Tài chính tiền tệ
Doanh nghiệp Nhật rời Trung Quốc, chọn Việt Nam: Thêm minh chứng
10/10/2016

Đoàn doanh nhân đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc vừa có cuộc tiếp xúc tìm hiểu thị trường và cơ hội hợp tác tại TP.HCM.

Theo thông tin trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, cuộc tiếp xúc diễn ra vào chiều 7/10 với sự tham gia của 12 doanh nghiệp Nhật Bản thuộc các lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, khuôn nhựa, khuôn bao bì, máy móc văn phòng…

Theo đoàn, những năm qua giá nhân công Trung Quốc trở nên đắt đỏ, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tại đây gặp nhiều khó khăn. Các doanh nhân Nhật Bản mong muốn tìm hiểu thông tin về các lĩnh vực cần thu hút đầu tư tại TP.HCM, các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp FDI, đặc biệt khối FDI Nhật Bản.

Trên thực tế, xu hướng doanh nghiệp Nhật Bản rời Trung Quốc chọn đầu tư tại Việt Nam đã được đề cập đến trong nhiều năm gần đây.

Còn nhớ, tại hội nghị đầu tư thường niên vào ĐBSCL lần thứ 3 năm 2015 do Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) chi nhánh TP Cần Thơ tổ chức tại TP Cần Thơ, ngày 20/11, ông Yasuzumi Hirotaka - Giám đốc văn phòng Jetro ở TP.HCM khẳng định, nhân công giá rẻ, cơ sở hạ tầng cải thiện, cầu đường được xây dựng nên doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng đầu tư, không chỉ gói gọn ở TP.HCM.

Trước đó, năm 2014, kết quả khảo sát của Teikoku Databank, một công ty chuyên thu thập thông tin từ các doanh nghiệp Nhật Bản cho biết, 10,9% số doanh nghiệp nước này coi Việt Nam là cơ sở sản xuất quan trọng nhất tại nước ngoài trong khi tỷ lệ lựa chọn Trung Quốc là 6,9%.

Tuy nhiên, theo nhiều nhận định, Việt Nam có điều kiện và có thể là lựa chọn thay thế Trung Quốc của nhà đầu tư Nhật Bản nhưng với điều kiện, chúng ta phải cải thiện những điểm mà nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng và nhà đầu tư nước ngoài nói chung đang “chê bai”.

Đó là: hệ thống pháp luật chưa thống nhất, thiếu minh bạch, cơ chế, thủ tục rườm rà, phức tạp, năng lực của doanh nghiệp vừa và nhỏ còn yếu trong đó phải kể đến năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ, tình hình an ninh trật tự...

Từng bàn luận về vấn đề này, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, Việt Nam cũng phải tỉnh táo mà lựa chọn đối tác, cần thiết phải mở rộng hợp tác, giảm sự phụ thuộc vào duy nhất một nền kinh tế.

 “Vấn đề của Việt Nam là có đủ năng lực, trình độ, đủ tâm, đủ tầm để cân nhắc lựa chọn hay không? Có nắm bắt được những ưu thế và khắc phục những nhược điểm hay không?

Khi nắm bắt được cơ hội rồi liệu nội lực trong nước có thay đổi, có đáp ứng được không. Nếu không thay đổi sẽ không thể tận dụng được thời cơ”, vị chuyên gia gợi mở.

Nguồn Báo đất việt

Ý kiến bạn đọc