Chính phủ Nigeria qui định tất cả hàng hoá là lương thực thực phẩm, dược phẩm và đồ uống được sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, quảng cáo và được bán hoặc phân phối tại Nigeria phải được đăng ký tại Cục Kiểm tra và Quản lý Thực phẩm và Dựợc phẩm Quốc gia (NAFDAC) theo các quy định tại Sắc lệnh số 19 năm 1993.
Nhập khẩu vào Nigeria những hàng hoá trên mà không qua đăng ký tại NAFDAC là bất hợp pháp. Các nhà sản xuất và xuất khẩu nước ngoài phải thực hiện các thủ tục cần thiết để xin giấy chứng nhận NAFDAC trước khi lô hàng được nhập khẩu vào Nigeria. Trong truờng hợp nhà nhập khẩu vi phạm qui định này thì hàng hoá bị đưa vào kho ngoại quan, nhà nhập khẩu phải trả chi phí, bị khởi tố và bị phạt tiền.
Trong trưòng hợp hàng hoá sản xuất tại nước ngoài, đại lý có thể nhập số lượng nhỏ hàng hoá để gửi mẫu đăng ký theo ủy quyền của nhà sản xuất. Giấy uỷ quyền ghi rõ số lượng hàng chưa đăng ký được nhập khẩu để lấy Chứng nhận đăng ký tại NAFDAC tại địa chỉ tại Cơ quan đăng ký và kiểm soát thực phẩm và dược phẩm quốc gia (National Agency for Food and Drug Administration and Control - NAFDAC) - Số 445, đường Herbert Macaulay, Yaba, Lagos, Nigeria.
Các chứng từ cần có để đề nghị cấp Giấy chứng nhận NAFDAC gồm:
1. Giấy uỷ quyền hoặc Hợp đồng sản xuất đối với hàng mẫu nhập khẩu chưa đăng ký.
- Giấy ủy quyền phải đảm bảo các thông tin sau:
+ Được ban hành bởi nhà sản xuất của sản phẩm;
+ Có chữ ký xác nhận của chủ tịch, giám đốc công ty;
+ Được công chứng bởi cơ quan công chứng của nước sản xuất;
+ Giấy chứng nhận sở hữu thương hiệu/nhãn hiệu;
+ Có hiệu lực ít nhất là năm (5) năm.
- Hợp đồng sản xuất phải đảm bảo các thông tin sau:
+ Được chứng nhận bởi cơ quan công chứng trong nước sản xuất;
+ Có chữ ký và ghi rõ họ tên của cả hai bên;
+ Ghi rõ tên của các sản phẩm đăng ký cấp giấy chứng nhận với ngôn ngữ rõ ràng.
2. Giấy phép sản xuất/ Giấy chứng nhận lưu hành tự do được cấp bởi:
- Cơ quan Y tế hoặc các cơ quan liên quan
- Chứng thực của Đại sứ quán Nigeria tại quốc gia sản xuất hoặc tại nước kiêm nhiệm
3. Giấy đăng ký nhãn hiệu sản phẩm
4. Bản tổng hợp, phân tích các lô sản phẩm đăng ký cấp giấy chứng nhận, kể cả báo cáo phân tích, chứng nhận khống nhiễm xạ, nêu rõ tên, chức danh của cán bộ phân tích
5. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của nhà nhập khẩu Nigeria
6. Thư mời của nhà sản xuất về việc kiểm tra nhà máy ở nước ngoài (nêu rõ tên, địa chỉ đầy đủ và thông tin liên lạc của nhà máy; tên của sân bay gần nhất và sơ đồ chỉ dẫn đường tới nhà máy; thông tin của các cơ quan hữu quan địa phương và thông tin của sản phẩm đăng ký chứng nhận).
7. Tờ khai phù hợp với mẫu của cơ quan NAFDAC
8. Mẫu đăng ký cấp giấy chứng nhận của NAFDAC
9. Giấy chứng nhận đã hết hạn (đối với các sản phẩm xin gia hạn chứng nhận)
Quy trình đăng ký cấp giấy chứng nhận:
- Bước 1- Đăng ký cho phép nhập khẩu: Sau khi hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận được chấp thuận và doanh nghiệp nộp phí đăng ký (10.500 Naira, đã bao gồm 5% thuế VAT), bộ phận VMAP (Veterinary Medicines and Allied Products Directorate) sẽ cấp giấy phép nhập khẩu
- Bước 2 - Rà soát sản phẩm: Đơn vị kiểm tra sẽ chọn ra 03 mẫu sản phẩm bất kỳ
- Bước 3- Phân tích sản phẩm: Doanh nghiệp cần cung cấp bản sao hóa đơn thanh toán cấp giấy phép nhập khẩu (đã nêu tại bước 1), bản chính giấy phép nhập khẩu (để đối chiếu) và mẫu sản phẩm để làm phân tích
- Bước 4 - Phê duyệt: Sau khi nhận được báo cáo từ phòng thí nghiệm cho thấy các mẫu sản phẩm đạt yêu cầu, sản phẩm sẽ được cấp giấy chứng nhận NAFDAC. Giấy chứng nhận này có giá trị trong vòng 05 năm
Khi hàng mẫu về đến cảng thì đại lý xuất trình giấy uỷ quyền cho các giám định viên của NAFDAC tại cảng, hàng mẫu được kiểm tra như các lô hàng thông thường khác. Trước khi lô hàng được thông quan tại cảng, nhà nhập khẩu phải xuất trình các chứng từ sau:
- Uỷ nhiệm chi ngân hàng về phí kiểm tra tại cảng;
- Tờ khai Hải quan đã được thanh khoản;
- Giấy chứng nhận phân tích sản phẩm do người sản xuất cấp;
- Chứng nhận của nhà sản xuất và giấy phép tự bán hàng của Chính phủ theo luật của nuớc xuất xứ về việc kiểm tra thường xuyên sản phẩm.
Theo qui định nhãn mác sản phẩm, mẫu hàng nhập khẩu phải ghi các thông tin sau:
- Tên và địa chỉ đầy đủ của nhà sản xuất;
- Tên sản phẩm;
- Khối lượng, thành phần, hướng dẫn sử dụng sản phẩm;
- Ngày sản xuất;
- Ngày hết hạn hoặc tốt nhất dùng trước ngày;
- Số lô hàng;
- Hướng dẫn bảo quản và sử dụng.
Doanh nghiệp quan tâm có thể tìm hiểu thêm thông tin qua Thương vụ Việt Nam tại Nigeria:
- Bí thư phụ trách Thương vụ: Ông Đào Mạnh Đức
- Địa chỉ: Building No.9, Integrity Estate, Plot 27, Princely Court rd (off Ligali Ayorinde str.,) Victoria Island, P.O. Box 70922 V.I.
- Điện thoại: +234 806 941 4558
- E-mail:ng@moit.gov.vn”./.