Thị trường xuất nhập khẩu
Xuất khẩu sang EAEU: Mở hướng tiếp cận cho doanh nghiệp Việt
19/10/2016

Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) vừa có hiệu lực từ ngày 5/10/2016 được kỳ vọng mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất khó khăn trong việc tiếp cận thị trường này bởi các rào cản kỹ thuật, chi phí vận tải, logistics, thanh toán…

Chủ trì Hội nghị “Đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EAEU khi Hiệp định FTA Việt Nam - EAEU có hiệu lực”do Bộ Công Thương tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 12/10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định: Đây sẽ là khung pháp lý để các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp thuộc khối EAEU tăng cường hợp tác, thúc đẩy tăng trưởng thương mại song phương trong thời gian tới.

Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, việc Việt Nam trở thành đối tác ký Hiệp định Thương mại tự do đầu tiên với EAEU mở ra cơ hội rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, tạo ra động lực mở cửa thị trường, thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp hai bên, giảm bớt các rào cản thuế quan, phi thuế quan và sẽ là một cửa ngõ thuận lợi để thúc đẩy xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước trong EAEU.

Được đánh giá là thị trường có nhiều triển vọng cho xuất khẩu song quá trình tiếp cận thị trường EAEU rất gian truân. Bà Nguyễn Khánh Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - cho biết, hiện nay khó khăn khi xuất khẩu vào Nga và các nước là rào cản về tiêu chuẩn kỹ thuật khác biệt, chi phí vận tải, logistics, thanh toán.

Cụ thể, sản phẩm của Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về giá cả, mẫu mã, bao bì, chất lượng, vận chuyển... với các quốc gia khác có nguồn cung sản phẩm tương tự Việt Nam (Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan...). Mặt khác, hiện cả hai bên chủ yếu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng hải, thời gian kéo dài thường tới 25 ngày, làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Về phương thức thanh toán, mặc dù việc thúc đẩy thanh toán song phương, bao gồm thanh toán bằng đồng nội tệ, thông qua đề án thúc đẩy thanh toán song phương Việt - Nga do Ngân hàng BIDV và Ngân hàng Ngoại thương Nga (VTB) xây dựng bước đầu có tiến triển nhưng quá trình thanh toán của doanh nghiệp vẫn khó khăn. Theo đó, hiện nay doanh nghiệp Việt chủ yếu thanh toán theo hình thức trả trước hoặc trả chậm (ứng trước 10-20%, sau khi giao hàng nhận chứng từ gốc trả 80-90% còn lại), việc thực hiện thanh toán bằng đồng nội tệ vẫn chưa được thực hiện nhiều, trong khi đó, nếu thanh toán bằng đồng USD sẽ gặp khó khăn do biến động tỷ giá giữa đồng RUB của Nga và USD.

Bộ Công Thương đã và đang đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối giao thương; thường xuyên trao đổi hợp tác giữa các cơ quan Việt Nam và EAEU nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đẩy nhanh quá trình ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các cơ quan chức năng của Việt Nam và EAEU về kiểm soát an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh với các sản phẩm có nguồn gốc động vật xuất khẩu giữa hai bên.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) - thông tin, các doanh nghiệp đang băn khoăn về cơ chế phòng vệ ngưỡng (trigger) đối với dệt may của EAEU sẽ khiến ngành này khó tăng kim ngạch. Cụ thể, mỗi nước thành viên khi tham gia Hiệp định đều đề ra một hạn mức nhập khẩu cố định và khi sản lượng nhập khẩu chạm ngưỡng quy định thì các nước sẽ tiến hành đánh giá mức tác động của mặt hàng đó đối với thị trường sở tại, sau đó mới ra quyết định xem sẽ áp mức thuế cao hơn hay giữ nguyên thuế suất 0% như ban đầu. Với ngành Dệt may, Hiệp định đưa ra ngưỡng hạn chế là kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam không vượt quá 2 lần bình quân 3 năm gần đây.

Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thuộc EAEU trong mấy năm qua rất thấp, nếu gấp 2 lần thì cũng chỉ dưới 1 tỷ USD. Vấn đề này phải sau 3 năm mới được xem xét lại, 5 năm tiếp theo xem xét 1 lần nữa. Đây là một trong những quan ngại của các DN dệt may bởi nếu không cẩn thận doanh nghiệp dệt may sẽ rơi vào vòng kiểm tra, kiểm soát của phía bạn.

Theo đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, trong khối các nước EAEU, Nga là thị trường có triển vọng lớn nhất cho hồ tiêu. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại không biết Nga có cắt giảm thuế cho mặt hàng tiêu đã chế biến hay chỉ áp dụng cho xuất khẩu thô? Trước thắc mắc của ngành Hồ tiêu, Đại diện Bộ Công Thương cho hay, tại thị trường Nga không chỉ hồ tiêu thô mà các sản phẩm tiêu đã xay hay cà phê chưa xay và đã xay đều được giảm thuế về 0%.

Bộ Công Thương cho rằng, doanh nghiệp không nên quá lo lắng về vấn đề này, đồng thời khuyến nghị các doanh nghiệp khi xuất khẩu vào EAEU cần chú ý bao bì mẫu mã, chuẩn bị thông tin về xuất xứ hàng hóa rõ ràng để giới thiệu với các đối tác.

Liên quan đến thanh toán, ông Lê Ngọc Lâm - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng BIDV- cho hay, BIDV và VTB đã ký hợp tác về kênh thanh toán song phương với hạn mức thanh toán khoảng 100 triệu USD. Trong quá trình thanh toán, DN có thể lựa chọn thanh toán đồng RUB, VND hoặc USD với thời gian nhanh, nếu hồ sơ đầy đủ chỉ mất khoảng 30 phút.

Nguồn: Báo Công Thương

Ý kiến bạn đọc