Thị trường xuất nhập khẩu
Trung Quốc tăng nhập khẩu cá tra, doanh nghiệp lo thiếu nguyên liệu
29/11/2016
Sản lượng cá tra tăng, giá cá tăng 10% so với cùng kỳ nhưng doanh nghiệp mua vào không nhiều, do người nuôi bán cho thương lái xuất sang Trung Quốc. VASEP dự báo năm 2017 Trung Quốc sẽ soán ngôi của Mỹ để trở thành nước nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Như vậy, nhiều khả năng doanh nghiệp đối mặt với sự “khan hiếm nguyên liệu” sẽ trầm trọng hơn trong năm tới

Sản lượng tăng, giá cũng tăng


Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), diện tích nuôi cá tra trong 10 tháng đầu năm là 5.352 héc ta, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, vì thế sản lượng thu hoạch cũng tăng theo khi đạt hơn 996.000 tấn, tăng hơn 9% so với cùng kỳ. Một số tỉnh trọng điểm như Đồng Tháp đạt hơn 325.000 tấn, tăng gần 19%, Cần Thơ gần 140.000 tấn, tăng 24%, Bến Tre gần 155.000 tấn, tăng 11%.

Điều đáng nói là dù sản lượng tăng nhưng năm nay giá cá tra lại có xu hướng tăng theo khi thời gian qua vẫn duy trì ở mức 22.000-22.500 đồng/kg. Thời điểm tháng 10-2015, sản lượng cá tra thu hoạch là 946.000 tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2014 nhưng giá bán chỉ ở mức dưới 20.000 đồng/kg. Như vậy, trong 10 tháng đầu năm nay khi sản lượng tăng 9% thì giá bán cũng tăng khoảng 10%.

Nguồn cung tăng mà giá cá tra không giảm, thậm chí lại tăng được giải thích là do nhu cầu lớn từ Trung Quốc trong việc tiêu thụ cá tra Việt Nam. Thị trường này không những nhập khẩu sản phẩm đã qua chế biến mà còn mua với số lượng lớn cá tra nguyên con từ khu vực ĐBSCL.

Doanh nghiệp có ít cơ hội để mua cá nguyên liệu

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết trong số 1 triệu tấn cá tra nguyên liệu hiện nay có khoảng 70% là từ các ao nuôi của doanh nghiệp; còn lại là từ người nuôi cá tra để bán cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, năm nay nhiều người nuôi cá thay vì bán cho doanh nghiệp trong nước lại chuyển sang bán cho thương lái để xuất đi Trung Quốc. Vì thế, doanh nghiệpthủy sản có ít cá tra nguyên liệu hơn để mua vào.

“Mỗi năm doanh nghiệp đều phải có kế hoạch để chủ động nguồn nguyên liệu. Đa phần doanh nghiệp sẽ chủ động nguồn nuôi để không đưa mình vào thế khó, còn lại một phần sẽ mua từ người dân. Nay, người nuôi cá bán cho thương lái xuất sang Trung Quốc sẽ làm cho nguồn cung cho doanh nghiệp trong nước ít hơn”, ông Hòe giải thích.

Theo số liệu của VASEP, trong 10 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu cá tra đạt gần 1,4 tỉ đô la Mỹ, trong đó điểm sáng vẫn là xuất khẩu sang hai thị trường lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc với tổng giá trị chiếm gần 40%.

Giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm là 235,5 triệu đô la Mỹ, tăng hơn 76% so với cùng kỳ năm 2015.

Theo VASEP, Trung Quốc sẽ là thị trường tiêu thụ mạnh cá tra của Việt Nam trong năm 2017. Do đó, hiệp hội này không ngần ngại đưa ra dự báo, Trung Quốc sẽ soái ngôi vị thế số 1 của Mỹ để trở thành nước nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam trong năm tới.

Trong trường hợp dự báo của VASEP đưa ra là đúng, có thể trong năm 2017, nguồn cung nguyên liệu cho doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sẽ bị ảnh hưởng vì sẽ có nhiều người nuôi cá tra chuyển sang bán cho thương lái để xuất đi Trung Quốc thay vì bán cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu như lâu nay.

Như thế, nhiều khả năng, “kịch bản” sản lượng tăng nhưng doanh nghiệp có ít nguyên liệu để mua có thể lặp lại trong năm 2017. Doanh nghiệp sẽ làm gì với nhu cầu lớn của thị trường đông dân nhất thế giới sẽ là vấn đề mà nhiều ban giám đốc sẽ phải tìm cách giải quyết để có những chiến lược kinh doanh phù hợp trong năm tới.
 
Ý kiến bạn đọc