục vụ cho nhóm người có thu nhập từ trung bình trở lên ở các thành phố lớn.

Trong khi đó, hàng hóa của các doanh nghiệp Việt không cạnh tranh được với hàng ngoại dần mất thị phần và bị đẩy về khu vực nông thôn. Hàng hóa không bán được sẽ dẫn tới hệ quả là các doanh nghiệp Việt hoặc phải thu hẹp quy mô sản xuất hoặc làm nhà sản xuất thứ cấp cho hàng ngoại; rơi vào tình cảnh phá sản hoặc buộc phải “bán mình” cho các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn.

Nền sản xuất Việt Nam vốn đã manh mún, nhỏ lẻ, mang nặng tính gia công đang ngày càng có nguy cơ tụt hậu, thậm chí là thua ngay trên sân nhà khi để hàng nhập khẩu lấn lướt. Trong khi việc có tận dụng được cơ hội do hội nhập mang lại để mở rộng thị trường xuất khẩu hay không vẫn đang nằm trên giấy thì nguy cơ để mất thị trường trong nước đã hiển hiện ngay trước mắt. Những niềm tự hào của hàng Việt như thép Hòa Phát, nệm Kymdan, giày dép Biti’s, khóa Việt Tiệp... đang ngày một thưa thớt trước sức ép của hàng nhập khẩu.

Mặc dù xu hướng này chưa diễn ra một cách rõ nét và mới chỉ xuất hiện tại phân khúc hàng tiêu dùng (chiếm tỷ trọng dưới 10% tổng kim ngạch nhập khẩu) nhưng không nên vì thế mà xem nhẹ rủi ro này vì nó có liên quan trực tiếp đến khả năng tồn tại của các doanh nghiệp Việt - nội lực thật sự của nền kinh tế chứ không phải các doanh nghiệp FDI có thể đến đầu tư rồi chuyển lợi nhuận về nước hoặc rút đi bất cứ lúc nào.

http://www.thesaigontimes.vn

Ý kiến bạn đọc