Thị trường ngoài nước
Thi trường France
28/07/2011
 

Xem anh phong to

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TỔNG QUAN

 

 

 

 

 

 

 

 

  

 

 

 

 

 

Những thông tin cơ bản

 

 

 

 

 

Tên nước:

France

Tên tiếng Việt:

Cộng hòa Pháp

Vị trí địa lý:

Nước Pháp có hình lục giác, nằm ở phía Tây Nam Châu Âu ; phía Bắc giáp Bỉ và Đức ; phía Đông giáp Thụy Sĩ và Italia ; phía Nam giáp Địa Trung Hải, Tây Ban Nha và Andorra; phía Tây giáp Đại Tây Dương và biển Manche – eo biển ngăn cách Pháp và Anh.

Diện tích:

551.602 km2

Tài nguyên thiên nhiên:

Than đá, quặng sắt, quặng boxit, kẽm, urani, antimony, khoáng chất penspat, plorit, thạch cao, gỗ, cá, vàng, dầu, cao lanh, niobium, tantalum, khí thiên nhiên, dầu mỏ, lưu huỳnh...

Dân số

64.473.140 người (01/01/2008)

Cấu trúc độ tuổi theo dân số:

0-14 tuổi: 18.6% ; 15-64 tuổi: 65.2% ; từ 65 tuổi trở lên: 16.2%

Tỷ lệ tăng dân số:

0.00588

Dân tộc:

Chủ yếu là người Châu Âu, một bộ phận là dân nhập cư gốc Châu Phi, Châu Á (nhiều nhất là Trung Quốc, Ấn Độ)

Thủ đô:

Paris

Quốc khánh:

14/07

Hệ thống luật pháp:

Hệ thống dân luật bao gồm :

Luật công : điều chỉnh hệ thống tổ chức quyền lực của Nhà nước và mối quan hệ giữa các cá nhân với Nhà nước

Luật tư : điều chỉnh mối quan hệ giữa các cá nhân là thể nhân hoặc pháp nhân (ví dụ : các công ty hay các hiệp hội)

Tỷ lệ tăng trưởng GDP

2% (2007)

GDP theo đầu người:

27 301 EUR (2007)

GDP theo cấu trúc ngành:

Nông nghiệp: 3,01 ; Công nghiệp: 25% ; Dịch vụ: 71,99%

Lực lượng lao động:

27,556 triệu người (trong đó : 46,4% là lao động nữ)

Lực lượng lao động theo lĩnh vực nghề nghiệp:

Nông nghiệp: 4.1% Công nghiệp: 24.4% Dịch vụ: 71.5%

Tỷ lệ thất nghiệp:

7,5% (2007)

Tỷ lệ dân số sống dưới mức nghèo:

6,2%

Lạm phát:

1,5% (2007)

Sản phẩm nông nghiệp:

Lúa mỳ, ngũ cốc, củ cải đường, khoai tây, rượu nho, thịt bò, thịt gia cầm, sữa và sản phẩm từ sữa, cá...

Sản phẩm công nghiệp:

Máy móc, máy bay và các thiết bị hàng không vũ trụ, hóa chất, điện thoại di động, luyện kim, điện t, sản phẩm dệt, chế biến thực phẩm, du lịch...

Xuất khẩu:

400,93 tỷ EUR (2007)

Mặt hàng xuất khẩu:

Máy móc thiết bị vận tải, phương tiện hàng không, nhựa, dược phẩm, sắt và thép, đồ uống

Đối tác xuất khẩu:

Đức, Italia, Bỉ, Tây Ban Nha, Trung Quốc

Nhập khẩu:

440,108 tỷ EUR (2007)

Mặt hàng nhập khẩu:

Máy móc thiết bị, phương tiện, dầu thô, phương tiện hàng không, nhựa, hóa chất....

Đối tác nhập khẩu:

Đức, Tây Ban Nha, Italia, Anh, Bỉ

 

 

 

 

 

Tổng quan

 

 

 

 

 

Thể chế chính trị:

Cộng hoà Pháp theo chế độ Nghị viện - Tổng thống. Hiến pháp của nền Đệ Ngũ Cộng hòa được thông qua sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 28 tháng 9 năm 1958 và liên tiếp được sửa đổi: Bầu cử Tổng thống theo phương thức phổ thông đầu phiếu trực tiếp (1962), bổ sung mục mới liên quan đến trách nhiệm hình sự của các thành viên chính phủ (1993), thiết lập kỳ họp duy nhất ở Nghị viện và mở rộng quy mô trưng cầu dân ý (1995), rút ngắn nhiệm kỳ Tổng thống từ 7 năm xuống 5 năm (2000).

Theo hiến pháp, Tổng thống Cộng hòa Pháp được bầu thông qua hình thức phổ thông đầu phiếu trực tiếp, nhiệm kỳ 5 năm và có quyền lực lớn: Tổng thống là người đứng đầu nội các, lãnh đạo cao nhất về chính sách đối ngoại và quốc phòng, có quyền chỉ định Thủ tướng, chủ trì Hội đồng Bộ trưởng, giải tán Quốc hội, quyết định tổ chức trưng cầu dân ý về các vấn đề quan trọng và ký kết các hiệp ước. Thủ tướng đứng đầu Chính phủ, có trách nhiệm trước Quốc hội, giữ quyền xây dựng luật trong phạm vi của mình và đảm bảo thi hành pháp luật. 

Quyền lập pháp thuộc về Nghị viện. Nghị viện Pháp theo chế độ lưỡng viện gồm Quốc hội (Assemblée Nationale) và Thượng viện (Sénat).

Quốc hội do phổ thông đầu phiếu trực tiếp bầu ra. Các đại biểu Quốc hội (577 đại biểu) đại diện cho các khu vực bầu cử địa phương và được bầu trực tiếp với nhiệm kỳ 5 năm. Quốc hội có quyền bãi miễn Chính phủ, và vì thế phe chiếm đa số trong Quốc hội sẽ quyết định sự lựa chọn Chính phủ. Với việc bỏ phiếu bất tín nhiệm, Quốc hội có thể bãi miễn Chính phủ.

Thượng viện được bầu gián tiếp (do các uỷ viên hội đồng vùng, tỉnh và các nghị sĩ Quốc hội bầu ra), nhiệm kỳ 6 năm (trước kia là 9 năm) và một nửa số ghế được bầu lại sau mỗi 3 năm bắt đầu từ tháng 9 năm 2008. Quyền lực lập pháp của Thượng viện bị giới hạn: trong trường hợp có sự bất đồng giữa hai viện, Quốc hội sẽ là bên có tiếng nói cuối cùng, ngoại trừ đối với các luật hiến pháp (những sửa đổi hiến pháp và "lois organiques").

Địa lý:

Pháp nằm ở Tây Âu. Trung tâm của nước Pháp là một cao nguyên đá cổ, cao 2.000m, được 4 vùng đất thấp với diện tích chiếm đến 60% tổng diện tích nước Pháp, bao quanh. Vùng Paris, lớn nhất trong số 4 vùng này, tuy bị các sông núi thấp, các đồng bằng và các cao nguyên màu mỡ chia cắt, nhưng vẫn được nối liền với nhau do hệ thống sông Seine và các nhánh của sông Seine. Phía Đông vùng trung tâm là thung lũng hẹp Rhône-Saône. Phía Tây là thung lũng Loire chạy về phía Đại Tây Dương. Phía Tây – Nam là vùng châu thổ màu mỡ Aquitaine được sông Garonne và các sông nhánh tưới tiêu. Nước Pháp được một vành đai các dãy núi đứt gãy bao bọc. Phía Tây – Bắc là khối núi Armoricain, cao 411m. Ở phía Tây – Nam, khối núi Pyrénées tạo thành biên giới tự nhiên giữa Pháp và Tây Ban Nha. Dãy Alpes, ở phía Đông Nam, có đỉnh núi cao nhất châu Âu là Mont Blanc, cao 4.807m, ngăn đôi Pháp và Italia. Dãy núi thấp Jura phía Đông là một rào chắn tự nhiên giữa Pháp và Thuỵ Sĩ; dãy núi Vosges phía Đông ngăn cách châu thổ Paris với thung lũng sông Rhin. Ở phía Đông Bắc dãy núi Ardenne kéo dài sang tận nước Bỉ. Đảo Corse (rộng 8.700km2) nằm ở biển Địa Trung Hải là một khối núi cổ, có đỉnh cao tới 2.710m.

Các sông chính: Sông Rhin, 1.320km; sông Loire, 1.020km; sông Rhone, 812km; sông Seine, 780km; sông Garonne, 650km.

Khí hậu:

Khí hậu nước Pháp nhìn chung là ôn hòa, chịu ảnh hưởng kết hợp của khí hậu Đại Tây Dương, Địa Trung Hải và khí hậu lục địa. Vùng miền Tây nước pháp có gió từ Đại Tây Dương thổi vào đem mưa đến, mùa đông lạnh với  nhiệt độ trung bình 7°C, còn mùa hè thì ôn hòa mát mẻ, nhiệt độ trung bình 16°C.

Ở sâu trong đất liền khí hậu chia mùa rõ rệt hơn, mùa hè nóng hơn, còn mùa đông thì lạnh hơn, những thời kỳ khô hạn và ẩm ướt cũng phân biệt rõ ràng hơn. Ở vùng thung lũng Paris, nhiệt độ trong năm giao động từ 0°C đến 24°C.

Vùng miền Đông nước Pháp và các vùng miền núi phải trải qua những mùa đông khắc nghiệt và những mùa hè nhiều mưa bão hơn. Dãy núi Vosges ảnh hưởng đến khí hậu của vùng Alsace nên mùa đông thì lạnh như cắt da còn mùa hè lại nóng nực. Những đỉnh núi cao nhất thường phủ tuyết quanh năm và trên dãy núi Alpes xuất hiện những dòng sông băng. Các dãy núi cũng thường có mưa nhiều, lượng mưa lên tới 1.400 milimét mỗi năm. Nhưng ven bờ biển Địa Trung Hải lượng mưa trung bình chỉ khoảng 640 milimét mỗi năm.

Vùng ven biển Địa Trung Hải có khí hậu khô và ấm áp nhờ được dãy núi Alpes bảo vệ cho khỏi cái giá rét mùa đông. Mùa hè ở đây nóng và khô, nhiệt độ lên tới 32°C. Ngoài ra, những cơn gió phương Bắc lạnh lẽo, gọi là gió Mistral, thỉnh thoảng lại thổi về miền Nam nước Pháp với vận tốc lên tới hơn 100 km/giờ đủ để gây nên những thiệt hại trầm trọng cho mùa màng.

Kinh tế:

 Pháp là thành viên G8; đồng thời, là một nước có nền kinh tế phát triến tương đối toàn diện và đồng đều cả công nghiệp lẫn nông nghiệp.

Doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Pháp. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, Pháp có khoảng gần 2,5 triệu doanh nghiệp tư nhân (đã đăng ký). Tuy đây là một nền kinh tế thị trường tự do phát triển nhưng nhà nước vẫn giữ ảnh hưởng lớn trên những lĩnh vực cơ sở hạ tầng quan trọng. Nhà nước sở hữu đa số vốn trong các ngành đường sắt (SNCF), điện (EDF), hàng không (Air France) và các công ty viễn thông (France Telecom). Từ đầu thập kỷ 90, nhà nước Pháp đã dần dần nới lỏng kiểm soát bằng việc nâng dần tỷ lệ vốn sở hữu tư nhân trong các doanh nghiệp quan trọng cũng như trong các ngành bảo hiểm, ngân hàng và công nghiệp quốc phòng.

Trong báo cáo « OECD in Figures » xuất bản năm 2005, OECD ghi chú rằng Pháp dẫn đầu các nước G7 về năng xuất lao động (tính theo GDP trên giờ làm việc). Năm 2004, GDP trên giờ lao động tại Pháp là 47,7USD, xếp hạng trên Hoa Kỳ (46,3USD), Đức (42,1USD), Anh (39,6USD), Nhật Bản (32,5USD).

Chính phủ Pháp đã và đang có những nỗ lực to lớn nhằm hợp tác ngày càng sâu với Đức, cả về mặt kinh tế và chính trị. Hai nước này thường được coi là những quốc gia "trung tâm" trong việc thúc đẩy quá trình hội nhập sâu hơn nữa trong Liên minh Châu Âu.

Tổng sản phẩm quốc nội của Pháp năm 2007 đạt trên 1.750 tỷ euros, đứng thứ 6 thế giới (sau Hoa kỳ, Nhật bản, Đức, Trung Quốc và Anh).

Một số chỉ tiêu kinh tế khác của Pháp năm 2007 :

- Tiêu dùng nội địa tăng 2,0% (năm 2006 tăng 2,1%) ;

- Tỷ lệ thất nghiệp được đẩy lùi xuống còn 7,5% so với 8,8% năm 2006. Năm 2007 tạo ra được 250.000 công ăn việc làm mới ;

- Lạm phát kiềm chế ở mức 1,4% ;

- Thâm hụt ngân sách giảm xuống còn 2,4% GDP (năm 2006 là 2,5%).

Pháp đang đứng đầu thế giới về các lò phản ứng hạt nhân tái sinh và phóng vệ tinh thương mại, thứ nhì về công nghệ khai thác dầu khí ngoài khơi, thứ ba về công nghiệp vũ trụ. Tài năng thiết kế của người Pháp còn được thể hiện trong việc chế tạo tầu hoả cao tốc, thiết bị điện phức tạp, tên lửa, vệ tinh viễn thông, máy bay (siêu thanh Concorde, Airbus, Caravelle, Mystère, Mirage). Các hãng Renault và PSA Peugeot Citroën là những nhà sản xuất ôtô hàng đầu thế giới và đang chiếm 24% thị phần Châu Âu.

Các sản phẩm tiêu dùng nổi tiếng thế giới của Pháp thường được nhắc đến như nước hoa Chanel, rượu vang Bordeaux, săm lốp Michelin, đồ sứ Limoges, đồ làm bếp Moulinex...

Pháp đứng thứ 5 thế giới (sau CHLB Đức, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản) về xuất khẩu hàng hóa. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá năm 2007 đạt 400,939 tỷ euros, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.

Mặt hàng xuất khẩu chính của Pháp là máy móc, thiết bị và các phương tiện vận tải (như ôtô, tầu hoả, máy bay), sắt thép, thiết bị điện, điện tử, hoá chất, nông sản, thực phẩm, rượu vang, rượu mạnh, hàng dệt may, đồ mỹ phẩm,...

Pháp đứng thứ 4 thế giới (sau Hoa Kỳ, CHLB Đức và Trung Quốc) về nhập khẩu. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá năm 2007 đạt 440,108 tỷ euros, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước.

Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Pháp gồm sản phẩm dầu mỏ, máy móc, thiết bị, nông sản thực phẩm, hoá chất, sắt thép, hàng tiêu dùng…

Pháp đứng thứ tư thế giới về dịch vụ : ngành dịch vụ của Pháp phát triển rất mạnh, đóng góp khoảng 65,9% tổng sản phẩm quốc nội.

Pháp đứng thứ ba thế giới về nông nghiệp : nông nghiệp (kể cả đánh cá và nghề rừng) tuy chiếm 6% lao động và khoảng 3,1% tổng sản phẩm quốc nội, nhưng vẫn đảm bảo hầu hết nhu cầu tiêu dùng về lương thực và thực phẩm hàng ngày của người dân Pháp ; đồng thời, dành một số lượng đáng kể cho xuất khẩu (năm 2007, Pháp xuất siêu khoảng trên 7,9 tỷ euros hàng nông sản, thực phẩm, gồm : lúa mì, rượu nho, các sản phẩm thịt, sữa...).

 

 

Ý kiến bạn đọc