Tài chính tiền tệ
Oxfam: Việt Nam nên tỉnh táo trước nguồn vốn FDI
10/10/2016

Oxfam cảnh báo Việt Nam nên tỉnh táo trước nguồn vốn FDI, không nên nhận FDI từ các nước có chính sách thuế còn nhiều lỗ hổng.

50% FDI đầu tư vào Việt Nam đến từ thiên đường thuế

Chiều 7/10, tại Hội thảo về Thuế và Bất bình đẳng tổ chức ở Hà Nội, chuyên gia của Oxfam (một liên minh các tổ chức quốc tế về xoá đói giảm nghèo- PV) đã chỉ ra những ảnh hưởng tiêu cực của thiên đường thuế đối với các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Bà Susana Ruiz, chuyên gia của Oxfam cho biết, hiện nay Việt Nam và nhiều quốc gia đang phát triển khác bị thiệt hại khoảng 170 tỷ USD mỗi năm do hành vi lợi dụng các thiên đường thuế như Panama hay Bermuda để trốn thuế của các tập đoàn lớn.

Theo bà Susana, 50% FDI đầu tư vào Việt Nam hiện nay là đến từ thiên đường thuế nên lợi nhuận đều chuyển về đó. Dù nước ta thu hút nhiều đầu tư song thực chất số tiền thuế thu về khônq lớn. Trong đó một số nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam từ Hồng Kông, Singapore, quần đảo British Virgin... thì đều là những thiên đường thuế.

Tiếp tục phân tích, vị chuyên gia của Oxfam chỉ rõ, các tập đoàn này đã chuyển phần lớn lợi nhuận về các công ty bình phong tại các nước có thuế suất cực thấp. Thay vì phải trả mức thuế từ 20% tới 25% tại các nước họ kinh doanh, lợi nhuận của các công ty này được đưa về các quốc gia có thuế suất chỉ dưới 1%, thậm chí 0% để tránh thuế.

“Vụ rò rỉ tài liệu lớn nhất từ trước đến nay có tên “Hồ sơ Panama” của Công ty luật Mossack Fonseca đã hé lộ hàng loạt các công ty vỏ bọc được thành lập tại nước ngoài (công ty offshore) được cho là nhằm mục đích né thuế. Các dữ liệu cho thấy, cứ 10 phút, công ty luật Mossack Fonseca lại tạo ra 1 công ty ở nước ngoài”, chuyên gia Oxfam khẳng định.

Ngoài ra, theo Oxfam, 60% giá trị thương mại toàn cầu là giữa các công ty của một tập đoàn. Bởi thực tế các công ty đa quốc gia có thể chỉ phải trích 5% lợi nhuận cho các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp có nghĩa vụ phải chi trả. Các công ty đa quốc gia không chi trả phần thuế mà họ có nghĩa vụ phải trả tại những nơi diễn ra các hoạt động kinh doanh và tạo ra lợi nhuận. Sau đó những lợi nhuận này được chuyển tới thiên đường thuế.

Từ những vấn đề trên, Oxfam đưa ra cảnh báo Việt Nam nên tỉnh táo trước nguồn vốn FDI. Đặc biệt không nên nhận FDI từ các nước có chính sách thuế còn nhiều lỗ hổng để hạn chế tối đa tình trạng trốn thuế.

Tiền chuyển ra nước ngoài bất thường

Cùng với việc thu hút FDI, thời gian qua, nhiều chuyên gia kinh tế đã chỉ ra một tình trạng bất thường tại Việt Nam đó là tình trạng chuyển tiền ra nước ngoài tăng bất thường.

TS Vũ Quang Việt, nguyên chuyên viên cao cấp của Liên hợp quốc chỉ ra một con số giật mình, trong vòng 6 năm (2008-2013), 33 tỷ USD của Việt Nam đã bị chảy ra nước ngoài không hợp pháp. Mức chảy ra ngoài tăng mạnh từ sau năm 2008.  Năm 2009, số tiền chảy ra nước ngoài trên 9 tỷ USD, từ năm 2010 có giảm xuống nhưng lại ngày càng tăng và đạt mức gần 9 tỷ năm 2013 .

Vị chuyên gia giải thích, đằng sau con số ấy là nhập lậu và có dấu hiệu tham nhũng. Cụ thể, Việt Nam đang gặp hai vấn đề:

Thứ nhất, là việc chuyển ngân lậu có thể chủ yếu là để nhập lậu từ Trung Quốc. Nhập lậu này rất lớn và ngày càng lớn. Nhập lậu được tính bằng cách lấy số xuất sang Việt Nam theo báo cáo của Hải quan Trung Quốc trừ số nhập được Việt Nam báo cáo chính thức qua hải quan. Nhập lậu ngày càng tăng đang là mối đe dọa lớn cho nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt có khả năng làm phá sản sản xuất của nông dân và doanh nghiệp nhỏ.

Thứ hai là tình hình làm ăn phi pháp ở Việt Nam có vẻ ngày càng tăng, và điều này có thể đã được chứng tỏ bằng việc chuyển tiền trở về nước ngày càng lớn qua dạng kiều hối. Lý do là vì, khả năng kiều bào chuyển tiền về nước cho gia đình cao như hiện nay là khó tin, hay nói rõ ra là không thể. Tất nhiên đem tiền về là tốt, nhưng việc một xã hội tạo cơ hội cho việc làm giầu bất chính là điều khó lòng chấp nhận.

Nguồn Báo đất việt

Ý kiến bạn đọc