Công nghiệp chế biến
Nỗi lo không đạt mục tiêu xuất khẩu
12/10/2016
Xuất khẩu trong 9 tháng năm 2016 ước đạt 128,6 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra cho cả năm là 180 tỷ USD. Nếu muốn hoàn thành nhiệm vụ xuất khẩu thì trong 3 tháng tới, mỗi tháng phải xuất khẩu được trên 17,2 tỷ USD, nhưng con số này gần như bất khả thi bởi tháng 9, xuất khẩu chỉ đạt 15 tỷ USD và tháng cao nhất từ đầu năm đến nay (tháng 8/2016) cũng chỉ đạt 15,2 tỷ USD.

 Nhiều mặt hàng chủ lực gặp khó


Xuất khẩu trong 9 tháng năm 2016 ước đạt 128,6 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2015. Điểm đáng lưu ý là mức tăng này thấp hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước, 9 tháng 2015 tăng 9,6% và khả năng đạt mục tiêu xuất khẩu cả năm 2016 sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức. 

Đánh giá về tình hình xuất khẩu 9 tháng qua, Tổng cục Thống kê cho biết, bên cạnh những nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng như rau quả tăng 31,6%, đá quý và kim loại tăng 64,5%, máy móc thiết bị, phụ tùng tăng 23% thì kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng chủ lực là nông sản và nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản lại tiếp tục có sự sụt giảm về giá cũng như về lượng xuất khẩu. Cụ thể, gạo giảm 16,3% về lượng và 14,4% về trị giá; sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 11,4% về lượng và 24,8% về trị giá; dầu thô giảm 25% về lượng và 43,3% về trị giá... đã làm giảm đáng kể tốc độ tăng trưởng chung của xuất khẩu. 

Công nghiệp chế biến chiếm khoảng 40% cơ cấu xuất khẩu chung của cả nước cũng không duy trì được tốc độ tăng trưởng cao như những năm trước và không “cõng” nổi sự sa sút của nhóm ngành khai khoáng, trong đó, trọng tâm là dầu khí. Chưa kể, từ quý 2, ngành dệt may gặp nhiều khó khăn do đơn hàng xuất khẩu chững lại và bắt đầu sụt giảm từ quý 3. Xuất khẩu dệt may 9 tháng đạt 17,9 tỷ USD, chỉ tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2015 do sức cạnh tranh giảm so với nhiều đối thủ cạnh tranh. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: Các đối thủ của dệt may Việt Nam như Campuchia, Myanmar, Bangladesh... được ưu đãi thuế nhập khẩu dệt may vào Mỹ là 0% trong khi Việt Nam vẫn phải chịu thuế là 17%. Không những thế, giá nhân công tại những nước này cũng đang thấp hơn Việt Nam khiến khách hàng chuyển đơn hàng sang các đối tác đó. Chính sách giữ ổn định tỷ giá của đồng Việt Nam so với một số đồng ngoại tệ khác cũng khiến hàng dệt may Việt Nam trở lên đắt hơn và giảm sức cạnh tranh so với các nước.

Xuất khẩu của một số nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng mức tăng đã chậm lại. Tính chung 9 tháng, sản xuất điện thoại và linh kiện chỉ tăng 8,6% và các mặt hàng điện tử chỉ tăng 11,37% so với cùng kỳ năm trước do những nhóm ngành hàng này đã gần đến ngưỡng công suất thiết kế.

Tăng tốc không dễ

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng thấp là do xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là gia công, lắp ráp, xuất khẩu thô nên giá trị gia tăng đem lại không cao. Đặc biệt, do công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển, tỷ lệ nhập khẩu nguyên phụ liệu còn lớn nên thường gặp bất lợi mỗi khi giá cả thế giới biến động tăng, làm tăng chi phí sản xuất trong nước, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa. Mặt khác, thị trường thế giới đang có nhiều bất ổn dẫn đến nhu cầu nhập khẩu của các nước giảm. Thậm chí nhiều nước còn tăng cường áp dụng hàng rào kỹ thuật với hàng hóa nhập khẩu nhất là đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản... Không những thế, các đối thủ có nguồn cung hàng hóa tương tự như Thái Lan, Ấn Độ... cũng đang gia tăng cạnh tranh với hàng hóa của Việt Nam khiến xuất khẩu ngày càng khó khăn.

Để khắc phục tình trạng trên, các chuyên gia cho rằng, trước mắt, cần tiếp tục các giải pháp hỗ trợ cho các mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, châu Âu, đồng thời, chú trọng việc nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với các mặt hàng xuất khẩu đang có xu hướng chững lại và giảm như dệt may, giày dép... cần đẩy mạnh hợp tác, kết nối, giảm tối đa các chi phí không cần thiết. Cùng với đó, doanh nghiệp trong nước cũng phải tăng cường liên kết với các doanh nghiệp nhập khẩu ở các nước khác tạo ra chuỗi giá trị để ký kết hợp đồng ổn định, dài hạn. Theo ông Vũ Đức Giang, bản thân doanh nghiệp phải chủ động tìm cách khả năng cạnh tranh bằng cách tăng năng suất, đổi mới công nghệ... Bên cạnh đó, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp thông qua cải cách thủ tục hành chính, ví dụ như sửa đổi các quy định về quản lý chuyên ngành chưa phù hợp, ví dụ với ngành dệt may là bãi bỏ Thông tư 37 về kiểm tra hàm lượng formaldehyl...

 Thời gian về đích không còn nhiều, trong khi đó, Bộ Công Thương cũng nhận định, tăng trưởng xuất khẩu đang rất vất vả và khó đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra là tăng 10%. Do vậy, để phấn đấu tăng trưởng xuất khẩu ở mức cao nhất, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, sẽ tập trung rà soát lại các quy định liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu cũng như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ban hành các chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất qua đó nâng cao giá trị xuất khẩu. “Đặc biệt, cần tăng cường các giải pháp về thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại nhằm khơi thông thị trường xuất khẩu, ban hành nhiều văn bản về hướng dẫn các cơ hội, thách thức từ các hiệp định thương mại tự do, tăng cường công tác dự báo thị trường để hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp...”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Nguồn: Báo Tin tức - TTXVN
Ý kiến bạn đọc