Tài chính tiền tệ
Thêm sức mạnh trong quản lý rủi ro
12/12/2013
 

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 175/2013/TT-BTC quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan. Đây là quyết tâm của Bộ tăng cường sức mạnh cho ngành Hải quan trong việc chống thất thu ngân sách.

Theo Cục Hải quan TP HCM, đơn vị có lượng hàng hóa XNK làm thủ tục lớn trong cả nước, chỉ tính riêng trong tháng 8/2013, qua thông tin phân tích quản lí rủi ro, toàn Cục đã phát hiện trên 90 vụ vi phạm pháp luật về hải quan trong XNK hàng hóa.

Quan ngại

Còn theo Hải quan Hải Phòng - đơn vị được Tổng cục Hải quan đánh giá là nơi có tỷ lệ tờ khai kiểm tra phát hiện vi phạm cao nhất so với các cục hải quan tỉnh, thành phố trên toàn quốc thì tính đến tháng 7/2013, thông qua công tác quản lí rủi ro, đơn vị đã phát hiện 2.410 vụ việc vi phạm, chiếm 67,07% tổng số vụ vi phạm được phát hiện của toàn Ngành. Toàn Cục đã chuyển luồng 8.183 tờ khai (tương đương 2,14% tổng số tờ khai tại Hải quan Hải Phòng), trong đó phát hiện 320 tờ khai vi phạm, tương đương 3,91% tổng số tờ khai được chuyển luồng.

Các hành vi vi phạm phần lớn là lợi dụng chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật thông thoáng trong điều hành XNK để khai báo sai về số lượng, mặt hàng, chủng loại, xuất xứ, gian lận qua giá, nhập khẩu hàng đã qua sử dụng, hàng cấm nhập khẩu hoặc không đủ điều kiện, tiêu chuẩn kĩ thuật theo quy định của pháp luật; khai báo hàng hóa có mô tả tương tự, gây nhầm lẫn trong định danh hàng hóa, áp sai mã số thuế…

Tăng cường

Việc ban hành Thông tư 175 có hiệu lực từ 15/1/2014 cho thấy việc áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan đang trở thành nhiệm vụ cấp bách góp phần phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật hải quan, pháp luật thuế. Đồng thời khuyến khích, tạo thuận lợi đối với người thực hiện XNK, XNC, quá cảnh tuân thủ tốt pháp luật.

Một trong những nội dung quan trọng trong quản lý rủi ro là đánh giá tuân thủ pháp luật đối với DN hoạt động XNK, quá cảnh. Nó được thực hiện ở mọi phương diện, từng ngày, từng giờ trên hệ thống thông tin nghiệp vụ, trên cơ sở hệ thống tự động tích hợp, xử lý dữ liệu từ hồ sơ DN và các hệ thống thông tin, dữ liệu có liên quan của ngành Hải quan. Dựa vào mức độ tuân thủ, cơ quan Hải quan sẽ phân loại để áp dụng chính sách ưu tiên hoặc áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, biện pháp quản lý thuế và các biện pháp nghiệp vụ cần thiết khác trong quản lý đối với hàng hóa XNK, quá cảnh của DN. Ngoài ra, căn cứ vào áp dụng tiêu chí quản lý rủi ro, quản lý hệ thống thông tin nghiệp vụ, cơ quan Hải quan còn có thể xác định trọng điểm kiểm tra sau thông quan, cũng như xác định trọng điểm giám sát hải quan.

Cùng với đó, đơn vị quản lý rủi ro tại Hải quan các cấp tiến hành thu thập, phân tích thông tin về hàng hóa XNK, quá cảnh, phương tiện vận tải XC, NC, quá cảnh trước khi đến hoặc rời cửa khẩu cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu đường bộ và các địa điểm làm thủ tục hải quan khác theo quy định của pháp luật để lựa chọn đối tượng trọng điểm cần tập trung giám sát hải quan trong quá trình vận chuyển, lưu giữ trên địa bàn hoạt động hải quan.

Chỉ tiêu là tối thượng

Để hoạt động quản lý tuân thủ xuất nhập khẩu đạt hiệu quả, tháng 7/2013, Bộ Tài chính đã phê duyệt đề án “Tăng cường năng lực quản lý rủi ro của ngành Hải quan giai đoạn 2013 – 2015, tầm nhìn 2020”. Đây được coi là tiền đề góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020, giảm tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa xuống còn dưới 10% vào năm 2015 và dưới 7% vào năm 2020.

Để thực hiện được chỉ tiêu này, hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến cho dự thảo sửa đổi Thông tư 205 quy định về đối tượng, nguyên tắc kiểm tra, thẩm quyền, tiêu chí xây dựng Danh mục quản lý rủi ro hàng hoá XK về giá. Theo đó, Thông tư giao đích danh cho Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan trong việc xây dựng, điều chỉnh, bổ sung, loại bỏ mặt hàng thuộc Danh mục quản lý rủi ro hàng hoá XK và mức giá kiểm tra kèm theo làm căn cứ kiểm tra trị giá khai báo thay vì giao quyền cho các Cục trưởng như trước đây nhằm ngăn ngừa việc DN dụng chính sách để chuyển sang làm thủ tục ở nhữngđơn vị hải quancó mức giá kiểm tra tại Danh mục quản lý rủi ro thấp hơn và tạo sự thống nhất mức giá kiểm tra trên toàn quốc.

Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố sẽ làm báo cáo đề xuất bổ sung, điều chỉnh mức giá kiểm tra thuộc Danh mục quản lý rủi ro hàng hoá XK cho phù hợp với thực tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những cải cách trên, ngành hải quan cũng cần phải khắc phục các tồn tại như: cơ sở pháp lý chưa rõ ràng, hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý rủi ro còn thấp; hệ thống thông tin, dữ liệu còn phân tán, chưa được nâng cấp, xây dựng kịp thời; đầu tư, xây dựng phát triển các hệ thống ứng dụng thông tin còn dàn trải, chồng chéo, thiếu sự quy hoạch tổng thể thống nhất. Có làm được như vậy mới mong quản lý rủi ro trở thành một công cụ hiệu quả trong việc chống thất thu và nâng cao tính tuân thủ pháp luật trong cộng đồng DN.

Ý kiến bạn đọc