Thị trường ngoài nước
Đô la Úc mất giá liên tục và kéo dài – trở ngại đối với hàng xuất khẩu sang Úc
23/07/2015

Kể từ khi thả nổi đồng tiền vào năm 1976, mục tiêu của chính sách tiền tệ của Úc là kiểm soát làm phát thay vì ổn định tỷ giá hối đoái. Vì vậy khi tỷ giá hối đoái tăng vọt hay sụt giảm mạnh, Chính phủ Úc cũng không hề có biện pháp nào kiểm soát biến động tỷ giá.

Từ năm 2001, đồng đô la Úc bắt đầu tăng giá. Quá trình tăng giá kéo dài suốt hơn một thập kỷ và đạt mức rất cao, đỉnh điểm đầu năm 2011 tỷ giá hối đoái AUD/USD là 1,1. Đây chính là thời điểm ngành công nghiệp khai khoáng của Úc tăng trưởng ngoạn mục, trong đó đặc biệt là quặng sắt và than gia tăng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc nhờ nhu cầu tăng vọt từ thị trường này. Giá xuất khẩu quặng sắt tháng 2/2011 đã lên đến mức đỉnh 187,18 AUD/Tấn.

Tuy nhiên khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại thì cũng là lúc nhu cầu nhập khẩu quặng sắt giảm dần, giá xuất khẩu cũng giảm, kéo theo việc tỷ giá đồng AUD/USD giảm giá xuống 0,94 vào quý I năm 2014 và chỉ còn 0,7371 vào ngày 18/7/2015.

Do đã đầu tư quá mạnh vào ngành khai thác mỏ, có những mỏ sắt vừa mới hoặc sắp sửa đưa vào khai thác, những mỏ đã khai thác không chịu giảm sản lượng nên nguồn cung sẽ vẫn tăng, trong khi cầu xuất khẩu còn yếu nên các nhà quan sát nhận định giá quặng sắt, chỉ còn 51,15 AUD/tấn vào tháng 4/2015 và hiện đang dao động trong khoảng 55-57AUD/tấn, khó có có thể phục hồi trước cuối năm 2016. Vì vậy đồng đô la Úc được dự đoán là sẽ còn tiếp tục mất giá, thậm chí có dự đoán bi quan cho rằng tỷ giá hối đoái có thể về tới mức thấp nhất là 0,5AUD/USD vào cuối năm nay.

Việc đồng đô la Úc giảm giá thời gian qua cũng như dự đoán giảm giá trong thời gian tới sẽ là thách thức không nhỏ đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Úc do giá hàng hóa Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn trước. Như vậy các nhà xuất khẩu Việt Nam sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ hơn với hàng hóa của các nước khác trong đó đặc biệt là hàng hóa cùng loại từ Trung Quốc.

Trong 5 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Úc giảm 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Khách quan mà nói thì kim ngạch xuất khẩu giảm chủ yếu là do giá dầu thô sụt giảm. Nếu loại trừ kim ngạch dầu thô thì kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng 23,4%. Tuy vậy nếu không kể máy tính, hàng điện tử và điện thoại và linh kiện, là những mặt hàng thuộc khối đầu tư nước ngoài, thì kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng còn lại giảm 0,1% so với 5 tháng cùng kỳ năm ngoái.

Cũng cần thấy rằng một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực, có lợi thế, có kim ngạch lớn vẫn tăng khá mạnh như giày dép tăng 35,2%, dệt may tăng 14,4%, đồ gỗ tăng 14,2%, máy móc thiết bị, dụng cụ, phù tùng tăng 39,8%. Ngoài ra còn có một số mặt hàng có kim ngạch nhỏ hơn cũng tăng mạnh hoặc khá mạnh như túi xách, ví,vali, mũ, ô, dù tăng 60,5%, đồ chơi, dụng cụ thể thao tăng 29,1%, cà phê tăng 12,4%, kim loại thường & sản phẩm tăng 12,3%, sản phẩm từ chất dẻo tăng 10,9%,  Đây là điểm sáng trong xuất khẩu đầu năm sang Úc. Hy vọng các mặt hàng nêu trên tiếp tục duy trì đà tăng trong thời gian tới.

Ý kiến bạn đọc