Chính sách
Nhiều mặt hàng nhập khẩu từ ASEAN sắp được giảm thuế
12/10/2014
 Ôtô, sắt thép, vàng bạc, đá quý, sữa, đồ thực phẩm, cùng nhiều mặt hàng khác nhập khẩu từ ASEAN sẽ được hưởng mức thuế ưu đãi, giảm mạnh so với cũ.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan về biểu thuế nhập khẩu áp dụng đối với nhiều nhóm mặt hàng đến từ ASEAN.

Theo đó, các loại sữa cô đặc, dạng lỏng, kem chưa pha chế, sữa chua và các loại khác áp dụng mức thuế phổ biến 0% hoặc 5%, tùy loại.

Các loại thực phẩm ngũ cốc, rau củ quả nhập khẩu dạng bột, tinh chất, mỡ thực vật, dầu thực phẩm, nước ép hoa quả, siro, đồ dùng trẻ em có thuế suất phổ biến 0%. Một số loại khác áp dụng mức 5%. Các sản phẩm muối ăn, muối mỏ, nước biển dự kiến có thuế suất 5%. Còn các loại như quặng, thạch anh, than đá, dầu thô đồng loạt về mức 0%.

Đối với mặt hàng dầu, nhiên liệu, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức 20% đối với các loại xăng Ron 97, Ron 90. Đối với các sản phẩm xăng, dầu thành phẩm nhập khẩu, thuế suất áp dụng chỉ khoảng 5%. Mức thuế 0- 5% cũng áp dụng đối với các sản phẩm Vitamin, khoáng chất, thuốc chữa bệnh, sắt thép hợp kim...

Cũng theo đề xuất của Bộ Tài chính, các sản phẩm như đồ trang sức, kim loại quý, vàng bạc, bạch kim... chưa gia công hoặc bán thành phẩm có thế suất dự kiến 0%... Riêng các mặt hàng như kim loại, tiền tệ bằng vàng, bằng bạc... áp dụng thuế suất 5%.

Các mức thuế trên áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu tại 9 nước thuộc khối ASEAN gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysi, Myanma, Philippines, Singapore và Thái Lan trong khoảng thời gian 3 năm (2012, 2013 và 2014).

Đối với ôtô chở người nhập khẩu loại 9 chỗ, mức thuế dự kiến áp dụng trong năm 2012 là 70%, năm 2013 là 60% và năm 2014 là 50%. Các loại xe chuyên dùng, xe cứu thương, chở tù nhân, xe tải... áp dụng thuế suất thấp 0-5%.

Bộ Tài chính cũng cho biết theo lộ trình giảm thuế đến năm 2018, một số dòng xe nhập khẩu thuộc khối ASEAN sẽ có mức thuế ưu đãi đặc biệt 0%. Đối với cam kết trong WTO, tất cả các loại ôtô sẽ phải cắt giảm thuế suất xuống 70% sau 7 năm gia nhập, tức năm 2014. Và đến năm 2017, thuế suất áp dụng chỉ còn khoảng 47%. Mức thuế này tiếp tục được cắt giảm cho đến năm 2019.

Ý kiến bạn đọc