Liệu tân tổng thống Joko Widodo có đưa được đất nước Indonesia quay lại đà tăng trưởng mạnh mẽ như trước đây ?
Tại một hội nghị quốc tế lớn được tổ chức hồi cuối tháng 4 vừa qua, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào Indonesia. Đầu tư vào Indonesia sẽ mang lại “lợi nhuận không thể tin được. Và nếu bạn có vấn đề gì, cứ gọi cho tôi”, ông cam kết.
Tuyên bố này cho thấy quyết tâm của tân Tổng thống Widodo (nhậm chức Tổng thống kể từ tháng 10 năm ngoái) trong việc vực dậy nền kinh tế đang xanh xao. Ông Widodo cho biết ông muốn Indonesia quay trở lại thời kỳ tăng trưởng hằng năm 7% trong nhiệm kỳ 5 năm của ông - một tốc độ tăng trưởng đã không còn được thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.
Hiện tại, nền kinh tế Indonesia đang tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong 5 năm qua. Quý I năm nay, GDP chỉ tăng trưởng 4,7% (so với cùng kỳ năm ngoái), giảm từ mức 5% của quý trước.
Vấn đề của Indonesia nằm ở hàng hóa, vốn đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế nước này. Indonesia là nhà xuất khẩu dầu cọ và thiếc lớn nhất thế giới, nhà xuất khẩu cao su lớn thứ hai và là lớn thứ 4 thế giới về than đá. Mỏ Grasberg ở Papua, tỉnh lớn nhất Indonesia, là mỏ vàng lớn nhất thế giới và là mỏ đồng lớn thứ 3. Khi cơn khát hàng hóa của Trung Quốc gia tăng, giá cả tăng theo, nền kinh tế Indonesia cũng bùng nổ. Thế nhưng, kể từ năm 2011, tăng trưởng đã chậm lại, do nhu cầu của Trung Quốc đối với nguyên vật liệu giảm mạnh và giá cả hàng hóa lao dốc.
Kế hoạch của ông Widodo là tái cân bằng nền kinh tế Indonesia theo hướng giảm bớt sự lệ thuộc vào hàng hóa và hướng nhiều hơn đến sản xuất. Thực ra, nước này đã nỗ lực làm điều tương tự trước đó: cuối thập niên 1970 và 1980, khi giá cả đối với dầu Indonesia (thời điểm đó, dầu vẫn rất dồi dào) giảm mạnh, Chính phủ đã ra sức thu hút đầu tư nước ngoài vào những ngành nghề như chế biến thực phẩm và sản xuất ôtô.
Kết quả là vào năm 1990, lần đầu tiên tỉ trọng của ngành sản xuất trong GDP đã vượt qua cả tỉ trọng của ngành nông nghiệp, nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ như mức lương thấp, cơ sở hạ tầng khá tốt, môi trường đầu tư ổn định và nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào. Nhưng cơn sốt đó đã chấm dứt khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra cùng với sự ra đi của Tổng thống Suharto vào cuối thập niên 1990.
Indonesia ngày nay có lẽ có sức thu hút hơn với vị thế là một trung tâm sản xuất. Nước này hiện đang là quốc gia đông dân thứ 4 thế giới, với thị trường nội địa lớn có tốc độ đô thị hóa nhanh và một tầng lớp tiêu dùng gia tăng. Giá nhân công thì rẻ: mức lương cơ bản trung bình trong ngành sản xuất chỉ là 253 USD/tháng, so với 369 USD ở Thái Lan và 403 USD tại Trung Quốc. Dân số lại trẻ: độ tuổi trung bình của Indonesia chỉ 29,2, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (36,2) và Trung Quốc (36,7).
Nhưng chế độ quan liêu của Indonesia lại là một điểm trừ trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Cơ sở hạ tầng xuống cấp là một điểm trừ khác. Các công ty tại Indonesia chi cho hoạt động hậu cần nhiều hơn 50% so với tại Thái Lan và gấp 2 lần ở Malaysia. Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi đầu tư nước ngoài đã đình đốn trong những năm gần đây. Còn tỉ trọng sản xuất trong GDP đã giảm từ mức 29% vào năm 2001 còn 24% năm 2013.
Để đảo ngược tình thế, ông Widodo đã thực hiện một số biện pháp. Trong đó, có việc đưa ra cơ chế một cửa trong việc phê chuẩn giấy phép đầu tư vào tháng 1.2015, nhờ đó đã giúp đẩy nhanh thủ tục cho các nhà đầu tư. Theo chuyên gia Wellian Wiranto của ngân hàng OCBC tại Singapore, cơ chế một cửa đã làm giảm số ngày được yêu cầu để có được giấy phép xây dựng nhà máy điện từ 923 ngày còn 256 ngày. Dẫu vậy, con số 256 này vẫn là quá nhiều.
Sử dụng số tiền tiết kiệm được từ việc cắt giảm trợ cấp xăng dầu vào cuối năm ngoái, ông Widodo cũng đã đẩy mạnh ngân sách cho cơ sở hạ tầng tăng thêm 53% - mức tăng hằng năm cao nhất trong lịch sử Indonesia. Những con đường và bến cảng tốt hơn sẽ giúp làm giảm mạnh chi phí hậu cần cho doanh nghiệp. Một phần trong số tiền nói trên được dành cho các dự án thiết yếu như xây dựng nhà máy điện. Indonesia có số dân gấp 5 lần nước Anh nhưng công suất sản xuất điện chỉ bằng phân nửa.
Ông Widodo cũng tích cực gọi vốn nước ngoài để rót vào các dự án hạ tầng. Năm nay, ông đã đi sang Nhật và Trung Quốc, tìm kiếm các hiệp định thương mại và giành được những lời cam kết tài trợ vốn cho các kế hoạch hạ tầng tốn kém của Indonesia, trong đó có ký các hiệp định sơ bộ trị giá 40 tỉ USD. Những nỗ lực này cần được chuyển thành các dự án triển khai trên thực tế thì mới có thể lấy được lòng tin của nhà đầu tư.
Một câu chuyện khác khiến nhà đầu tư băn khoăn là chế độ bảo hộ đối với một số ngành. Năm ngoái, danh sách các lĩnh vực “bị cấm” đối với nhà đầu tư nước ngoài lại có thêm lĩnh vực khai thác dầu mỏ trên bờ và thương mại điện tử. Năm 2014, Chính phủ đã cấm xuất khẩu một số loại nguyên vật liệu thô nhằm khởi động ngành luyện kim trong nước. Xuất khẩu bô-xít đã giảm từ 55 triệu tấn xuống còn vỏn vẹn 500.000 tấn chỉ trong một năm, trong khi xuất khẩu nhôm hoặc ôxít nhôm cũng không tăng lên.
Có một số luật lệ cũng khiến các nhà đầu tư không mấy hài lòng. Chẳng hạn, một dự thảo luật yêu cầu các công ty bán máy tính bảng và điện thoại thông minh phải sản xuất tới 40% linh kiện của họ tại Indonesia. Mục tiêu của Chính phủ là nhằm đẩy mạnh sản xuất mảng công nghệ trong nước. Nhưng một số ý kiến cho rằng mục đích này sẽ khó mà đạt được, không những thế còn thúc đẩy thị trường iPhone chợ đen phát triển. Điều đó sẽ càng khiến cho các nhà đầu tư tiềm năng e ngại không dám rót vốn.
Các nhà sản xuất ôtô cũng đang lo lắng, mặc dù hoạt động sản xuất ôtô đang tăng lên ở Indonesia và giảm ở Thái Lan. Trong 2 năm qua, lượng xe được bán ra ở Indonesia cũng nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác ở Đông Nam Á. Nhưng Widodo gần đây đã xúc tiến ý tưởng về một dự án ôtô quốc gia kết hợp với Proton, hãng xe quốc gia của Malaysia. Kế hoạch đó có thể sẽ khiến cho các nhà sản xuất nước ngoài lo ngại trong khi đây là nguồn vốn đầu tư mà Indonesia đang rất cần.
Hầu hết các luật lệ trên không phải là do Widodo, nhưng giờ đó là trách nhiệm của ông, đặc biệt là nút thắt về hạ tầng. Đặc điểm về địa lý của Indonesia có phần khác biệt so với các nước khác và đang đặt nước này vào thế bất lợi.
Indonesia trải rộng trên hơn 13.000 hòn đảo, có nghĩa là việc chuyên chở hàng hóa từ nơi này sang nơi khác sẽ luôn là một vấn đề phức tạp và tốn kém. Điều đó khiến việc đưa ra một chính sách tốt trở nên cực kỳ quan trọng để thu hút vốn ngoại.
Theo chuyên gia phân tích Kevin Evans, hiện tại nhà đầu tư vẫn không rõ liệu vị Tổng thống mới có đủ sự phối hợp về chính sách và ủng hộ về chính trị để triển khai những cải cách cần thiết, nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh thân thiện với nhà đầu tư hơn, đặc biệt là đẩy nhanh các dự án hạ tầng lớn. “Tôi nghĩ câu chuyện về hạ tầng cực kỳ quan trọng”, ông Evans nói.
Ông Widodo lại rất có niềm tin. Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới gần đây tại Jakarta, ông đã chỉ ra những thời khắc kinh tế khó khăn mà đất nước đã trải qua trong quá khứ và khẳng định Indonesia sẽ lại thành công một lần nữa.