Nông, lâm thủy sản
Xuất khẩu năm 2016: nhiều điểm sáng
27/12/2016
So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu quý I/2016 chỉ tăng 4,1%, 6 tháng nhích lên 5,7%, 9 tháng tăng lên 6,7%. Và, nỗ lực của quý IV đã tạo nên mức tăng xuất khẩu bất ngờ cả năm 2016: 8,6%. Xét về con số tuyệt đối, kim ngạch xuất khẩu năm 2016 tăng 14 tỷ USD so với năm 2015, không thể đòi hỏi gì hơn.

 Năm 2016, xuất khẩu của nước ta có nhiều điểm sáng thực sự. Vài năm trước, không ai nghĩ có ngày xuất khẩu rau quả vượt qua gạo, nhưng nay đã là sự thật. Tín hiệu đó lóe ra từ tháng 8/2016, rau quả đuổi kịp gạo, rồi từ đó liên tục vượt lên cho đến cuối năm. Sự bứt phá của xuất khẩu rau quả thể hiện trên nhiều mặt: Quỹ hàng hóa phong phú về số lượng, chủng loại, chất lượng; sự tích cực nhập cuộc thị trường của các nhà sản xuất và nhà kinh doanh, đặc biệt là thị trường cao cấp.

 Cà phê năm nay tăng trưởng khá ấn tượng (25,7%). Song sẽ trọn vẹn niềm vui nếu chấm dứt nạn trộm bứt hạt, bẻ cành cà phê. Sợ mất của, nhiều chủ vườn phải hái non hạt cà phê, ảnh hưởng tới chất lượng hạt. Tình trạng hàng xuất khẩu bị trả lại có một phần nguyên nhân từ vấn nạn trên.
Nhớ lại những ngày xốn sang vì sự cố môi trường biển, thầm nghĩ thủy sản năm nay chắc chắn không đạt mục tiêu. Thực tế, xuất khẩu thủy sản quý I rồi quý II ảm đạm... Nhưng rồi đến các tháng cuối năm, xuất khẩu thủy sản “tươi tắn” dần. Thủy sản đã vượt khó đi lên từ năng lực đánh bắt, mở rộng diện tích nuôi trồng, cải hoán con giống. Năm 2016, tôm vẫn đứng đầu bảng, chiếm tỷ trọng 45% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản vì đã vào được 75 thị trường. Cá tra duy trì vị trí số 2. Đáng chú ý là sự vươn lên của cá ngừ đại dương. Việc hợp tác với Nhật Bản trong đánh bắt, bảo quản từ ngoài khơi, chế biến đưa thẳng sang kho hàng Nhật Bản, nâng giá trị cá ngừ lên đáng kể. Hiện có 8 thị trường lớn nhập 88,2% lượng cá ngừ của Việt Nam gồm: Hoa Kỳ, EU, ASEAN, Trung Quốc, Israel, Nhật, Canada, Mexico.

Xuất khẩu cao su thiên nhiên đạt 1,7 tỷ USD, tiếp tục giữ vững vị trí thứ 3 về sản lượng và xuất khẩu trên thế giới. Lần đầu tiên nhãn hiệu “Cao su Việt Nam” (Viet Nam Rubber) được công bố sau hai năm thực hiện các thủ tục bắt buộc. Ngoài ra, chúng ta còn xuất khẩu 1,5 tỷ USD các sản phẩm từ cao su như lốp xe, linh kiện cao su, băng tải cộng với 1,2 tỷ USD các sản phẩm từ gỗ cao su, khẳng định một thực tế: Nếu phát triển công nghệ chế biến sẽ khai thác được nhiều tiềm năng từ các vườn cao su.

 Điện thoại từ Việt Nam đã thành mặt hàng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Năm 2012, điện thoại còn kém xa may mặc (điện thoại 12,7 tỷ USD; dệt may 15 tỷ USD), nhưng ngay năm 2013, điện thoại soán ngôi đầu của dệt may (điện thoại 21,5 tỷ USD, dệt may 17,9 tỷ USD). Từ đó, điện thoại luôn giữ vững ngôi đầu, năm 2016 đạt 34,5 tỷ USD, cao hơn cả tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước năm 2005 (32,4 tỷ USD).

 Hoa Kỳ và châu Âu vẫn là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Năm 2016, Hoa Kỳ là khách hàng mua tôm lớn nhất, chiếm 23,4% thị phần tôm Viêt Nam xuất khẩu. Hai thị trường này luôn là khách hàng tiềm năng đối với hàng nông, thủy sản Việt Nam.

Tuy nhiên, không phải tất cả đều “hanh thông”. Nhiều thị trường xuất khẩu đã dựng lên không ít hàng rào kỹ thuật bởi bảo hộ mậu dịch có xu hướng quay trở lại, khiến chúng ta phải vất vả, hao tổn cả trí và lực để tìm mọi phương cách để gỡ bỏ.

 Nhìn lại trong nước, có những mặt hàng xuất khẩu chưa thể hài lòng, ví dụ như gạo. Có thể nói, hạt gạo Việt vừa thất bát trên đất khách, đang thua tại sân nhà. Kém người Thái đi trước, có thể thua Campuchia đang bám sát... Rất may, chúng ta đã nhìn thấy rõ vấn đề và đang mạnh tay chấn chỉnh.
 Tuy còn nhiều khó khăn, song những tín hiệu tích cực, những điểm sáng nói trên đã gợi mở cho bước đi trong những năm tiếp theo khi nước ta có “kịch bản” kinh tế thích hợp, tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

 Suy xét trong bối cảnh đó, xuất khẩu năm 2017 khá khả quan. Điều quan trọng là cần tạo ra chuyển biến về tư duy tăng trưởng không dựa vào khai thác tài nguyên, hàng thô, hàm lượng chế biến thấp và gia công hàng hóa ở phân kỳ thấp của chuỗi giá trị mà phải tận dụng những thành tựu mới của khoa học công nghệ, khai thác các cơ hội từ hội nhập, đặc biệt từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhận diện và khắc phục kịp thời những rào cản, tăng cường năng lực và hiệu quả của bộ máy quản lý, nỗ lực tháo gỡ khó khăn, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp...

Hoa Kỳ và châu Âu vẫn là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Năm 2016, Hoa Kỳ là khách hàng mua tôm lớn nhất, chiếm 23,4% thị phần tôm Việt Nam xuất khẩu.
 Nguồn: Báo Công Thương
Ý kiến bạn đọc