Chính sách
Thuế nhập khẩu phân urê tăng lên 6% từ 10/9/2014
12/10/2014
 Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 131/2014/TT-BTC sửa đổi mức thuế nhập khẩu đối với mặt hàng phân bón thuộc nhóm 31.02 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Thông tư số 164/2013/TT-BTC.

Theo đó, kể từ ngày 10/9/2014, mức thuế nhập khẩu đối với mặt hàng urê, có hoặc không ở trong dung dịch nước đã tăng từ 3% lên 6%.

Được biết trước đó, Bộ Tài chính đã dự kiến tăng thuế nhập khẩu ưu đãi từ 3% lên 6% đối với một số mặt hàng phân bón, trong đó có mặt hàng phân urê nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón trong nước theo kiến nghị của Tập đoàn Hóa chất.

Theo kiến nghị của Tập đoàn Hóa chất, các chỉ tiêu chính về sản xuất công nghiệp, doanh thu trong năm 2014 đều thấp hơn cùng kỳ, trong đó sản xuất phân bón đạt thấp nhất so với nhiều năm gần đây. Nguyên nhân chính là lượng phân bón urê và NPK nhập khẩu cuối 2013 và đầu 2014 tăng mạnh trong khi sản lượng urê của 4 nhà máy trong nước đã dư khoảng 300 nghìn tấn/năm.

Ngoài ra, nhà máy sản xuất phân urê của Tập đoàn tại Ninh Bình mới đi vào hoạt động cuối năm 2012 nên các chi phí khấu hao, lãi vay chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành phẩm. Than - nguyên liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giá thành phẩm - phải mua với giá cao, trong khi giá bán urê tăng không đáng kể. Vì vậy, Tập đoàn Hóa chất kiến nghị tăng thuế NK urê (mã 3102.10.00) từ mức 0-4,5% lên mức chung là 7%.

Theo số liệu của TCHQ thì trong năm 2013, phân urê NK tăng mạnh 58,3% (798 nghìn tấn). Từ tình hình trên, cùng với những cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, Bộ Tài chính cho biết, thuế suất của mặt hàng urê đã được điều chỉnh tăng từ 0% lên 3% (áp dụng từ 01/01/2014) để khuyến khích sản xuất urê. Việc này đã làm giảm lượng NK urê.

Theo số liệu của TCHQ thì trong 4 tháng đầu năm 2014, urê NK đã giảm 69% về lượng và 72% về trị giá so với cùng kỳ 2013. Theo thông tin của Tập đoàn Hóa chất, tổng phân bón tồn kho là 685 nghìn tấn, trong đó urê tồn 138 nghìn tấn, tăng gần 900% so với cùng kỳ 2013.

Như vậy, mức tăng thuế NK ưu đãi mặt hàng phân urê từ 3% lên 6% (bằng mức trần cam kết WTO) vừa tuân thủ cam kết quốc tế vừa tạo thuận lợi cho DN trong nước.

Ý kiến bạn đọc