Biến đồng nhân dân tệ thành đồng tiền quốc tế
Việc khuyến khích sử dụng đồng NDT trước tiên là để đáp ứng chiến lược tiền tệ của Trung Quốc. Mục tiêu của Bắc Kinh là biến đồng nhân dân tệ thành một đồng tiền quốc tế thật sự. Để đạt được mục tiêu này, từ nhiều năm nay, Trung Quốc đã tăng khối lượng giao dịch quốc tế bằng nhân dân tệ. Theo một nghiên cứu của ngân hàng HSBC, sẽ có một nửa trao đổi thương mại do Trung Quốc thực hiện ở nước ngoài được giao dịch bằng NDT vào năm 2020.
Mục đích trước mắt là đồng NDT sẽ cạnh tranh với đồng đô la Mỹ với vị trí là đồng tiền trao đổi quốc tế. Ngày nay, đồng nhân dân tệ chỉ mới đứng ở vị trí thứ 5 xếp khá xa sau 4 đồng tiền trao đổi là đô la Mỹ, euro, bảng Anh và yên Nhật. Do vậy, Trung Quốc muốn quốc tế hóa đồng tiền của mình, một trong những tiêu chí để Quỹ tiền tệ quốc tế có thể đưa NDT vào giỏ định giá quyền rút vốn đặc biệt, có nghĩa là đưa NDT thành đồng tiền dự trữ của tổ chức này. Giá trị của đồng NDT hiện nay chỉ được xác định bằng đồng USD, euro, bảng Anh và yên Nhật.
Châu Phi, mảnh đất ưu tiên của nền kinh tế Trung Quốc
Việc công nhận đồng NDT cũng phục vụ chiến lược thương mại của Trung Quốc. Từ năm 2009, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Châu Phi. Năm 2014, trao đổi thương mại giữa hai bên đạt 2.220 tỷ USD, tăng gấp 20 lần so với đầu năm 2000. Các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Châu Phi cũng tăng, lên tới trên 75 tỷ USD từ năm 2000 đến 2011. Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ hai tại châu Phi chỉ sau Hoa Kỳ (với 90 tỷ USD trong cùng thời kỳ). Do vậy, việc sử dụng ngày càng phổ biến đồng nhân dân tệ tại Châu Phi sẽ tạo điều kiện cho hoạt động trao đổi thương mại và đầu tư, thậm chí trước mắt có thể tạo ra một khu vực đồng NDT thực sự ở lục địa này. Đối với các nước Châu Phi, có hai lợi ích khi chấp nhận đồng nhân dân tệ. Một mặt, sẽ tránh được sự phụ thuộc vào biến động của đồng USD. Mặt khác, tạo điều kiện cho việc nhập khẩu các mặt hàng của Trung Quốc. Khi chấp nhận đồng nhân dân tệ, các trao đổi sẽ không còn phải thực hiện thông qua đồng tiền trung gian là USD nữa.
Tác động của việc điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ
Tuy nhiên, việc lựa chọn NDT làm đồng tiền thanh toán và dự trữ không phải là không có rủi ro. Trung Quốc đã điều chỉnh giảm giá đồng NDT trong 3 ngày liên tiếp và điều này được xem là nhằm phục hồi nền kinh tế Trung Quốc khi tình hình ngoại thương đang gặp khó khăn. Trong khi Ngân hàng Trung ương nước này tìm cách ổn định đồng NDT thì những hậu quả của việc phá giá có thể cảm nhận thấy tại các nước Châu Phi có quan hệ mật thiết nhất với Trung Quốc.
Chẳng hạn Nam Phi tháng 6 vừa qua đã thực hiện 1/3 trao đổi thương mại với Trung Quốc bằng đồng NDT trong khi 1 năm trước đây là 10,8%. Đồng rand của Nam Phi đã mất gần 5% giá trị trong tháng 7/2015 trước đồng USD, có thể còn bị suy yếu hơn do việc phá giá đồng NDT. Do vậy, việc điều chỉnh giảm này có thể gây nên mối nghi ngờ về khả năng đồng NDT có thể thay thế cho đồng USD như một đồng tiền trao đổi ổn định ở cấp quốc tế.
Rõ ràng là hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Châu Phi sẽ rẻ hơn và hàng xuất khẩu của Châu Phi theo chiều ngược lại sẽ đắt hơn. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng đối với những mặt hàng công nghiệp chế tạo vì các sản phẩm cơ bản chiếm phần lớn cơ cấu xuất khẩu của Nam Phi và được thanh toán bằng đồng USD. Theo Thống đốc Ngân hàng trung ương Nam Phi, tình hình xuất khẩu hàng công nghiệp chế tạo chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nhưng Nam Phi không xuất khẩu nhiều nhóm hàng này sang Trung Quốc.
Một hậu quả khác nghiêm trọng hơn đến từ việc Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của nhiều nước châu Phi. Điều này có nghĩa là đồng nhân dân tệ đã thâm nhập nhiều nền kinh tế trong châu lục. Chẳng hạn, do tầm quan trọng của thương mại giữa Trung Quốc và Kenya và lượng hàng hóa Trung Quốc đến cảng Mombasa, chính phủ Kenya dự kiến thành lập một trung tâm đổi tiền NDT để tạo điều kiện cho việc trao đổi hàng hóa với Trung Quốc. Một ví dụ khác, về mặt kỹ thuật, NDT là đồng tiền hợp pháp trong nền kinh tế đa tiền tệ của Zimbabwe.
Điều đáng nói hơn nữa là cách đây 4 năm, Ngân hàng trung ương Nigeria đã hứa dự trữ từ 5 đến 10% tổng lượng tiền dự trữ ngoại hối bằng đồng NDT.
Vì vậy, những đồng tiền của các quốc gia Châu Phi có quan hệ mật thiết với Trung Quốc có thể phải chịu áp lực lớn hơn.