Nông, lâm thủy sản
“Dấu ấn” trong xuất khẩu trái cây năm 2016
31/12/2016
Những nỗ lực mở cửa và giữ vững thị trường đã tạo "dấu ấn" của năm cho ngành rau quả Việt Nam. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu rau quả ước đạt trên 2,4 tỷ USD, tăng trên 30% so với cùng kỳ năm 2015 và vượt kế hoạch xuất khẩu của Bộ Công Thương đề ra (2,2 tỷ USD).

Năm 2016, ngành rau quả Việt Nam đã dỡ bỏ được hàng rào kỹ thuật cho 5 mặt hàng đi 4 thị trường gồm: xoài đi Australia, thanh long đi Đài Loan (Trung Quốc), nhãn và vải đi Thái Lan, hạt điều đi Peru. Như vậy, rau quả Việt Nam đã mở rộng thị trường xuất khẩu lên trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó riêng trái cây chiếm 40%.

Thị trường xuất khẩu hoa quả lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc (chiếm khoảng 70%). Sau Trung Quốc là những thị trường khó tính như Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản… Năm nay, mặt hàng rau quả ước xuất siêu với 1,5 tỷ USD.

Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Bùi Sỹ Doanh cho biết, năm nay, các đơn vị trực thuộc Cục đã kiểm dịch các loại hoa quả tươi xuất khẩu đi các thị trường khó tính đạt trên 10.500 tấn, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2015. Cụ thể, thanh long sang Mỹ tăng gấp đôi, nhãn tăng 5,25 lần; xoài sang Hàn Quốc tăng gấp 2 lần so với năm 2015... Đài Loan (Trung Quốc) đã chính thức mở cửa trở lại cho quả thanh long Việt Nam và đến nay đã xuất khẩu hơn 100 tấn.

Năm 2013, lần đầu tiên rau quả lọt vào doanh sách các mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch tỷ đô la Mỹ. Và rất nhanh chóng, sau 3 năm mặt hàng này đã vượt cả mặt hàng gạo (gạo đạt kim ngạch 2,2 tỷ USD).

Theo ông Nguyễn Hữu Đạt, Hiệp hội Rau quả Việt Nam, để vượt gạo hay các ngành hàng khác không phải là mục đích của ngành rau quả. Nhưng với kết quả đạt được của ngành trong năm nay đã có ý nghĩa nhắc nhở những người tham gia hoạt động trong ngành này cần phải có những nỗ lực phấn đấu thời gian tới. Đặc biệt phải xác định rõ những thử thách khó khăn trong giai đoạn tới để hoa quả Việt Nam có thể phát triển hơn và thương hiệu bền vững hơn trên thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Hữu Đạt chia sẻ, năm nay lần đầu tiên khối lượng rau quả xuất khẩu vào thị trường khó tính đạt mức trên 10.000 tấn. Con số này so với tổng lượng xuất khẩu rau quả trên toàn thế giới vẫn còn là khiêm tốn. Tuy nhiên cần phải hiểu đây là thị trường khó tính. Ở đó có các điều kiện kiểm duyệt về dịch hại ngặt nghèo, kèm theo đó hàng hóa sang thị trường này hoàn toàn có thể truy suất nguồn gốc, đáp ứng các chuẩn về an toàn thực phẩm, chất lượng khắt khe nhất của các nước nhập khẩu khó tính nhất như Mỹ, Nhật Bản, Australia, New Zealeand…

Phát triển xuất khẩu sang thị trường này năm sau cao hơn năm trước đã tạo ra sự ổn định về giá cả thu mua, tạo thương hiệu nhất định trên thị trường quốc tế, nâng tính cạnh tranh cho qua quả Việt Nam nói riêng và nông sản nói chung.

Nhờ mở cửa được thêm nhiều thị trường, năm nay Công ty xuất nhập khẩu Mộc Phát đã tăng 30% doanh thu so với năm ngoái. Ông Vương Đình Khoát, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, điều này cũng góp phần làm gia tăng niềm vui của người nông dân, bởi họ bán được nhiều hàng với giá tốt hơn.

Ông Khoát cho biết, khi đưa 1 sản phẩm trái cây vào thị trường khó tính phải đáp ứng về yêu cầu chất lượng. Trái cây Việt Nam đã vào được thị trường khó tính nhiều năm nên doanh nghiệp đã quen với yêu cầu của thị trường. Nông dân cũng ý thức được phải sản xuất theo quy trình canh tác của các thị trường nhập khẩu yêu cầu.

Năm nay, trái cây tươi đã trở thành ưu thế mạnh trong xuất khẩu các sản phẩm trái cây Việt Nam. Nhiều chuyên gia cho rằng, ngành hàng trái cây có cơ hội phát triển hơn nữa nếu các doanh nghiệp biết đầu tư công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch.

Theo ông Nguyễn Hữu Đạt, tiếp tục khai thác sản phẩm chế biến, đông lạnh sẽ là giải pháp hữu hiệu trong những trường hợp khi vào vụ thu hoạch rộ. Khi sẵn có hệ thống nhà máy chế biến, đông lạnh thì có thể tiếp tục xuất khẩu trong những giai đoạn sau với giá cả ổn định, đồng thời tạo sự ổn định về hàng hóa. Đây là sự kết hợp, khả năng tính toán của doanh nghiệp để có sự phân phối phù hợp giữa hàng tươi và hàng chế biến.

Ông Đạt nêu ví dụ, tuy mặt hàng dừa tươi có giá trị rất cao nhưng nhu cầu lại không nhiều để có thể xuất khẩu với số lượng lớn. Ngược lại, những sản phẩm như cơm dừa, nước cốt dừa thì nhu cầu ở thị trường lại rất cao. Do đó, có những sản phẩm áp dụng công nghệ chế biến sẽ thu hoạch được lợi ích tối đa. Công nghệ chế biến hay sản phẩm tươi đòi hỏi phải có sự kết hợp cả hai vào chương trình xuất khẩu trái cây Việt Nam.

Phân cấp thị trường để đưa ra những sản phẩm phù hợp, ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu VINA T&T chia sẻ, khi thu hoạch doanh nghiệp chia làm 3 mức. Mức cao nhất là sản phẩm tươi đi những thị trường khó tính, mức thứ hai đi những thị trường có những đòi hỏi thấp hơn và cuối cùng là sấy, chế biến để tiêu thụ cho thị trường có nhu cầu sản phẩm này.

Có được tín hiệu tốt nhưng ông Nguyễn Hữu đạt cho rằng, Việt Nam vẫn cần phải giải quyết tốt hơn nữa bài toàn chất lượng rau quả. Làm sao có những sản phẩm tốt hơn, chất lượng ổn định, đồng nhất và đặc biệt là an toàn thực phẩm để đáp ứng yêu cầu thị trường. Vượt qua được các thử thách này thì chúng ta sẽ gây dựng được thương hiệu cho ngành rau quả Việt Nam.

“Năm 2017, sẽ có sự liên kết chặt chẽ hơn giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp và người sản xuất để qua đó thực hiện tốt những chiến lược tiếp theo. Doanh nghiệp cũng sẽ có giải pháp kinh doanh hiệu quả hơn, chủ động liên kết hơn với nông dân để tạo ra những vùng trồng. Ở đó, doanh nghiệp sẽ đầu tư nhiều hơn nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm để tạo thương hiệu riêng của mình và hoa quả Việt Nam”, ông Đạt nhận định.

Theo ông Bùi Sỹ Doanh, Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục đẩy mạnh đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật kiểm dịch thực vật, mở cửa thị trường cho xuất khẩu quả tươi Việt Nam, trong đó tập trung vào các thị trường Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Cùng với đó là tạo điều kiện thông thoáng cho hàng xuất khẩu.

Năm 2017, dự kiến Australia sẽ mở cửa tiếp cho thanh long, Nhật Bản mở cửa cho thanh long ruột đỏ và Hoa Kỳ mở cửa cho quả vú sữa của Việt Nam.

Việc rau quả Việt Nam ngày càng được chấp nhận tại nhiều thị trường thế giới chứng tỏ chất lượng sản phẩm đã ngày càng được gia tăng. Điều này đồng nghĩa nhận thức của người dân trong việc tổ chức sản xuất với các quy trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP… ngày càng cao. Điều này kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu hoa quả Việt Nam sẽ tiếp tục có cơ hội tăng trưởng. 
 
Nguồn: BNEWS/TTXVN
Ý kiến bạn đọc