Chính sách
Luật giao dịch điện tử
09/08/2013


Đầu năm 2004, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khởi động dự án xây dựng Luật Giao dịch điện tử. Tới tháng 5-2005, Ban Soạn thảo đã hoàn thành dự thảo 8 với cấu trúc gồm tám chương, 55 điều, quy định về:

(1) giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu;

(2) giá trị pháp lý của chữ ký điện tử và thị trường chứng thực điện tử;

(3) hợp đồng điện tử;

(4) giao dịch điện tử của các cơ quan nhà nước;

(5) vấn đề bảo mật, an toàn, an ninh;

(6) vấn đề sở hữu trí tuệ trong giao dịch điện tử thuộc các lĩnh vực dân sự, thương mại, hành chính và lĩnh vực khác do pháp luật quy định.

Luật Giao dịch điện tử đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/3/2006, với 8 chương, 54 điều. Đây được coi là thời điểm lịch sử của các giao dịch điện tử tại Việt Nam, bao gồm các giao dịch điện tử trong lĩnh vực thương mại. Luật Giao dịch điện tử sẽ thừa nhận giá trị pháp lý của các thông điệp dữ liệu và chữ ký điện tử được sử dụng trong các quan hệ dân sự, thương mại và hành chính; đồng thời cụ thể hoá các quy định áp dụng cho hợp đồng điện tử và các giao dịch điện tử của khối cơ quan nhà nước. Tổ chức, cá nhân sẽ yên tâm khi tiến hành các giao dịch điện tử, vừa giảm các chi phí giao dịch, tiết kiệm thời gian xử lý và vẫn có thể yêu cầu toà án bảo vệ quyền lợi của mình một khi có tranh chấp xảy ra.

Nguyên tắc chung tiến hành giao dịch điện tử được quy định trong Điều 5 của Luật Giao dịch điện tử là:

- Tự nguyện lựa chọn sử dụng phương tiện điện tử để thực hiện giao dịch.

- Tự thỏa thuận về việc lựa chọn loại công nghệ để thực hiện giao dịch điện tử.

- Không một loại công nghệ nào được xem là duy nhất trong giao dịch điện tử.

- Bảo đảm sự bình đẳng và an toàn trong giao dịch điện tử.

- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.

- Giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 40 của Luật này.

Ý kiến bạn đọc