Kết quả cụ thể một số mặt hàng chủ yếu như sau:
Gạo: Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 9 năm 2015 ước đạt 428 nghìn tấn với giá trị đạt 177 triệu USD đưa khối lượng xuất khẩu gạo 9 tháng đầu năm 2015 ước đạt 4,47 triệu tấn và 1,92 tỷ USD, giảm 10,1% về khối lượng và giảm 15,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá gạo xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2015 đạt 430,87 USD/tấn, giảm 5,08% so với cùng kỳ năm 2014. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2015 với 35,37% thị phần. Tám tháng đầu năm 2015 xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2014 (giảm 2,64% về khối lượng và giảm 8,74% về giá trị). So với tám tháng đầu năm 2014, các thị trường có sự tăng trưởng mạnh trong 8 tháng đầu năm 2015 là thị trường Malaixia tăng 35,75% về khối lượng và tăng 24,3% về giá trị, vươn lên vị trí thứ 3 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 8,87% thị phần; thị trường Gana tăng 21,8% về khối lượng và tăng 16,15% về giá trị, đứng vị trí thứ 3 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam; thị trường Bờ Biển Ngà tăng 77,56% về khối lượng và tăng 77,93% về giá trị, đứng thứ 5 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam. Các thị trường có sự giảm đột biến trong 8 tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm 2014 là Phillipin (giảm 41,01% về khối lượng và giảm 44,69% về giá trị), Singapore (giảm 37,24% về khối lượng và giảm 34% về giá trị), và Hong Kong (giảm 29,37% về khối lượng và giảm 35,36% về giá trị).
Cà phê: Xuất khẩu cà phê trong tháng 9 năm 2015 ước đạt 81 nghìn tấn với giá trị đạt 158 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 9 tháng đầu năm 2015 ước đạt 961 nghìn tấn với tổng giá trị 1,96 tỷ USD, giảm 31,2% về khối lượng và giảm 32,2% về giá trị so cùng kỳ năm 2014. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2015 đạt 2.054 USD/tấn, giảm 0,23% so với năm 2014. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2015 với thị phần lần lượt là 14,41% và 11,46%. Giá trị xuất khẩu cà phê trong 8 tháng đầu năm 2015 ở 10 thị trường chính của Việt Nam đều giảm so với cùng kỳ năm 2014.
Chè: Khối lượng xuất khẩu chè tháng 9 năm 2015 ước đạt 10 nghìn tấn với giá trị đạt 17 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu chè 9 tháng đầu năm 2015 ước đạt 88 nghìn tấn với giá trị đạt 151 triệu USD, giảm 8,8% về khối lượng và giảm 8,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá chè xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2015 đạt 1.710 USD/tấn, tăng 2,03% so với cùng kỳ năm 2014. Trong 8 tháng đầu năm 2015, khối lượng chè xuất khẩu sang Pakistan – thị trường lớn nhất của Việt Nam với 38,15% thị phần – tăng 9,54% về khối lượng và tăng 8,56% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Các thị trường có giá trị xuất khẩu tăng đột biến là Nga (tăng 33,45%), các TVQ Arập Thống nhất (gấp gần 3 lần) và Indonesia (tăng 15,59%).
Hạt điều: Khối lượng hạt điều xuất khẩu tháng 9 năm 2015 ước đạt 30 nghìn tấn với giá trị 218 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2015 đạt 245 nghìn tấn với 1,78 tỷ USD, tăng 7,8% về khối lượng và tăng 20,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2015 đạt 7.271 USD/tấn, tăng 12,48% so với cùng kỳ năm 2014. Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm lần lượt 36,29%, 12,56% và 12,32% tổng giá trị xuất khẩu. Các thị trường có giá trị tăng mạnh là Đức (79,7%), Thái Lan (51,38%), Hoa Kỳ (35,33%), Hà Lan (33,67%) và các TVQ Arập Thống nhất (22,01%).
Tiêu: Khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 9 năm 2015 ước đạt 7 nghìn tấn, với giá trị đạt 66 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 9 tháng đầu năm 2015 lên 110 nghìn tấn với giá trị 1,04 tỷ USD, giảm 21,2% về khối lượng và giảm 1,3% về giá trị. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2015 đạt 9.420 USD/tấn, tăng 26,35% so với cùng kỳ năm 2014. Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất và Singapore với 37,89% thị phần. Các thị trường có giá trị tăng mạnh là Đức (35,27%), Hàn Quốc (53,34%), Tây Ban Nha (27,79%) và Anh (24,23%).
Sắn và các sản phẩm từ sắn: Khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 9 năm 2015 ước đạt 235 nghìn tấn, với giá trị đạt 84 triệu USD đưa tổng khối lượng xuất khẩu mặt hàng này 9 tháng đầu năm 2015 đạt 3,27 triệu tấn với giá trị 1,03 tỷ USD, tăng 28,4% về khối lượng và tăng 24,3% về giá trị so cùng kỳ năm 2014. Trong 8 tháng đầu năm 2015, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chính chiếm tới 89,17% thị phần, tăng 37,1% về khối lượng và tăng 33,03% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Thị phần của các thị trường chính khác đều nhỏ hơn 2%. Các thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất là Nhật Bản (tăng 72,29% về khối lượng và tăng 84,45% về giá trị) và Đài Loan (tăng 46% về khối lượng và tăng 43,51% về giá trị).